Công nhân quan tâm gì?

Trước cuộc đối thoại giữa công nhân với Thủ tướng vào ngày 12/6 tới đây tại Bắc Giang; theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 36% trong 10 ngàn ý kiến công nhân gửi về, quan tâm đến tăng lương tối thiểu, tiếp đến là chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), nhà ở…

Ảnh TTXVN.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 6 cho biết, ngoài điểm trung tâm Bắc Giang với 4.500 công nhân tham dự, sẽ có thêm 63 điểm cầu trực tuyến đặt tại các tỉnh, thành và trụ sở Tổng Liên đoàn. Ngoài Thủ tướng, cuộc đối thoại có sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương. Trước cuộc đối thoại, công đoàn cả nước đã có gần một tháng tập hợp khoảng 10.000 câu hỏi, ý kiến công nhân gửi về.

Qua phân loại, mối quan tâm của công nhân chủ yếu về các nhóm vấn đề: Tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7; sửa đổi chính sách BHXH theo hướng tạo niềm tin để lao động gắn bó lâu dài với hệ thống an sinh, hạn chế rút BHXH một lần. Tiếp đến là chế độ hưởng BHXH cho lao động F0; xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật như không ký hợp đồng lao động, nợ lương, nợ BHXH khiến công nhân mất trắng quyền lợi; nhà ở cho công nhân; hỗ trợ con em công nhân ở bậc mầm non trong khu công nghiệp; hỗ trợ tiền thuê nhà trong gói 6.600 tỷ đồng…

Nếu so sánh với những cuộc đối thoại cũ, có thể nói nhiều mối quan tâm của công nhân vẫn cũ. Thậm chí có những nỗi niềm, nghe ngậm ngùi hơn. “Nhiều công nhân tâm sự biết là rút BHXH sẽ không có lương hưu về già nhưng cuộc sống khó khăn quá, thời gian đóng BHXH thì lâu, không biết bao giờ mới được lĩnh”, một lãnh đạo Tổng Liên đoàn chia sẻ.

Nhiều trong số các mối quan tâm của công nhân vẫn cũ, còn vì đợt dịch COVID-19 thứ tư khiến hơn 2 triệu đoàn viên, công nhân cả nước bị ảnh hưởng tiêu cực, mất việc, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập, nhiễm bệnh. Dịch bùng phát trong công xưởng, xóm trọ lao động ở Hải Dương, Bắc Giang, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề về nhà ở cho công nhân. Hồi tháng 10/2021, lãnh đạo Chính phủ từng lưu ý các địa phương rà soát vấn đề này, tới đây khi xây dựng khu công nghiệp mới cần bố trí đất ở cho công nhân.

Đối thoại là dịp công nhân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất những vấn đề về việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ; cũng là dịp để Thủ tướng lắng nghe, giải quyết những vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động cả nước. Ngoài đối thoại cấp trung ương, công đoàn thúc đẩy đối thoại ở cấp địa phương, cơ sở để người lao động trực tiếp trao đổi với lãnh đạo chính quyền. Đây cũng là cách nhanh nhất để người đứng đầu các cấp nắm bắt tâm tư, giải quyết kiến nghị, vướng mắc cho công nhân.

Đối thoại để đề xuất nắm bắt là khâu rất quan trọng; và quan trọng không kém là làm sao có những đường lối chiến lược, những giải pháp tổng thể, những chế tài bắt buộc đề xã hội cùng chăm lo cuộc sống công nhân. Còn nếu đơn giản đồng ý tăng lương cơ sở, trong thời điểm vật giá leo thang như hiện nay thì chất lượng cuộc sống người công nhân vẫn vậy, có thể chỉ là giải pháp chưa giải quyết tận gốc vấn đề.

Minh Khang (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/cong-nhan-quan-tam-gi-d183584.html