Đã thành thông lệ từ 10 năm nay, Báo Pháp luật Việt Nam đều tổ chức bình chọn và công bố 10 sự kiện pháp luật tiêu biểu trong năm, Việc bình chọn được thực hiện bởi Hội đồng bình chọn là các các chuyên gia pháp luật uy tín và đông đảo bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam.
Việc bình chọn nhằm tổng hợp các sự kiện, chuỗi sự kiện pháp luật nổi bật, điển hình, có ảnh hưởng mạnh mẽ trong dư luận xã hội, giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát về đời sống pháp luật, xây dựng thể chế cũng như thi hành pháp luật của đất nước trong một năm; góp phần hình thành dư luận ủng hộ, tôn vinh những sự kiện pháp luật tích cực, hình thành thái độ sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; phê phán, lên án những sự kiện pháp luật tiêu cực, chung tay đẩy lùi cái xấu, cái ác, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các loại tội phạm và vi phạm; khẳng định những bài học, kinh nghiệm, tấm gương từ các sự kiện pháp luật để cổ vũ hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Về tiêu chí, bình chọn các sự kiện liên quan trực tiếp đến việc xây dựng, ban hành, áp dụng và thi hành pháp luật nổi bật, điển hình của năm, có tác động mạnh mẽ đến tư duy nhận thức, ý thức, tình cảm, thái độ của dư luận với Hiến pháp và pháp luật, đưa đến những thay đổi, chuyển biến lớn trong việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, thi hành luật pháp.
Năm 2021, Hội đồng bình chọn sự kiện pháp luật với chuyên gia uy tín như: Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp); Ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội); Ông Nguyễn Phước Thọ, Hàm Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; Luật sư Trần Hữu Huỳnh đã làm việc tận tâm, trách nhiệm cùng với các đóng góp, đề xuất của bạn đọc để cùng chọn ra các sự kiện tiêu biểu nhất.
Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng bình chọn, TS Đào Văn Hội, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng đã ký quyết định công nhận 10 sự kiện pháp luật tiêu biểu năm 2021. Báo Pháp luật Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện pháp luật nổi bật nhất, điển hình nhất và có tác động mạnh mẽ nhất trong năm qua.
1. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Đại hội XIII của Đảng diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25/1 – 1/2/2021 là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của dân tộc. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ đại hội. Trong đó, đột phá thứ nhất được xác định là: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công – tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”. Đại hội đã bầu một lần đủ 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương; trong đó 60% tái cử và 40% tham gia lần đầu. Đại hội XIII là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.
Sau thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã để lại nhiều điểm sáng, nhiều dấu ấn “lần đầu tiên” như: lần đầu tiên được tiến hành trong điều kiện cam go, đầy thách thức khi vừa phải tổ chức bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch COVID-19; lần đầu tiên trong số 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV có hai đại diện là người dân tộc Lự và dân tộc Brâu; lần đầu tiên kể từ khi đất nước thống nhất (Quốc hội Khóa VI) đến nay, tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội cao hơn 30%; lần đầu tiên các ứng cử viên tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến….Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV cũng là cuộc bầu cử lớn nhất từ trước đến nay với tỷ lệ cử tri đi bầu 99,6% (gần 70 triệu người).
2. Đại dịch COVID– 19 bùng phát lần thứ 4 và sự chuyển hướng linh hoạt, kịp thời trong việc xây dựng, ban hành các quyết định của Nhà nước về phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với chủng Delta chiếm ưu thế bắt đầu từ ngày 27/4/2021, nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh thành, trở thành đợt dịch khốc liệt nhất kể từ khi COVID-19 xâm nhập. Nếu ba đợt dịch trước, cả nước ghi nhận chưa tới 3.000 ca, 35 trường hợp tử vong, thì đợt dịch thứ 4, Việt Nam ghi nhận trên 1,6 triệu ca nhiễm, 31.418 người tử vong (tính đến ngày 27/12).
Số mắc mới hàng ngày có lúc lên hơn 16.000, gấp 5 lần tổng cộng ba đợt dịch trước. Vì dịch bệnh, 22 triệu học sinh, sinh viên không được đến trường; cả nước phải thực hiện cuộc điều động chưa từng có sau chiến tranh với 300.000 lượt y bác sĩ, điều dưỡng, bộ đội, công an… vào miền Nam hỗ trợ chống dịch.
Lo sợ trước dịch bệnh, tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gồm các địa phương như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai…khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch.
Hàng loạt xí nghiệp, nhà máy, công trường tạm dừng hoạt động để phòng dịch và sức mua giảm mạnh khiến GDP quý III giảm 6,17%. Để đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 với mục tiêu phủ hai mũi vaccine cho 70% người dân trên 18 tuổi trong năm 2021, tương đương khoảng 50 triệu người.
Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Chiến lược ngoại giao vaccine đã mang về cho Việt Nam 211 triệu liều, đóng góp vào thành công của chiến dịch tiêm chủng.Đại dịch COVID-19 với những diễn biến chưa từng có tiền lệ đề ra những yêu cầu mới trong công tác thể chế. Quốc hội, Chính phủ kịp thời ban hành các văn bản pháp lý, thành lập các Tổ công tác đặc biệt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và nhiều văn bản liên quan đến phòng, chống Covid-19 như: Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 32/2021/QH15 về phát triển kinh tế -xã hội; Nghị quyết số 268/2021/UBTVQH15 về cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; Nghị quyết số 393/2021/UBTVQH15 ngày 30/9/2021 về bổ sung dự phòng ngân sách trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”….
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 cũng kịp thời ban hành các văn bản pháp lý phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19, đàm phán, mua vắc xin, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng… , kịp thời giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong ứng phó với dịch COVID-19.
Thực tiễn phòng chống đại dịch cũng đã đặt ra nhiều vấn đề cả về tư duy nhận thức và thực tiễn trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó có việc cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và pháp luật về tình trạng khẩn cấp…
3. Các hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng tới tận xã, phường.
Lần đầu tiên trong lịch sử, trong hai ngày 27 và 28/3/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 120 điểm cầu cấp huyện và cơ sở trong tại các tỉnh, thành trên toàn quốc với hơn 13.200 đại biểu tham dự.
Tiếp nối thành công của Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Hội nghị toàn quốc về phòng chống dịch COVID – 19, Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng… cũng được triển khai trực tuyến, kết nối tới cấp cơ sở với hàng vạn đại biểu tham dự. Đây không chỉ là sự thích ứng linh hoạt của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 10 mà còn thể hiện khả năng điều hành sâu sát, không giới hạn từ cấp trung ương tới cấp cơ sở trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Mới đây nhất, sáng 24/11/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến. Như vậy, 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.
4. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công bố bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”
Bài viết được công bố ngày 16/5/2021. Ngay sau khi công bố, bài viết đã được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong nước, bạn bè, các chính đảng, chính khách, các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận và dư luận quốc tế quan tâm đón nhận và đánh giá cao. Bài viết có sức hút đặc biệt bởi đã trả lời trúng và đúng những vấn đề học giả, chính khách nước ngoài quan tâm.
Trong bài viết, Tổng Bí thư đã phân tích trên cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc, xác đáng, đầy sức thuyết phục về con đường đi lên CNXH ở nước ta trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Những phân tích, luận giải về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa làm sáng rõ, là kim chỉ nam cho công cuộc đổi mới của đất nước trong thời gian tới.
Nhân dân tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta sẽ tiếp tục giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Cho đến nay, bài viết của Tổng Bí thư vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều độc giả trong và ngoài nước.
5. Triển khai nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết Trung ương về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Triển khai Nghị quyết Đại hội lần XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa vào Chương trình làm việc nhiệm kỳ 2021 – 2026 việc xây dựng, ban hành Nghị quyết Trung ương về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; dự kiến sẽ trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương cuối năm 2022 xem xét, thông qua. Đây là một công việc rất hệ trọng, góp phần quyết định đối với thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới đây.
Để tổ chức triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” theo theo chủ trương của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án đã được Bộ Chính trị quyết định thành lập với … trong đó có 8 ủy viên Bộ Chính trị. Đã có 27 chuyên đề được xác định và phân công cụ thể cho các các cơ quan trong hệ thống chính trị triển khai nghiên cứu một cách khẩn trương với yêu cầu rất cao về tiến độ và chất lượng. Theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo, Đề án sẽ hoàn thành và trình Bộ Chính trị vào cuối năm 2022.
Cũng trong năm 2021, để góp phần thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là các chủ trương, định hướng lớn đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” vào ngày 29/11/2021. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn với hơn 70 chuyên đề, tham luận chất lượng cao.
6. Lần đầu tiên Bộ Chính trị ra Nghị quyết về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ Quốc hội
Ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV do Đảng Đoàn Quốc hội trình; đồng thời đã có chỉ đạo về một số chủ trương quan trọng về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế. Đề án đặt ra 8 định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể cần tập trung thực hiện, 137 nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát để báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, nghị quyết trong nhiệm kỳ 2021 – 2026; thứ tự ưu tiên và các giải pháp thực hiện, bảo đảm tính khả thi.
Với kết luận 19 của Bộ Chính trị, quan điểm xây dựng pháp luật có sự thay đổi căn bản, xác định trọng tâm là bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp thay vì phục vụ cho công tác quản lý nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đề ra giải pháp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm đất nước phát triển nhanh bền vững. Bên cạnh đó, Kết luận yêu cầu phải làm tốt tất cả các khâu trong xây dựng pháp luật, thận trọng, chặt chẽ, không chạy theo số lượng mà phải bảo đảm yêu cầu sát với thực tiễn.
Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ra một nghị quyết về định hướng chương trình xây dựng pháp luât cho cả nhiệm kỳ Quốc hội.
7. Bình chọn, tôn vinh 50 Gương sáng Pháp luật nhân ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 – Lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật
Lần đầu tiên Chương trình tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” được tổ chức nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, qua đó lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của nhân dân và cán bộ, công chức trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật, lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Chương trình, sự quyết tâm của Ban Tổ chức và đơn vị chủ trì thực hiện là Báo Pháp luật Việt Nam, cùng sự ủng hộ của các bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương, các cán bộ, phóng viên, những người làm Báo Pháp luật Việt Nam trong cả nước đã cố gắng triển khai nhằm thực hiện Chương trình một cách tốt nhất. Những nhân vật trong hơn 200 bài viết “Gương sáng Pháp luật” là những cá nhân đạt được các thành tích xuất sắc, tiêu biểu, đã được ghi nhận và trao tặng các danh hiệu cao quý của các cơ quan có thẩm quyền về những thành tích trong xây dựng, tổ chức, thi hành pháp luật; là những người truyền cảm hứng, lan tỏa trong xã hội về tinh thần thượng tôn pháp luật, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Hội đồng bình chọn đã khách quan, công tâm để lựa chọn 50 cá nhân tiêu biểu nhất để tôn vinh tại Chương trình được tổ chức trang trọng, ý nghĩa tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 08 tháng 11 năm 2021.
8. Tăng trọng trách cho các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Khi cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước đã trở thành yêu cầu cấp bách, không có vùng cấm, không có ngoại lệ thì việc Đảng ta bổ sung thẩm quyền cho các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng được đánh giá là cần thiết, kịp thời, đáp ứng đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống. Theo đó, ngày 16/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo). So với quy định trước đây, Quy định số 32-QĐ/TW đã bổ sung thêm nhiệm vụ “chống tiêu cực” cho Ban Chỉ đạo.
Theo đó, ngoài chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực; trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị cả nước. Trước đó, ngày 28/7/2021, Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) ban hành Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Một trong những nội dung quan trọng trong Quy định 22 là việc bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền cho Ủy ban kiểm tra (UBKT) được kỷ luật tổ chức đảng. Theo đó, UBKT các cấp được “quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp dưới”. Nhiều chuyên gia đánh giá, quy định này là nội dung mới rất quan trọng để UBKT các cấp có thể chủ động, kịp thời hơn, quyết liệt hơn, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao phó trong giai đoạn hiện nay.
Cũng trong năm 2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều quy định liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác cán bộ và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điển hình là Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Gần đây nhất, ngày 25/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định 37-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm…Các quy định này tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng ta trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Đồng thời đề ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
9. Chính thức ký kết hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)
Ngày 15/11/2020, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra tại Hà Nội, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết sau 8 năm đàm phán. Đây là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Đây không chỉ là một thỏa thuận thương mại tự do đơn thuần mà còn là một thỏa thuận thực sự toàn diện, mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Việc RCEP hoàn tất cũng đánh dấu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020 thành công của Việt Nam, tạo đà cho kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Việc thực hiện RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp…, góp phần xây dựng môi trường thương mại công bằng trong khu vực.
Vì vậy, việc Việt Nam chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, được đánh giá sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước, giúp Việt Nam có cơ hội trở thành một điểm đến đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư quốc tế về lâu dài.
10. Cho phép tổ chức Phiên toà trực tuyến
Đại dịch COVID – 19 đảo lộn cuộc sống, nhiều tình huống pháp lý mới được áp dụng. Tại kỳ họp thứ 2, QH khóa XVI với 468 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,79%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 33/2021/QH15 về Tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Theo đó, TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Theo Nghị quyết, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, việc cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn; đảm bảo tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội.
Theo PV (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/10-su-kien-phap-luat-tieu-bieu-nam-2021-d173771.html