“Tôi cắt cục đường thành từng miếng nhỏ, đặt lên bàn thờ Tổ. Mọi người cúng xong, ăn miếng đường. Chúng tôi quan niệm, ăn đường để nói thoại cho ngọt ngào” NSƯT Trịnh Kim Chi chia sẻ.
Lễ giỗ Tổ nghề sân khấu là ngày hội của những người làm nghệ thuật. Ngày này không chỉ là cơ hội để mọi người gặp gỡ, xí xóa mọi giận hờn cho nhau, một lòng thành tâm hướng về Tổ nghiệp mà còn là cơ hội để những người làm nghề ở mọi thế hệ gần gũi nhau hơn.
Và cứ vào dịp này, NSƯT Trịnh Kim Chi lại tổ chức lễ cúng Tổ thật trang nghiêm và long trọng. Năm nào cũng thế, lễ cúng Tổ ở sân khấu Trịnh Kim Chi được rất đông anh chị em nghệ sĩ về tề tựu dâng hương.
Ngay sau lễ cúng Tổ long trọng và ấm cúng này, NSƯT Trịnh Kim Chi đã dành cho phóng viên những chia sẻ thân tình về nghi lễ cúng Tổ cũng như những quan niệm không phải ai cũng biết của giới nghệ sĩ trong ngày đại lễ này.
NSƯT Trịnh Kim Chi trong đại lễ dâng hương cúng Tổ.
Thưa NSƯT Trịnh Kim Chi, lễ giỗ Tổ nghề sân khấu, chỉ tính riêng miền Nam thôi đã muôn màu muôn vẻ. Chị nói gì về điều này?
Tùy theo tấm lòng, điều kiện tài chính của từng nghệ sĩ, đơn vị sân khấu, công ty biểu diễn… mà lễ giỗ Tổ mỗi nơi có những khác biệt nhất định nhưng đều chung một việc là anh em nghệ sĩ mang lễ vật tới thắp hương dâng Tổ.
Ví dụ, sân khấu của tôi, trong phần nghi lễ có thêm màn múa lân sư, rồng và cung nghinh rước Tổ. Đa phần các sân khấu khác thường bày sẵn bài vị Tổ nghề rồi.
Về lễ vật dâng Tổ thì sao thưa chị?
Hồi tôi chưa có sân khấu, mỗi năm tới ngày giỗ Tổ, tôi thường tới sân khấu nơi tôi biểu diễn để cúng Tổ và lễ vật thường là heo quay.
Lễ vật cúng Tổ cũng rất đa dạng như heo quay, gà luộc, bánh kẹo, trái cây, hoa… rồi ghi tên mình lên lễ vật phụng cúng. Nói chung, dâng lên Tổ cái gì cũng được, quan trọng là tấm lòng. Có người còn dâng Tổ cả bia, nước ngọt, bánh trung thu…
Cô trò NSƯT Trịnh Kim Chi chuẩn bị trang hoàng cho lễ cúng Tổ nghề sân khấu năm 2019.
Bà bầu sân khấu Trịnh Kim Chi dâng 3 nén nhang khai lễ cúng Tổ.
Tôi thấy trong ngày giỗ Tổ có khá nhiều điều kỳ lạ, như anh chị em nghệ sĩ đặt son phấn lên bàn thờ Tổ, ăn đường… Chị có thể giải thích về những quan niệm này là như thế nào?
Người trong nghề có nhiều quan niệm lắm, nó thuộc về đức tin vào Tổ nghiệp. Chúng tôi tin rằng, đặt son phấn lên bàn thờ Tổ vào ngày này rồi đem về dùng thì sẽ được Tổ chứng.
Vì người diễn viên thường dùng son phấn để hóa trang. Đặt son phấn lên bàn thờ Tổ thì Tổ sẽ chứng cho mình sáng hơn, đẹp hơn khi lên sân khấu. Có người cúng xong, còn đứng ngay trước bàn thờ Tổ tô son, điểm phấn.
Ở sân khấu Trịnh Kim Chi, sau khi dâng hương cúng Tổ, các bạn diễn viên trẻ thường xếp hàng, nhờ tôi dùng chính son phấn của mình đánh phấn cho họ để lấy duyên.
Mọi người khi thắp hương cũng dùng tay lấy chút hương tỏa ra ở bàn thờ Tổ vuốt lên mặt, lên đầu để nhận cái duyên, cái lộc của ông Tổ ban cho.
Tôi còn chuẩn bị cả đường, cắt thành từng miếng nhỏ đặt lên bàn thờ Tổ. Mọi người tới cúng xong, mỗi người ăn miếng đường. Chúng tôi quan niệm, ăn đường để nói thoại cho ngọt ngào.
Ai cúng heo thì cắt lấy phần lưỡi, đuôi và chân đem về ăn. Người trong nghề quan niệm, ăn lưỡi để lên sân khấu nói được lưu loát, không bị vấp, ngọng hay níu lưỡi. Ăn đuôi để tung hoành, vùng vẫy trên sân khấu. Ăn chân để chạy show cho nhiều.
Đó là lòng tin của người nghệ sĩ vào Tổ nghiệp. Đức tin ấy khiến chúng tôi nhẹ nhàng, khuây khỏa hơn rất nhiều cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống.
Sau khi để son phấn lên bàn thờ Tổ, Thúy Nga lấy xuống đứng tô son điểm phấn ngay trước bàn thờ Tổ xin Tổ chứng cho lên sân khấu khuôn mặt sáng hơn, đẹp hơn.
Vậy trong ngày này có kiêng kỵ gì không?
Ông Tổ rất dễ, hầu như không có kiêng cử gì, chỉ cần mình thành tâm cúng Tổ là được.
Cảm ơn chị rất nhiều!