Đặc sắc lễ hội cầu mưa xã Lạc Hồng

Đã thành thông lệ, cứ đến tháng 3 âm lịch hằng năm, người dân xã Lạc Hồng (Văn Lâm) lại háo hức, rộn ràng tham gia lễ hội cầu mưa.

Chuẩn bị tổ chức lễ hội cầu mưa năm 2023

Theo chuyện xưa truyền lại: Vào thời Hán Linh Đế, nước ta gọi là Giao Châu, có nhiều cao tăng xứ Thiên Trúc đến để truyền đạo. Khi ấy, có nhà sư tên là Khâu Đà La rất giỏi phật pháp. Lúc đó ở làng Mãn Xá (phía Tây Nam làng Dâu) ông bà Tu Định có người con gái xinh đẹp, nết na tên là Man Nương, do khâm phục nhà sư Khâu Đà La nên ông bà Tu Định cho con gái theo thầy học đạo. Một hôm, Man Nương ngủ quên ở ngoài ngưỡng cửa, nhà sư Khâu Đà La vô ý bước qua người nàng và nàng thụ thai một cách thần kỳ. 14 tháng sau, nàng Man Nương sinh hạ một bé gái và đem trao cho Khâu Đà La. Nhà sư bèn mang đứa bé ấy đến bên gốc cây Dung Thụ (cây dâu) ở ngã ba sông rồi đọc kệ, cây bỗng mở rộng thân mình, ôm đứa bé vào lòng. Sau đấy, nhà sư trao cho Man Nương cây tích trượng và dặn cách cắm cây tích trượng ấy xuống đất để làm mưa lấy nước chống hạn cho dân làng. Man Nương trở về quê, nàng giúp dân chống hạn.

Rất lâu sau, một hôm mưa bão, gió to, cây Dung Thụ kia bị đổ trôi theo dòng sông về tới cửa chùa. Đến đây, cây không chịu trôi nữa, dân chúng định chặt làm củi mà không sao kéo cây vào được. Khi đó Man Nương ra bến giặt quần áo, bà tung dải yếm ra thì cây trôi theo vào ngay. Vớt được cây dâu lên bờ, người ta thuê thợ tới để xẻ cây gỗ làm đình. Kỳ lạ thay khi cưa khúc đầu thì thấy mây kéo lên ùn ùn đen cả một vùng trời, cưa khúc thứ hai thì thấy mưa, cưa khúc thứ ba thì thấy sấm, cưa khúc thứ tư thì thấy chớp và lại thấy có sự kỳ lạ, trong thân cây có một viên thạch quang. Thợ cưa gỗ thấy vậy liền vứt viên thạch quang xuống sông còn bốn khúc gỗ của cây dâu được Nhân dân đem tạc thành bốn pho tượng đặt tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và được lập thờ ở bốn ngôi chùa…

Lễ hội cầu mưa có từ lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Qua đó thể hiện mong ước chinh phục thiên nhiên, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trước đây, lễ hội cầu mưa thường được tổ chức mỗi khi trời hạn hán nhưng sau đó, lễ hội không được duy trì do các ngôi chùa đều bị chiến tranh tàn phá. Đến năm 2005, lễ hội được khôi phục lại theo trình tự, nghi thức như xưa. Ngày 12/1/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 68/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Lễ hội cầu mưa xã Lạc Hồng được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội cầu mưa xã Lạc Hồng khác so với các lễ hội khác trong vùng cùng thờ Tứ pháp đó là thời gian tổ chức lễ hội vào tháng 3 âm lịch. Sự độc đáo và khác lạ còn được thể hiện thông qua những chiếc khố của giai kiệu. Khố được làm khá cầu kỳ với nhiều nguyên phụ liệu khác nhau như: Thừng, vải vóc, đinh, hoa cúc chì, hạt cườm… Trong khi tổ chức rước Tứ pháp cầu mưa, tham gia đoàn rước có Cờ reo là người reo và xướng vần, nội dung những câu reo chủ yếu để cầu mưa.

Đặc biệt, trong lễ hội có tổ chức trò đánh Trăng/Giăng, một trò chơi vô cùng đặc sắc thu hút đông đảo Nhân dân và du khách dự hội hưởng ứng. Ngày nay, trò đánh Trăng được tổ chức vào buổi chiều ngày mồng 6 tháng 3 (âm lịch) ngay sau khi rước kiệu Pháp Vũ và Pháp Lôi đến chùa Thái Lạc. Tham gia trò này chủ yếu là các giai kiệu và thanh niên trai tráng trong toàn xã. Thông thường mỗi lần đánh có khoảng năm mươi đến sáu mươi người tham gia. Ngoài ra còn có đội cờ, đội trống đứng cổ vũ. Trên khu đất rộng, Tiểu Cổ mặc áo dài đỏ, đầu đội khăn đỏ, tay cầm trống khẩu đi trước. Một giai kiệu khoẻ mạnh, có giọng âm vang đi theo sau, tay cầm một lá cờ đỏ để ra hiệu và reo. Khi có hiệu lệnh, các giai kiệu đóng khố xếp hàng vòng tròn lần lượt chạy theo Tiểu cổ và Cờ reo. Cả đoàn chạy theo vòng xoáy chôn ốc theo chiều kim đồng hồ, sau đó quay ngược trở ra. Cứ như vậy, đi đủ ba vòng thì kết thúc một lần đánh trăng. Trong khi đánh Trăng, Cờ reo có các câu diễn xướng.

Nét đặc sắc của lễ hội cầu mưa được thể hiện ở nghi thức rước Tứ Pháp và rước rồng lấy nước tại giếng cổ thôn Bình Minh. Đối với lễ rước rồng lấy nước, bệ rồng được làm bằng gỗ, mặt bệ được ghép liền kích thước vuông khoảng 1,2m. Trên mặt bệ là chín con rồng (hai con rồng to và bảy con rồng nhỏ). Sau khi làm lễ tại chùa Thái Lạc, đoàn rước khởi hành rước rồng ra giếng cổ thuộc thôn Bình Minh làm lễ lấy nước rước về chùa Thái Lạc. Số nước lấy tại giếng cổ thôn Bình Minh được chia thành ba phần đặt lên ban thờ ba Bà: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi. Khi mọi thủ tục được hoàn tất, lễ rước ba bà xuống chùa Pháp Điện mới được tiến hành.

Những nghi thức, nghi lễ, các trò chơi dân gian nhộn nhịp, hay những làn điệu dân ca truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ, những câu diễn, những câu reo, xướng vần… tại lễ hội cầu mưa giúp con người tìm lại bản sắc văn hóa dân tộc, được hòa mình trong không khí tưng bừng của lễ hội và được trải nghiệm trong môi trường văn hóa thân quen, được thỏa mãn nhu cầu tâm linh.

Lễ hội cầu mưa xã Lạc Hồng (Văn Lâm) Ảnh: Tư Liệu

Đồng chí Hồ Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng cho biết: Lễ hội cầu mưa xã Lạc Hồng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần giáo dục truyền thống, ý thức trách nhiệm của cán bộ, Nhân dân trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương. Để lễ hội được tổ chức chu đáo, xã thành lập Ban Tổ chức lễ hội; phân công các thôn chuẩn bị nhân lực, vật lực phục vụ lễ hội. Các tiểu ban phục vụ lễ hội được thành lập và được phân công những nhiệm vụ cụ thể. Theo kế hoạch, năm 2023, các hoạt động lễ hội diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 25 đến ngày 26/4/2023 (tức ngày 6 và ngày 7 tháng 3 năm Quý Mão). Ngày 27/4, các nhà sư làm lễ chân nhang và yên vị tượng Tứ pháp.

Thu Yến

Nguồn Báo Hưng Yên Điện Tử: https://baohungyen.vn/van-hoa/202304/dac-sac-le-hoi-cau-mua-xa-lac-hong-bae0669/