Rượu không khiến bạn thay đổi tính cách, nó khiến bạn bộc lộ ra tính cách thực của mình, tiết lộ những gì đã có, ẩn giấu đâu đó bên trong bạn.
Tôi có một người bạn cứ uống rượu vào là nóng tính. Nhẹ thì anh ta trêu chọc ai đó đang ngồi cùng, cố tình nói xéo để chọc tức họ. Nặng thì vài lần, anh ta gây gổ cả với những người không quen và khiến cả nhóm rất khó xử.
Ở nhà tôi cũng có một ông chú, cứ quá chén là mắng vợ mắng con. Những buổi liên hoan ở nhà ngày Tết lúc nào cũng bắt đầu bằng không khí vui vẻ, nhưng càng về cuối lại càng thấy nặng nề và ngột ngạt, ông chú sẽ hết khó chịu với người này lại cáu giận với người khác.
Đó là hai ví dụ cho chỉ một kiểu người: Angry Drunk, những người uống rượu nóng tính. Nếu bạn có dịp quan sát, rượu bia có thể bộc lộ rất nhiều trạng thái tính cách của người uống. Có những người uống rượu vào thì trở nên hoạt náo, có người trở nên ngớ ngẩn còn có người lại buồn bã, u uất.
Thế nhưng, Angry Drunk có lẽ là mẫu người mà bạn luôn muốn tránh và khó xử nhất. Tại sao lại vậy, và có cách nào để tôi đối xử với người bạn và ông chú của mình hay không?
Có một kiểu người cứ say rượu là nổi khùng lên: Tại sao lại vậy và làm cách nào để giải quyết?
Những người sống ở hiện tại và những người sống cho tương lai
Để giải mã những cơn nóng giận xuất hiện sau khi mọi người uống rượu, Brad Bushman, một giáo sư về truyền thông và tâm lý học tại Đại học Ohio, Hoa Kỳ đã thiết kế một thí nghiệm. Trong đó, ông đã tuyển dụng 495 tình nguyện viện có độ tuổi trung bình là 23.
Tất cả đều tự nhận mình chỉ uống rượu vào những dịp xã giao và không uống quá nhiều dẫn đến nghiện rượu.
Mới đầu, mỗi người sẽ được phát cho một bảng câu hỏi để trả lời. Bảng hỏi này có nhiệm vụ giúp các nhà khoa học xác định xem họ là kiểu người tập trung vào hiện tại hay tương lai.
Người tương lai và người hiện tại là 2 mẫu tính cách được giáo sư tâm lý học Walter Mischel phát hiện vào thập niên 70 của thế kỷ trước.
Ông đưa cho những đứa trẻ một viên kẹo và nói chúng có thể ăn ngay lập tức nếu thích. Nhưng những đứa trẻ có thể đợi 15 phút rồi mới ăn kẹo sẽ được cho thêm một chiếc kẹo nữa, rồi chúng có thể ăn cả hai.
Kết quả, 70% lũ trẻ đã ăn ngay chiếc kẹo, chỉ có 30% còn lại đợi đủ 15 phút để có được cả 2 cái kẹo. Giáo sư Mischel chia chúng thành mẫu người người tập trung vào tương lai và người tập trung vào hiện tại.
Điểm đáng chú ý là 15 năm sau, khi những đứa trẻ lớn lên, các nhà khoa học gặp lại chúng và thấy những đứa trẻ tập trung vào tương lai đều có thành tích học tập tốt hơn, thành công hơn và hạnh phúc hơn.
Nhiều nghiên cứu sau đó tiếp tục cho thấy những người tập trung vào tương lai có mục tiêu dài hạn, ý thức kỷ luật, tự giác và khả năng trì hoãn sự hài lòng. Họ có khả năng thành công cao hơn, cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn.
Trong khi đó, những người tập trung ở hiện tại chỉ tích cực tìm kiếm những niềm vui tức thời, họ bốc đồng hơn và hay sa đà vào các tệ nạn như cờ bạc, rượu chè, ma túy. Những người tập trung vào hiện tại ít có khả năng thành công trong cuộc sống.
Có 2 mẫu tính cách được giáo sư tâm lý học Walter Mischel chỉ ra: những người sống ở hiện tại và những người sống cho tương lai
Thí nghiệm với rượu
Trở lại với thí nghiệm với những người uống rượu, sau khi thực hiện xong bài kiểm tra tính cách, họ được phân chia thành 2 nhóm không biết trước. Nhóm thứ nhất được yêu cầu uống nước cam pha với rượu.
Nhóm thứ 2 cũng được uống nước cam nhưng chỉ pha với một chút rất ít rượu, mặc dù vậy, giáo sư Bushman đã bôi rượu lên vành ly để nó có mùi giống như một loại đồ uống chứa rất nhiều cồn (quả là thiên tài- điều này sẽ giúp triệt tiêu hiệu ứng tâm lý chênh lệch giữa 2 nhóm khi họ uống các đồ uống khác nhau).
Sau khi uống xong, các tình nguyện viên được dẫn vào một khu vực trò chơi. Họ được cho biết mình sẽ phải đấu lại một đối thủ cùng giới tính (mà không biết đối thủ thực ra chính là các nhà nghiên cứu).
Cả 2 người sẽ chơi một loạt các bài kiểm tra phản ứng nhanh. Người thua cuộc sẽ bị người thắng cuộc trừng phạt bằng một cú chích điện (người thắng có thể chọn nhấn mạnh hoặc nhấn dài để khiến hình phạt nặng hơn) – mặc dù vô hại nhưng nó cũng khá đau. Đây chính là cách để giáo sư Bushman đo lường mức độ tức giận của họ.
Kết quả đã chỉ ra mối tương quan rõ ràng: Những người tập trung vào hiện tại có xu hướng tạo ra những cú chích điện mạnh và dài hơn những người tập trung vào tương lai. Những người tập trung vào hiện tại ở nhóm uống nước cam pha rượu là những người tạo ra cú chích điện mạnh và dài nhất, chứng tỏ họ là những người khó kìm chế bản thân, háo thắng và tức giận nhất.
Ngay cả những người tập trung vào hiện tại thuộc nhóm uống nước cam có ít rượu cũng không tăng quá nhiều cường độ của những cú sốc điện. Điều đó chứng tỏ rượu là tác nhân khiến những người tập trung ở hiện tại trở nên hung hăng và tức giận hơn.
“Rượu không có tác động đến tính hung hăng ở những người tập trung vào tương lai“, giáo sư Bush Bushman giải thích. “Nếu bạn xem xét cẩn thận hậu quả từ hành động của mình, việc say rượu sẽ không khiến bạn trở nên hung hăng hơn bình thường”.
Những người tập trung vào hiện tại có xu hướng trở thành Anger Drunk
Nguồn gốc cơn nóng giận
Hiện tượng này xảy ra bởi vì rượu là một chất gây mất kiểm soát, tiến sĩ Gail Saltz, một bác sĩ tâm thần ở thành phố New York cho biết. Rượu không khiến bạn thay đổi tính cách, nó khiến bạn bộc lộ ra tính cách thực của mình, tiết lộ những gì đã có, ẩn giấu đâu đó bên trong bạn.
Nghiên cứu đã chỉ ra những người dễ nổi giận khi tỉnh táo cũng dễ trở nên điên khùng và tham gia vào các tình huống bạo lực nhiều hơn khi họ uống rượu. Rượu làm giảm sự tự chủ khiến họ thể hiện hành vi hung hăng và thù địch mạnh mẽ hơn.
“Chúng ta biết rằng rượu khiến người ta dễ gây hấn hơn. Và những người có sẵn tính cách hung hăng có xu hướng không nghĩ đến hậu quả họ có thể gây ra“, giáo sư Bushman nói. “Đặt cả hai vào với nhau, nó trở thành một hỗn hợp thực sự độc hại”.
Khoa học thần kinh cũng chỉ ra rượu ảnh hưởng đến một số vùng não, bao gồm vỏ não trán trước, chịu trách nhiệm cho quá trình ra quyết định, sự biểu hiện tính cách, hành vi, nhận thức và kiểm duyệt hành vi xã hội.
Uống quá chén có thể làm hoạt động trong vùng não này chậm lại, đôi khi khiến sự tức giận bùng nổ mà người say không thể kiểm soát nổi.
Trên phương diện nội tiết, cũng có nghiên cứu cho thấy rượu làm cạn kiệt serotonin trong cơ thể, một hooc-môn tham gia điều chỉnh tâm trạng cho bạn.
Rượu có tác động đến vùng vỏ não trán trước, nói kiểm soát hành vi của bạn
Làm thế nào để xử lý ông chú cứ rượu vào là nóng giận?
Đối phó với những người đã uống quá chén thực sự cần sự nhẫn nại và cố gắng. Xử lý những người nóng giận khi uống rượu còn khó hơn nữa. Nhưng có một số mẹo mà bạn có thể thử:
Đầu tiên, hãy tìm cách giữ cho người say bình tĩnh. Những người Angry Drunk rất thích khiêu khích người khác. Hãy yêu cầu họ hít thở sâu và bình tĩnh trở lại.
Bạn cũng có thể đánh lạc hướng họ. Hãy tạo ra hoặc chỉ cho họ một tình huống khiến họ mất tập trung vào cuộc xung đột. Hãy thay đổi chủ đề nói chuyện, chỉ cho họ một điều gì đó thú vị đang xảy ra xung quanh…
Nếu những chiến thuật này không hiệu quả, bạn có lẽ cần cách ly họ. Hãy đưa họ về nhà hoặc vào phòng riêng, yêu cầu sự trợ giúp của người khác để kìm chế được họ. Hãy cân nhắc việc quay phim lại hoặc nói chuyện với họ khi họ tỉnh táo trở lại.
Nếu họ có thể nhận ra và hối hận về hành vi mất kiểm soát của mình thì tốt. Nếu không, bạn cần phải có những biện pháp khác để giải quyết triệt để tính cách của họ.
Tham khảo Nbcnews, Simplerecovery, Gizmodo