Sau phần nghị án, HĐXX đã tuyên phạt Giang 18 năm tù, buộc phải bồi thường cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt.
Ngày 7/11, TAND Hà Nội mởi phiên sơ thẩm tuyên phạt Phùng Mỹ Giang (44 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm – nguyên Kiểm tra viên Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án kinh tế, VKSND Tối cao) 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo buộc, năm 2016, Giang được các đồng nghiệp Phùng Thị Lê – cán bộ văn phòng và Trần Thị Hiệp – cán bộ Vụ 12 cho biết chị Nguyễn Thị Ngọc Bích là nhân viên hợp đồng của VKSND Tối cao có nguyện vọng thi công chức.
Dù không có khả năng, bị cáo vẫn nói có thể giúp chị Bích đỗ công chức VKSND Tối cao với giá 400 triệu đồng. Tin tưởng, chị Bích đã giao cho Giang số tiền này và bị chiếm đoạt.
Ngoài ra, Giang đã nhờ các đồng nghiệp Trần Ngọc Hướng – lái xe, Phùng Thị Hiệp và em trai chị Hiệp là Trần Văn Hiếu giới thiệu khách mua xe thanh lý của hải quan với giá rẻ.
Anh Hướng môi giới cho các anh Vũ Trần Hùng và Phạm Ngọc Tú mua xe Prado của Giang với giá 1,4 tỷ đồng trong khi giá thị trường là 2,2, tỷ đồng. Anh Hùng và Tú đã giao cho Giang 1,2 tỷ đồng và bị chiếm đoạt.
Chị Phùng Thị Hiệp và em trai Trần Văn Hiếu giới thiệu các ông Trần Thắng, Trần Văn Như mua 2 xe Prado của Giang và bị chiếm đoạt 3 tỷ đồng. Trước khi phát hiện sự việc, ông Thắng còn giao cho bị cáo thêm 900 triệu đồng để mua 1 xe Mercedes.
Tổng cộng, Phùng Mỹ Giang đã chiếm đoạt của 5 bị hại số tiền 5,5 tỷ đồng, đến nay mới khắc phục được 390 triệu đồng và hiện không còn khả năng trả nợ.
Tại tòa, bị cáo Giang khai từng kinh doanh bất động sản với các đồng nghiệp trong VKSND Tối cao nhưng thua lỗ, phải vay tín dụng đen của họ. Ngoài ra, Giang vay của chị Hiệp và anh Hiếu khoảng 1 tỷ đồng.
Được chủ tọa yêu cầu, một cán bộ của VKSND Tối cao cho biết, có cho Giang vay tiền nhiều lần nhưng không phải cho vay nặng lãi. Giang bác bỏ lời khai này, nói: “Bị cáo bốc họ viết giấy vay 100 triệu, chị ấy chỉ đưa cho 80 triệu”.
Cũng theo bị cáo, một số đồng nghiệp nhiều lần đòi nợ, đe dọa báo cấp trên nên Giang buộc phải lừa đảo của người khác để trả, bị cáo thực hiện hành vi này một mình, không ai giúp sức.
Sau nghị án, HĐXX cho rằng các bị hại không đưa được chứng cứ nên cơ quan điều tra không xử lý Hiệp, Hiếu, Hướng là đúng.
Giang dùng tiền lừa đảo trả nợ cho đồng nghiệp là giao dịch dân sự đơn thuần, nên không có căn cứ thu hồi của họ để trả cho bị hại.
Tuy vậy, cần cách ly bị cáo trong thời gian cao hơn theo đề nghị của đại diện kiểm sát viên nhằm giáo dục, cải tạo và phòng ngừa chung nên tòa án phạt bị cáo 18 năm tù, buộc trả lại tiền còn chiếm đoạt cho bị hại.