Cuộc điện thoại lừa đảo

Gọi điện thoại cho phụ huynh yêu cầu chuyển tiền cấp cứu cho con là thủ đoạn lừa đảo mới, nghe khó tin nhưng đã có một số người sập bẫy.

Ngoài ra, thủ đoạn giả danh cán bộ công an, tòa án dọa dẫm liên quan tới vụ án này nọ hay bị rò rỉ tiền ngân hàng để người nhận chuyển khoản cũng xuất hiện trở lại.

Mấy ngày gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) liên tục nhận được phản ánh của người dân cho hay, họ nhận được số điện thoại của người lạ, xưng là giáo viên báo tin con mình bị “chấn thương sọ não” đang cấp cứu tại bệnh viện, cần chuyển tiền nhanh để bác sĩ mổ. Đã có người hoảng sợ, chuyển ngay 200, 50, 30, 20 triệu đồng theo hướng dẫn và khi tới bệnh viện thì không có ca cấp cứu nào như vậy; tới trường thì con họ vẫn đang học bình thường.

Không ít người thắc mắc, tại sao con học trường quốc tế, học trường ngay trung tâm thành phố, có tiền trong tài khoản với số dư vài chục, vài trăm triệu đồng mà vẫn dễ bị lừa như thế. Thực tế, khi làm việc với cơ quan công an, các phụ huynh đều cho biết, đối tượng đánh vào tâm lý nói con bị tai nạn, bị nguy kịch cần mổ gấp; lại xưng là giáo viên, số tài khoản chuyển tới của bệnh viện…nên rất hoảng loạn, lo sợ, vừa chuyển khoản cho kịp, vừa tới ngay bệnh viện.

Bản thân người viết và một số người gần đây cũng liên tục nhận được các cuộc điện thoại xưng là cán bộ công an, tòa án. Giọng điệu của họ rất nghiêm trọng, đọc tên tuổi, địa chỉ người nghe; sau đó xưng danh tên, chức vụ đang giải quyết việc liên quan tới cá nhân. Biết lừa đảo, nhiều người giả vờ sợ sệt, hoang mang, đối tượng gọi điện liên tục, mỗi lúc đưa thêm thông tin và chốt lại là chuyển khoản để “giải quyết vụ việc”. Có người bực tức, không kiềm chế được, chỉ cần quát to “Anh gọi có việc gì” thì ngay lập tức đối tượng cúp máy, chặn cuộc gọi lại.

Cơ quan công an đã rất nhiều lần cảnh báo, không có cán bộ công an nào gọi điện thoại cho người dân để thông tin, thông báo vụ việc cả. Tất cả các việc, nếu liên quan tới người dân đều được cán bộ tới tận nhà, có giấy tờ mời làm việc (nếu có). Tuy nhiên, cùng với thủ đoạn xưng công an, nhiều người sập bẫy chuyển tiền vì bị dọa số tiền lớn họ gửi ngân hàng rò rỉ, phải lĩnh gấp để chuyển lại cho đối tượng kiểm tra, phá án.

Trở lại với cuộc điện thoại con cấp cứu ở bệnh viện, chuyển khoản gấp, dù chưa xảy ra ở Bắc Giang song ngoài thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh khác đã xuất hiện những kịch bản tương tự, phụ huynh cần đặc biệt tỉnh táo để không bị sập bẫy.

Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Giang) đã phát đi thông báo, người dân khi nhận thông tin như vậy cần bình tĩnh liên hệ lại hoặc đến trực tiếp với cơ quan, công ty, trường học nơi người thân của mình đang công tác, lao động, học tập để kiểm chứng chính xác nguồn tin. Tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng khi chưa có căn cứ rõ ràng về việc thu viện phí của cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu phát hiện nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được trợ giúp.

Đánh vào tâm lý lo cho con em, người thân bị bệnh; lo sợ thông tin cá nhân bị rò rỉ; liên quan tới vụ án đang điều tra…, tất cả những chiêu trò đó đều không có căn cứ, là lừa đảo và được cảnh báo nhiều nên người dân cần nhận diện, không hoang mang, lo sợ. Đặc biệt, trong gia đình có người lớn tuổi, thật thà, không có nhiều thông tin cần tuyên truyền phổ biến sâu rộng để mọi người, mọi nhà cảnh giác, tránh lặp lại những việc cũ mà vẫn bị lừa mới, rất đáng tiếc.

Bảo Châu

Nguồn Báo Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bg/theo-dong-su-kien/400938/cuoc-dien-thoai-lua-dao.html