Ảnh minh họa
“Nếu Tổng thống coi trọng sự cạnh tranh với Trung Quốc, ông sẽ phải có nhiều hành động hơn và cố gắng có được nhiều đồng minh nhất đứng về phía mình”, cựu quan chức Mỹ nói.
Mỹ và châu Âu cần hợp tác
Mới đây, bà Julianne Smith – cựu Cố vấn an ninh quốc gia của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden cho rằng, trong bối cảnh khó có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc như hiện nay, Tổng thống Donald Trump phải cân nhắc bước tiếp theo để kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
“Ông Trump nên thử phương thức mà ông chưa từng thực hiện: Bắt tay với châu Âu”, bà Smith cho biết.
Bà này cho rằng, một đề nghị như vậy vào năm năm trước sẽ khiến người ta ngạc nhiên bởi Châu Âu và Trung Quốc luôn có sự hợp tác kinh tế chặt chẽ, đặc biệt là đối với các nước có định hướng xuất khẩu như Đức. Với những thách thức chính trị và an ninh mà người châu Âu gặp phải khi hợp tác với Trung Quốc, họ tin chắc rằng mối quan hệ kinh tế đang phát triển với phương Tây sẽ kiềm chế Trung Quốc.
“Tuy nhiên, trong vài năm qua, Đức và một số nước châu Âu khác đã thức tỉnh về chiến lược. Đối với các hoạt động thương mại săn mồi của Trung Quốc, đặc biệt là cưỡng ép chuyển giao công nghệ, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các ngành nghề của Đức bắt đầu thể hiện sự bất mãn rõ ràng hơn. Họ bắt đầu coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh có hệ thống””, cựu quan chức Mỹ nhận định.
“Những điều này đủ để khiến các nước châu Âu, vốn luôn là đồng minh thân cận nhất của Mỹ, sẵn sàng hợp tác với Washington để đối đầu với Trung Quốc trong các vấn đề như thương mại v.v…
Ngược lại, châu Âu và Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi các tranh chấp mang tính chu kỳ như chi tiêu quân sự, mất cân bằng thương mại của Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương và thỏa thuận hạt nhân của Iran. Đây là những gì mà Bắc Kinh muốn thấy ở cả hai bờ Đại Tây Dương: Mất tập trung và chia rẽ”, bà này khẳng định.
Bà Smith cũng cho rằng, về vấn đề Trung Quốc, chính phủ Tổng thống Trump gần như không nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ từ các đồng minh châu Âu:
1 gian hàng Huawei ở Đức năm 2018. Ảnh: Reuters
“Washington không thông báo chính sách về Trung Quốc cho các đồng minh cũng như không đề xuất bất kỳ chiến lược xuyên Đại Tây Dương tương tự nào. Khi Mỹ và châu Âu cùng nói về Trung Quốc, trọng tâm của các cuộc thảo luận như vậy chỉ thường tập trung vào việc tăng cường kiểm duyệt để ngăn chặn nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc Huawei xây dựng mạng 5G”.
Tuy nhiên, cựu quan chức Mỹ cho rằng, cách tiếp cận châu Âu của Washington đang thất bại khi người châu Âu “khó chịu khi chấp nhận mệnh lệnh của Mỹ hiện nay, điều này khiến họ có xu hướng bỏ qua các tuyên bố của Mỹ về các vấn đề như Huawei”.
Để kiềm chế Trung Quốc
“Mỹ và châu Âu cần ngồi vào bàn đàm phán với tư cách là đối tác hợp tác thực tế và tiến hành đối thoại mở rộng hơn về tham vọng chính trị, kinh tế và công nghệ của Trung Quốc. Mỹ và châu Âu cần nỗ lực tăng cường quan hệ thương mại và tạo ra các lựa chọn thay thế cho sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc”.
“Cách tốt nhất để Mỹ và Châu Âu cạnh tranh với Trung Quốc sẽ là giải quyết tranh chấp thương mại song phương của chính họ. Hai bên càng tranh cãi và càng đe dọa tăng thuế lẫn nhau, sẽ càng cung cấp cho Trung Quốc không gian để Bắc Kinh tiếp tục bỏ qua các quy tắc thương mại quốc tế.
Khi – hoặc nếu – hai đối tác xuyên Đại Tây Dương hạ nhiệt mâu thuẫn thương mại và tập trung vào việc tăng cường liên kết thương mại, họ nên chủ động tiếp cận Nhật Bản và các đồng minh khác – những nước có thể tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của nền kinh tế phương Tây”.
Theo bà này, tăng cường phối hợp nên là nhiệm vụ tiếp theo trong danh sách việc cần làm xuyên Đại Tây Dương. Vào tháng 3 năm nay, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời Thủ tướng Đức và Chủ tịch Ủy ban châu Âu tới dự.
Thông điệp mà ông Macron muốn truyền tải rất rõ ràng: Trung Quốc sẽ phải đối phó với một châu Âu thống nhất, chứ không phải một quốc gia thành viên EU. Thông điệp tương tự có thể được gửi từ Mỹ và Châu Âu.
Theo bà Smith, Mỹ và châu Âu nên hợp tác lựa chọn phương án thay thế khả thi bắt đầu từ một trong những lĩnh vực trọng tâm: Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc.
“Họ cũng có thể thực hiện nhiều phương thức để giúp các quốc gia khác tránh được cạm bẫy của sáng kiến Vành đai và con đường. Năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ đã cử một nhóm đánh giá đến Myanmar để giúp nước này đối phó với những thách thức của một dự án Vành đai và con đường.
Châu Âu cũng nên làm như vậy. Họ không cần phải đi đến bên kia địa cầu và họ có thể bắt đầu công việc ở Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Ý và Serbia. Các quốc gia này đã tham gia vào sáng kiến của Trung Quốc và nhiều hơn dự án đang được xem xét”, cựu quan chức Mỹ nói.
Bà này nhận định, Tổng thống Trump nói rằng Mỹ đang ở trong một kỷ nguyên cạnh tranh với Trung Quốc nhưng chính phủ hiện tại đã nhiều lần bỏ lỡ mục tiêu và lơ là “cộng đồng toàn cầu” – đối tượng có thể giúp Mỹ trong thách thức này.
“Nếu Tổng thống coi trọng sự cạnh tranh với Trung Quốc, ông sẽ phải có nhiều hành động hơn và cố gắng có được nhiều đồng minh nhất đứng về phía mình”, bà nói.
“Hợp tác với châu Âu sẽ không dễ dàng. Hai bên không bao giờ có thể đạt được sự đồng bộ hoàn toàn về vấn đề Trung Quốc, đặc biệt là khi liên quan đến vấn đề an ninh. Châu Âu không có bất kỳ sức mạnh quân sự nào như Mỹ ở Châu Á, và cũng không có các cam kết an ninh giống như Mỹ. Ngay cả trong nội bộ châu Âu, họ vẫn có những cách đối phó khác nhau với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cách tiếp cận hợp lý nhất đối với châu Âu và Mỹ vẫn là tìm ra những lĩnh vực có thể đạt được sự đồng thuận. Bây giờ, Mỹ-châu Âu thậm chí còn chưa hành động để đạt được mục tiêu tối thiểu. Họ không hành động là trạng thái mà Trung Quốc muốn duy trì”, bà này kết luận.