Rõ ràng việc không ngăn chặn người dùng đăng tải các video mạo hiểm, liều lĩnh là một phần nguyên nhân dẫn tới những vụ việc đáng tiếc trên các nền tảng livestream trực tuyến trong thời gian qua.
Một tòa án tại Trung Quốc vừa đưa ra án phạt đối với một nền tảng livestream vì liên quan đến cái chết của một streamer chuyên thực hiện các video mạo hiểm. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ cũng đang tranh cãi về việc có nên quy trách nhiệm cho các công ty Internet vì đã chứa chấp các video có nội dung nguy hiểm như vậy không.
Wu Yongning, 26 tuổi từng là một trong những streamer nổi tiếng tại Trung Quốc vì độ liều lĩnh của mình. Anh thường xuyên có các video selfie khiến người xem không khỏi hoảng hồn như đứng ở mép nóc nhà, thực hiện các động tác mạo hiểm ở ngoài không trung,… mà không có thiết bị bảo hộ.
Điều gì đến cũng sẽ đến, sự liều lĩnh không đi kèm với các thiết bị bảo hộ đã khiến Wu phải trả giá với chính tính mạng của mình. Trong một lần streamer trên tòa nhà cao 62 tầng vào hôm 8/11/2017, Wu đã bị đuối sức và rồi buông mình rơi xuống mặt đất từ tầng 62.
Vụ việc dù đã qua đi gần 2 năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. Mới đây, một tòa án ở Bắc Kinh đã trao số tiền phạt 4.300 USD cho gia đình của Wu sau khi ra phán quyết luận tội chủ sở hữu Huajiao, nền tảng livestream mà Wu sử dụng, phải chịu một phần trách nhiệm cho cái chết của anh chàng này.
Những màn trình diễn mạo hiểm như leo mái nhà, cây cầu,… từng là loại video phổ biến trên các nền tảng livestream. Mặc dù đó là những hành động bất hợp pháp và nghiêm cấm chiếu trên mạng nhưng lỗi không chỉ ở người đăng mà còn nằm ở người quản lý các nền tảng chứa video đó. Trong vụ việc của Wu, tòa án cho rằng, Huajiao phải chịu một phần trách nhiệm cho cái chết của Wu vì đã không sớm ngăn tài khoản này đăng tải các video mạo hiểm, đồng thời đưa ra các cảnh báo an toàn.
Tuy nhiên đó là ở Trung Quốc trong khi ở một số quốc gia khác trên thế giới, các nền tảng video có thể được luật pháp bảo vệ.
Tại Mỹ, các nền tảng như YouTube hoặc TikTok thường không phải chịu trách nhiệm về nội dung do người dùng tạo ra theo Mục 230 trong Đạo luật thông tin và truyền thông. Thay vào đó, hầu hết các nền tảng này đã thiết lập các quy tắc nghiêm cấm người dùng đăng các video có nội dung nguy hiểm, bạo lực hoặc thô tục.
Hướng dẫn quy tắc ứng xử cộng đồng của TikTok nghiêm cấm đăng tải các video có hành vi nguy hiểm hoặc khuyến khích mọi người thử, tham gia hoạt động đó. Ứng dụng cũng đưa ra những cảnh báo trong video nếu nội dung có yếu tố nguy hiểm, không nên bắt chước.
Trong khi đó, chính sách của YouTube là nghiêm cấm các thử thách nguy hiểm, các trò chơi khăm đe dọa đến tính mạng. Ngoài ra các nền tảng đều đưa ra các giới hạn rõ ràng về độ tuổi được phép xem video có yếu tố bạo lực.
Mặc dù vậy các nền tảng video trực tuyến khẳng định, cuộc chiến chống lại các video vi phạm quy tắc trên vẫn còn rất cam go khi số lượng nội dung tạo mới ngày một lớn.
Nguy hiểm là vậy nhưng những trò đùa liều lĩnh trên mạng Internet chưa bao giờ hết, thậm chí còn ngày càng nguy hiểm và táo bạo hơn. Tất cả chỉ vì muốn đổi lấy sự nổi tiếng.
Năm ngoái, một YouTuber người Mỹ đã chết sau khi người này thử nghiệm bắn súng xuyên qua một cuốn bách khoa toàn thư mà anh này đang cầm trên ngực. Cũng trong năm nay, một thiếu niên Ấn Độ đã chết vì đâm vào một đoàn tàu đang di chuyển trong lúc cố gắng chạy song song với đoàn tàu trong lúc quay video trên TikTok.
Tham khảo Abacusnews
Thiên Long, theo Trí Thức Trẻ
http://ttvn.vn/doi-song/da-den-luc-cac-nen-tang-livestream-phai-chiu-trach-nhiem-vi-tha-long-cho-cac-video-choi-dai-xuat-hien-ngay-cang-nhieu-820195129057429.htm