Nhiều cơ sở thương mại tuyên bố thách thức pháp luật của các đại lý bán hàng giả, hàng nhái: “Không sợ Quản lý thị trường”
Cục QLTT TP.HCM khẳng định Công ty TNHH KINLONG Việt Nam chưa từng đề nghị đơn vị vào cuộc xử lý hàng nhái, hàng giả thương hiệu này.
Chưa từng kiến nghị xử lý hàng giả, hàng nhái
Chiều 5/6, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Trí Thức Trẻ, ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết đơn vị đã ghi nhận, nắm bắt thông tin phản ánh về tình trạng buôn bán phụ kiện cửa giả, nhái thương hiệu KINLONG trên thị trường.
Để có căn cứ vào cuộc xử lý tình trạng này, đại diện Cục QLTT TP.HCM cho hay, Công ty TNHH KIN LONG Việt Nam phải có văn bản đề nghị cơ quan Quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra, xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái – theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải cung cấp các tài liệu liên quan đến việc hàng hóa ở ngoài đã và đang xâm phạm đến KIN LONG.
“Việc Báo cung cấp tài liệu, thông tin như thế là điều rất đáng quý. Cơ quan sẽ nhập vào hệ thống văn thư để nắm bắt tiếp tình hình.
Tuy nhiên, chủ sở hữu thương hiệu phải nộp đơn yêu cầu xử lý theo luật, cũng như cung cấp các tài liệu liên quan pháp lý, tài liệu chứng minh về việc sản phẩm bị xâm phạm đang ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng… thì cơ quan Quản lý thị trường mới dựa vào đó để làm được” – ông Phương nhấn mạnh.
Đại lý hàng nhái KINLONG “mách” chiêu nâng giá khi độn hàng.
Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Quản lý thị trường TP.HCM, sau khi nhận được đủ những tài liệu của KINLONG cung cấp, lãnh đạo Cục sẽ có chỉ đạo và cấp dưới sẽ tiến hành ngay các biện pháp nghiệp vụ.
Trước câu hỏi về việc hàng giả, hàng nhái phụ kiện cửa đang được ráo bán tràn lan trên thị trường, Cục Quản lý thị trường TP.HCM có biết không? Đơn vị từng kiểm tra, xử lý vụ việc nào chưa?
Ông Phương cho biết KINLONG chưa có bất kỳ kiến nghị đến cơ quan chức năng bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng của thành phố trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
“Có ai gởi đơn yêu cầu xử lý gì đâu, nên chưa bao giờ phát hiện. KIN LONG cần làm hồ sơ yêu cầu xử lý và chuyển gấp đến chúng tôi” – ông Phương nói.
Về tuyên bố thách thức pháp luật của các đại lý bán hàng giả, hàng nhái: “Không sợ Quản lý thị trường”, “Không sợ bị bắt”, vị đại diện cơ quan QLTT TP.HCM nói: “Vì có đơn vị nào gởi đơn đâu mà họ sợ”.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM đề nghị Báo điện tử Trí thức trẻ cung cấp thông tin
Thông tin đến Báo điện tử Trí thức trẻ bằng văn bản, ông Nguyễn Văn Bách – Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM, cho biết: Để xác định được hàng hóa có phải là hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không thì phải căn cứ theo quy định tại Điều 129 và Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ hợp nhất năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Căn cứ quy định tạo điểm a, khoản 2, Điều 20 Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016: Quyết định kiểm tra đột xuất được ban hành khi có thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được thẩm tra, xác minh, bao gồm: từ phương tiện thông tin đại chúng, từ đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc tin báo của tổ chức, cá nhân; từ đơn yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân.
Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, Cục QLTT thành phố đề nghị Báo điện tử Trí thức trẻ cung cấp thông tin tài liệu mô tả hoặc ảnh chụp hành vi hoặc hàng hóa, dịch vụ vi phạm; địa điểm nơi có hành vi hoặc hàng hóa, dịch vụ vi phạm và tài liệu chứng minh nhãn hiệu này đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam để Cục Quản lý thị trường thành phố có căn cứ xem xét, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật nếu phát hiện có vi phạm.