Với ông Nguyễn Lân Trung, cái “máu” bóng đá mang tới rất nhiều động lực để làm việc nhưng đồng thời cũng đem về những câu chuyện không vui cùng vô vàn lời chỉ trích ác ý.
Lời tòa soạn: Sinh ra trong một gia đình trí thức nổi tiếng, ông Nguyễn Lân Trung tiếp nối truyền thống học tập với học vị Phó giáo sư, Tiến sĩ và trở thành một nhà chuyên môn về ngôn ngữ học, chuyên ngành tiếng Pháp.
Tuy nhiên khi nhắc tới cái tên Nguyễn Lân Trung, ấn tượng lớn nhất với không ít người lại là một ông Lân Trung của bóng đá, một quan chức có thâm niên tại VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam ).
Xuất phát điểm là một nhà giáo, nhưng vì tình yêu mãnh liệt cho bóng đá, cộng với lời căn dặn đặc biệt từ người cha, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, ông Nguyễn Lân Trung quyết định dấn thân vào con đường bóng đá và gắn bó trong suốt một thời gian dài.
Cũng bởi vậy, những câu chuyện về bóng đá của ông mang tới một góc nhìn rất khác. Một thế giới bóng đá mang đậm tính nhân văn.
Là một nhà giáo đi làm bóng đá, ông Nguyễn Lân Trung chia sẻ có hai lý do khiến mình gắn bó và gặp thuận lợi trong nhiều năm đảm nhận công tác tại VFF. Một là niềm đam mê, hai là ngoại ngữ và vị thế đối ngoại.
Đam mê với bóng đá của ông Trung có lẽ không cần phải bàn quá nhiều, bởi ngay chính ông khi thực hiện bài phỏng vấn này cũng thừa nhận “chính cái “máu” đó dẫn tới việc tôi gặp phải sự vụ ồn ào khi đón U23 Việt Nam trở về, nhưng cũng chẳng sao cả, cũng tại do mình thích, mình máu quá mà thôi”.
Còn về ngoại ngữ, dân trong nghề vẫn thường có câu “Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời”. Và ông Trung cũng không phải ngoại lệ. Thậm chí vốn ngoại ngữ cộng với nhận thức sư phạm còn giúp ông có cung cách làm việc hết sức đặc thù.
Ảnh: Tiến Tuấn
LÁ QUỐC KÌ BỊ TREO NGƯỢC VÀ TRẬN ĐẤM NHAU HỤT CỦA CALISTO
Một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất với ông Nguyễn Lân Trung chính là việc được đồng hành cùng với HLV Calisto và trở thành một cánh tay đắc lực tại ĐT Việt Nam.
“HLV Calisto là người Bồ Đào Nha, tiếng Anh không tốt lắm nhưng lại nói được tiếng Pháp, mà trong Liên đoàn lại chỉ có mình tôi biết tiếng Pháp. Thành ra tôi trở thành người đồng hành, luôn luôn gắn bó trực tiếp với ông ấy, đi hết nơi này đến nơi khác.
Nhiệm vụ của mình không chỉ là phiên dịch, mà còn phải tạo ra được sự gắn kết, giúp ông ấy hiểu hơn các cầu thủ, về đặc thù của bóng đá Việt Nam, tinh thần, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Đó có thể coi là một công tác tư tưởng. Điều tôi mong muốn nhất vẫn là làm sao giữ gìn được hình ảnh, bảo vệ quốc thể mỗi khi chúng ta ra nước ngoài thi đấu”, ông Lân Trung bồi hồi nhớ lại.
Sở dĩ vị trợ lý ngôn ngữ của ĐT Việt Nam lại tự ôm thêm vai trò tư tưởng cũng bởi với tư cách một nhà sư phạm, ông luôn đề cao tính cộng đồng của bóng đá. Quãng thời gian công tác tại VFF với vô số những chuyến đi công tác, dẫn đội tham dự các giải đấu quốc tế cho ông hiểu rằng bóng đá cũng có những sự ảnh hưởng nhất định đến vị thế của đất nước.
Chẳng thế mà trong một lần dự họp báo ở giải quốc tế, khi thấy quốc kì Việt Nam bị ban tổ chức treo ngược, ông Lân Trung nhất quyết yêu cầu họ phải chỉnh lại thì mới lên họp. Chủ nhà lấy lý do thời gian không có nhiều, đề nghị thông cảm để sớm bước vào họp báo nhưng ông vẫn tỏ ra vô cùng cương quyết.
Ông Nguyễn Lân Trung và lá quốc kì có bộ chữ kí của các tuyển thủ vô địch AFF Cup 2008, kỷ vật luôn được ông trân trọng nhất.
Hay như theo lời ông, đến thời Calisto, cầu thủ của ĐT Việt Nam mới có sơ mi, vest nghiêm chỉnh để mặc khi di chuyển. Chỉ có điều các cầu thủ có phần chưa quen.
“Có người đi giầy tây nhưng lại xỏ tất trắng, tôi cũng phải nhắc nhở. Diện đồ lên rồi nhưng cà vạt thắt lệch, thắt xấu mình cũng phải chỉnh lại cho.
Bóng đá còn là hình ảnh đất nước. Cho nên người lãnh đạo bóng đá cần quan tâm nhiều, giáo dục, căn dặn cầu thủ, HLV khi đi ra ngoài cần đặc biệt ý thức được việc này. Không phải chỉ khi thi đấu trên sân mà còn rất nhiều ứng xử khác nữa cũng rất quan trọng”, ông nói.
Chỉ là một vài chi tiết nhỏ thôi nhưng đủ để thấy với ông Lân Trung, việc giữ gìn hình ảnh đất nước trên trường quốc tế quan trọng đến thế nào. Cũng bởi vậy về sau khi làm trợ lý tại ĐT Việt Nam mới xảy ra câu chuyện ông liều mình lao vào giữa để ngăn cản một cuộc ẩu đả ngay trong trận đấu của HLV Calisto.
“Ông Calisto là một người nóng tính. Trận Việt Nam gặp Malaysia ở vòng bảng AFF Cup 2008, ông ấy không được chỉ đạo mà phải ngồi trên khán đài. Thế là Calisto một bộ đàm, tôi một bộ đàm để truyền tải thông điệp”, ông Lân Trung kể lại.
“Khổ một cái ông ấy ngồi ở khu báo chí, khi Việt Nam mình bị thủng lưới, phóng viên Malaysia họ có động thái cười cợt, “đá đểu” Calisto nhưng ông ấy đều nhịn. Nhưng đến khi Vũ Phong bất ngờ ghi bàn từ giữa sân để nâng tỉ số lên 3-2 ở những phút cuối, Calisto có quay lại ăn mừng và thế là phía bên kia liền gây hấn. Phóng viên Malaysia ngồi hàng trên, Calisto ngồi dưới nhảy bật lên, định đánh nhau luôn. May sao lúc ấy tôi lên đó rồi, liền nhảy luôn vào giữa giữ tay ông ấy lại.
“Calisto, bình tĩnh, bình tĩnh. Máy quay đang rọi vào ông đấy. Bây giờ không chỉ là ông mà ông còn là đại diện của Việt Nam đấy. Đây là hình ảnh của Việt Nam”, tôi vừa ôm vừa hét lên với ông ấy.
Nếu chỉ chậm một tích tắc thôi có lẽ là có đánh nhau to. Tính Calisto như thế mà, ngày trước ông ấy từng đá HLV Constantine của Ấn Độ rồi, có ngán gì đâu. Tôi lúc ấy cũng chả có thời gian mà nghĩ gì, chỉ biết lao đến ngăn ngay lại. May mà cuối cùng tất cả êm xuôi, chứ nếu xảy ra ẩu đả ngay ở sân thì không biết chuyện sẽ đi về đâu nữa”, vị cựu Phó chủ tịch VFF hồi tưởng.
“SCANDAL” U23 VIỆT NAM VÀ LỜI TRẦN TÌNH VỀ NHỮNG TAI NẠN NHỚ ĐỜI
Luôn chú ý, chỉn chu trong việc là vậy, thế nhưng đến sau này chính ông Nguyễn Lân Trung lại vướng vào một sự vụ tai tiếng không hề nhỏ khi U23 Việt Nam về nước sau chiến tích giành ngôi Á quân U23 Châu Á 2018.
Trên thực tế, khi chia sẻ với người viết về câu chuyện này, ông không hề tỏ ra né tránh. Thậm chí còn chủ động nhắc lại vụ việc đó và thừa nhận cái sai của mình.
“Xuất phát điểm của mình đã là một người rất yêu bóng đá rồi, máu sôi nổi với bóng đá đưa mình thành một người say nghề khi tham gia công việc ở Liên đoàn. Đến tận bây giờ dù nghỉ rồi nhưng cái máu của mình vẫn thế.
Chính cái máu đó dẫn tới việc tôi gặp phải sự vụ ồn ào khi đón U23 Việt Nam trở về, nhưng cũng chẳng sao cả, cũng tại do mình thích, mình máu quá mà thôi.
Mình muốn khuấy động phong trào thôi nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận là mình sai rồi, mình không nên đứng ở vị trí như thế. Có điều thực lòng lúc ấy có nghĩ được đâu. Mình sai thật thì mình nhận là mình sai, có gì đâu”.
Và như muốn để mọi người hiểu rõ hơn nỗi lòng của mình về câu chuyện ồn ào đó, ông Trung kể lại những câu chuyện “rất đời” vẫn thường xảy ra ngày ông còn gắn bó với đội tuyển. Với ông, điều quan trọng nhất là mang lại sự vui vẻ, gắn kết, thoải mái nhất cho một tập thể. Bởi tâm trạng có vui thì cái đầu mới “thông” để mà đá bóng được.
“Tôi là người làm truyền thông mà, đi với đội tuyển tôi luôn khuấy động, tạo ra sự vui vẻ. Chính vì thế mà tôi “chết” ở vụ U23 Việt Nam về nước hồi đầu năm ngoái. Nhưng đó cũng bởi vì tôi luôn là tâm điểm của sự vui vẻ trên đội tuyển.
Năm 2008 vô địch AFF Cup, trong phòng thay đồ tôi dẫn đầu “đoàn tàu” cùng các cầu thủ chạy tung tăng hát “một con vịt xòe ra hai cái cánh” để ăn mừng; Tấn Tài sau trận vui quá khóc ngất đi cũng tay tôi bế, dìu vào phòng thay đồ.
Cầu thủ thường vẫn gọi tôi là bố. Mỗi lần thắng trận lại “bố ơi hát đi, hát đi”. Vui lắm. Tôi đối với đội tuyển ra sao, chỉ cần hỏi các cầu thủ là biết.
Con người của tôi là nhiệt tình, cháy hết mình. Cái tâm mình luôn muốn khuấy động như thế nhưng đến chuyện kia lại bị bảo là ăn theo. Mình giơ hình là hình ông Park, hô hào mọi người cổ vũ cho ông Park, cho cả đội chứ mình có tơ hào được cái gì đâu”, vị cựu Phó chủ tịch VFF giãi bày.
Chưa dừng lại ở đó, ông Nguyễn Lân Trung tiếp tục không ngại ngần nhắc tới lùm xùm cách đây chưa lâu trên đất Malaysia mà người ta nói về mình. Bởi với ông, câu chuyện nào cũng có hai mặt của nó và bản thân ông luôn tâm niệm cố gắng cống hiến những điều tốt nhất có thể cho bóng đá nước nhà, còn những dư luận ngoài lề không phải là điều đáng bận tâm quá lâu.
“Như chuyện đi Malaysia xem chung kết AFF Cup vừa rồi, kinh phí là tôi tự đi. Sang đến nơi thì nóng, mình cũng không để ý nên cởi áo khoác ra và buộc lại. Bao nhiêu người đều làm thế, nhưng sao người ta chỉ săm soi mình tôi. Trong khi chẳng ai nhắc việc tôi đứng ra nói chuyện với những người quản lý ở sân Bukit Jalil để hàng trăm CĐV Việt Nam vào được bên trong.
Lúc ấy rất đông CĐV có vé nhưng không thể vào được. May mình cũng có khả năng ngoại ngữ, liền chạy đi khắp các cửa, tìm người có chức trách để yêu cầu. Ban đầu họ cứ viện lý do nhưng tôi cương quyết yêu cầu họ phải giải quyết, bảo rằng khu báo chí ở sân rất rộng, không có nhiều người, đề nghị họ bố trí cho CĐV Việt Nam vào đó.
Tôi phải đưa cả thẻ nhà báo ra để nói chuyện. Cuối cùng họ dồn báo chí sang nơi khác và giao cả khu vực đó cho CĐV Việt Nam. Tất nhiên mọi người không thể vào hết được vì sức chứa có hạn, nhưng cũng phải có đến 300-400 người vào được”, ông Lân Trung kể lại.
Khi lắng nghe những chia sẻ thẳng thắn về các “scandal” ồn ào mà ông Trung vướng phải, người viết tuyệt nhiên không nhận thấy một nét buồn giận nào từ người kể chuyện. Vẫn là một phong thái quen thuộc, rất Nguyễn Lân Trung, với nụ cười luôn thường trực trên môi cùng sự trẻ trung chưa bao giờ mất đi.
Ông Lân Trung vốn và có lẽ sẽ vẫn luôn là một người như vậy. Một con người đầu có thể đã ngả sang hai thứ tóc nhưng vẫn chẳng ngại ngùng bắt nhịp rồi cùng các cầu thủ rồng rắn nối đuôi hát “một con vịt xòe ra hai cái cánh” để ăn mừng chức vô địch Đông Nam Á; hay dù có giận cũng chẳng bao giờ để bụng ai quá lâu và bình thường mọi thứ bằng một nụ cười. Người ta có thể bảo ông thế này thế kia, nhưng chẳng sao cả, bởi Nguyễn Lân Trung vẫn sẽ mãi cháy cùng tuổi trẻ của Nguyễn Lân Trung.
“Truyền thông VFF ngày tôi còn làm khác bây giờ lắm”
Ông Nguyễn Lân Trung giữ vị trí Phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông từ năm 2009 đến 2013, cùng với đó là nhiều năm đảm nhận công tác ở ban thông tin tuyên truyền. Đến tận bây giờ khi kể lại quãng thời gian đó, ông Trung vẫn luôn có những sự tự hào riêng với những gì mình làm được.
“Thời tôi làm có lẽ là lúc truyền thông nở rộ nhất và về sau không ai dám làm. Ngày đó tháng nào tôi cũng tổ chức họp báo, mời các nhà báo, đơn vị truyền thông đến để cung cấp thông tin. Bởi nhiệm vụ của cán bộ truyền thông là gì? Đó là cung cấp thông tin một cách trung thực nhất.
Mọi người sau khi nghe thông tin có thể thoải mái đặt câu hỏi, thông tin có thể đưa ra đến mức nào tôi đều cung cấp cả. Tôi luôn luôn đấu tranh để có được thông tin cung cấp cho truyền thông, bởi đôi khi còn bị cản lại nhưng tôi cương quyết mình có làm gì sai đâu mà phải sợ, còn nếu có gì chưa đúng thì mình thẳng thắn nhận.
Muốn được như thế thì phải có bản lĩnh. Có một lần tôi triệu tập cả trăm nhà báo đến để phản ứng. Vừa vào tôi liền rút thẻ nhà báo ra: “Tôi xin hỏi ai ở đây đổi thẻ nhà báo 3 lần? (15 năm) Tôi chắc là rất ít người. Tôi cũng là nhà báo, nhà báo lâu năm. Tôi với các bạn cùng thuyền. Tại sao các bạn “đánh” Liên đoàn theo cách không trung thực?”
Sở dĩ tôi phản ứng mạnh như vậy là do trận Hải Phòng gặp Nghệ An ở Vinh năm đó có người chết. Hôm trước phía công an địa phương báo có 11 xe bị phá, số lượng người bị thương là từng này, tôi liền thông tin ra. Tuy nhiên sau đó họ báo sau khi điều tra lại thì thiệt hại chỉ có 7 xe thôi, tổn thất nhẹ hơn. Họp báo tôi thông tin vậy, bảo “thiệt hại không đến mức nghiêm trọng như tôi thông báo ngày hôm qua, vì hôm nay bên công an địa phương đã cung cấp lại thông tin”.
Vậy mà có đơn vị cắt xén đi, tai nạn giao thông cách sân 5km mà lại bảo “máu đã đổ trên sân Vinh mà người phát ngôn của Liên đoàn lại nói thiệt hại không nghiêm trọng”. Thế có chết không cơ chứ. Tôi liền gọi điện phản ánh ngay và ngày hôm sau tập trung cuộc gặp để làm rõ vấn đề. Có những sự cố về truyền thông như thế nhưng tính mình phản ứng gay gắt lúc ấy, nhưng sau đó lại thôi, không để bụng gì cả”.