Tuy nhiên đây chỉ là một dự án nghiên cứu mà thôi.
Cả thế giới đang đứng ngồi không yên vì vấn nạn video và tranh ảnh giả mạo ngày càng tràn lan, và Adobe – cái tên thường song hành với những bức ảnh chỉnh sửa – cho biết họ cũng có cùng mối quan ngại đó. Hôm qua, hãng này đã tiết lộ một nghiên cứu mới được tiến hành với sự hợp tác của các nhà khoa học đến từ Đại học California tại Berkeley, trong đó sử dụng machine learning để tự động phát hiện những bức ảnh có mặt người đã được chỉnh sửa.
Nghiên cứu này chính là dấu hiệu mới nhất cho thấy Adobe thực sự đang tập trung nguồn lực để giải quyết vấn nạn mà chính họ cũng góp phần tạo ra. Năm ngoái, các kỹ sư của công ty đã tạo ra một công cụ AI có khả năng phát hiện các nội dung media đã được chỉnh sửa bằng cách sao chép, ghép nói, hoặc xóa bỏ các chi tiết trong ảnh.
Adobe cho biết họ vẫn chưa có kế hoạch nhằm biến nghiên cứu này thành một sản phẩm thương mại, nhưng người phát ngôn của công ty nói rằng đây chỉ là một trong nhiều “nỗ lực của Adobe nhằm phát hiện chính xác hơn các hoạt động chỉnh sửa ảnh, video, audio, và các dạng tài liệu khác“.
“Dù chúng tôi tự hào về tác động mà Photoshop và các công cụ sáng tạo khác của Adobe đã mang lại đối với thế giới, nhưng chúng tôi cũng nhận ra những giá trị đạo đức có thể bị công nghệ của chúng tôi xâm hại” – công ty noi trong một bài viết blog – “Các nội dung giả mạo là một vấn nạn nghiêm trọng và ngày càng bức bối”.
Nghiên cứu của Adobe tập trung vào việc phát hiện những chỉnh sửa được thực hiện bởi công cụ Liquify của Photoshop, vốn là một công cụ được sử dụng khá phổ biến để điều chỉnh hình dạng khuôn mặt và thay đổi biểu cảm con người. “Những hiệu ứng của tính năng này có thể rất tinh vi, khiến việc phát hiện những chỉnh sửa khuôn mặt dù lớn hay nhỏ đều rất khó khăn” – Adobe nói.
Để tạo nên phần mềm, các kỹ sư đã huấn luyện một mạng thần kinh bằng một cơ sở dữ liệu khuôn mặt, trong đó có chứa các hình ảnh khuôn mặt trước và sau khi được chỉnh sửa bằng Liquify.
Thuật toán được tạo ra hoạt động khá ấn tượng. Khi được đề nghị phát hiện một vài khuôn mặt đã được chỉnh sửa, những tình nguyện viên con người chỉ trả lời đúng 53%, trong khi thuật toán có độ chính xác lên đến 99%. Công cụ này thậm chí có thể đề xuất cách khôi phục ảnh về nguyên trạng, chưa được chỉnh sửa, dù kết quả khôi phục đôi lúc không được chính xác lắm.
“Ý tưởng về một nút ‘undo’ ma thuật có thể đảo ngược mọi hình ảnh đã chỉnh sửa về nguyên gốc vẫn còn rất xa với thực tế” – nhà nghiên cứu Richard Zhang của Adobe cho biết. “Nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới mà những thông tin kỹ thuật số chúng ta đang xem ngày càng khó để tin tưởng hơn, và tôi kỳ vọng sẽ được tiếp tục khám phá mảng nghiên cứu này sâu hơn nữa”.
Các nhà nghiên cứu cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên từng được tiến hành nhằm phát hiện những chỉnh sửa khuôn mặt, và là một bước tiến quan trọng để tạo ra những công cụ có thể xác định những thay đổi phức tạp hơn, bao gồm “chỉnh sửa cơ thể và chỉnh sửa về mặt thị giác như làm mịn da” trong tương lai.
Dù nghiên cứu này là rất hứu hẹn, nhưng những công cụ tương tự như vậy không phải là “viên đạn bạc” có thể ngăn chặn được những tác hại của vấn nạn chỉnh sửa hình ảnh. Cũng như vấn nạn tin giả, ngay cả khi một hình ảnh được chỉnh sửa sơ sài, có thể dễ dàng nhận ra là giả mạo, nó vẫn sẽ được chia sẻ và nhận được vô vàn bình luận trên mạng xã hội. Biết một thứ là giả mạo chỉ là một nửa của cuộc chiến, nhưng ít ra thì đó cũng là một sự khởi đầu.
Tham khảo: TheVerge