Điều khiến một quốc gia thăng tiến trong chuỗi cung ứng chính là đổi mới sáng tạo. Để khuyến khích điều này phát triển chúng ta cần bảo vệ người dám chấp nhận rủi ro, đổi mới sáng tạo và tác phẩm của họ.
Đổi mới sáng tạo: Cơ hội để Việt Nam thăng hạng năm 2045
“Những thách thức của đổi mới sáng tạo luôn là rất lớn nhưng cơ hội của những nước đang phát triển như chúng ta lại là lớn hơn. Và đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trở thành nước phát triển vào năm 2045. Mỗi doanh nghiệp có cách tiếp cận riêng của mình về đổi mới sáng tạo để phát triển doanh nghiệp của mình, tái tạo chính mình và đóng góp cho sự phát triển đất nước”, Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo trong một buổi hội thảo gần đây.
Dưới góc độ nền kinh tế, đổi mới sáng tạo là thành tố không thể thiếu đối với kinh tế số. Theo đó, kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số, sử dụng mạng internet, mạng thông tin, tức là viễn thông và công nghệ thông tin để tăng năng suất lao động. Nếu nói đơn giản, là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, cách nhanh nhất để đẩy nhanh nền kinh tế số là sử dụng công nghệ số để thay đổi cách chúng ta đang sản xuất và làm việc. Dùng camera để giảm người bảo vệ, đó là kinh tế số. Tự động tưới cây khi đất khô, đó cũng chính là kinh tế số. Và các doanh nghiệp công nghệ số sẽ làm việc này.
Công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề. Ở đâu có vấn đề thì ở đó có công nghệ, có giải pháp. Vấn đề đang có ở mọi nơi, và mỗi người có thể khởi nghiệp công nghệ để giải quyết bài toán của mình. Khởi nghiệp công nghệ số, phổ cập công nghệ số sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế rất nhanh.
Công nghệ số cùng với sức mạnh của đổi mới sáng tạo sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới, hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ. Đây là yếu tố sống còn của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang manh nha lan ra trên thế giới và Việt Nam.
Làm sao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo?
Mới đây, tại hội thảo Creation: Value and Protection, đại diện Đại sứ quán Mỹ cũng khẳng định tương tự vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Tài sản trí tuệ chính là một trụ cột của sự phát triển. Điều khiến một quốc gia thăng tiến trong chuỗi cung ứng chính là đổi mới sáng tạo và ngày nay chúng ta cũng nghe rất nhiều đến khái niệm cách mạng công nghệ 4.0. Đó cũng chính là đổi mới sáng tạo.
Câu hỏi đặt ra là làm sao để chúng ta khuyến khích sự đổi mới sáng tạo và câu trả lời là chúng ta sẽ làm việc đó thông qua việc bảo vệ người dám đổi mới sáng tạo và tác phẩm của họ. Chúng ta bảo vệ sự đổi mới sáng tạo là khi chúng ta thừa nhận những người dám chấp nhận những rủi ro, giải quyết các vấn đề của thế giới”, ngài Tham tán thương mại Mỹ chia sẻ về cách để Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên theo một đánh giá của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2017 cho thấy, những năm qua tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày một gia tăng ở Việt Nam. Hầu hết các chủ thể quyền đều tìm hướng giải quyết là tự giải quyết tranh chấp giữa các bên, áp dụng công nghệ để ngăn ngừa và tiến hành bằng biện pháp hành chính. Rất ít vụ việc được đưa ra xử lý tại tòa án ở Việt Nam, mà được thay bằng việc khiếu nại đến các cơ quan chức năng, điều này đã tạo ra sự khác biệt so với việc tranh chấp quyền SHTT tại các nước trên thế giới.
Sự khác biệt này đã làm cho quyền SHTT với bản chất là quyền dân sự đang bị chuyển qua thành xử lý hành chính. Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy các chủ thể quyền dường như rất ngại việc khởi kiện ra tòa vì cho rằng cơ chế xử lý này còn rườm rà, tốn kém và ít hiệu quả. Nhất là hiện nay ngành tòa án còn thiếu cán bộ có năng lực, trình độ để có thể xử lý những vụ việc xâm phạm, tranh chấp quyền SHTT. Do đó, các chủ thể quyền thường lựa chọn sử dụng các cơ quan hành chính công quyền để bảo vệ quyền và lợi ích theo các quy định như: Công an kinh tế, quản lý thị trường, hải quan, lực lượng thanh tra thuộc các bộ, ngành.
Nhân sự kiện này, với vai trò diễn giả, đạo diễn Việt Tú chia sẻ về hành trình vụ kiện xâm phạm bản quyền tác phẩm “Ngày xưa” của mình: “Khó khăn lớn nhất là nhận thức xã hội. Cả mặt bằng hệ thống xã hội từ truyền thông để giải thích, tòa án để xử chính xác, xã hội để hiểu và ủng hộ. Ban đầu chưa ai hiểu, qua hai năm, với sự giúp đỡ của bạn bè, truyền thông trong việc truyền đi những thông điệp chính yếu, những thông tin quan trọng về luật sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả Việt Nam cũng như thế giới, mọi người đã hiểu, mỗi hành vi vi phạm bản quyền là hành động lấy đi một tài sản trí tuệ và tiền bạc.
Những gì tôi đang theo đuổi không phải chỉ đòi lại danh dự đơn thuần mà là thay đổi nhận thức của xã hội (bao gồm chính các nghệ sĩ trong nền công nghiệp văn hoá). Đích cuối cùng của tôi trong 2 năm vừa qua đã đạt được phần quan trọng nhất: danh dự và sự thay đổi nhận thức xã hội về tầm quan trọng của bảo vệ tài sản sáng tạo vì điều đó tạo ra sự thịnh vượng không chỉ cho cá nhân nghệ sĩ mà cho cả mặt bằng kinh tế, xã hội, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế”.
Hồi giữa tháng 3, tại phiên sơ thẩm trong vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ với tập đoàn Tuần Châu, vị đạo diễn này đã được HĐXX tuyên thắng kiện, công nhận vở diễn Tinh Hoa Bắc Bộ chỉ là phái sinh (làm trên nền tảng sáng tạo) có sẵn của vở diễn “Ngày xưa” do Việt Tú sáng tạo, được thanh toán 660 triệu đồng. Được công nhận là tác giả duy nhất của vở diễn “Ngày xưa”, Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu kịch bản.
Tất nhiên Việt Tú cũng không phủ nhận kết quả này có được do anh may mắn khi vụ việc diễn ra đúng thời điểm xã hội quan tâm, cá nhân có nền tảng tài chính độc lập để theo đuổi vụ kiện kéo dài này. Điều may mắn khác là trước đó với bản án khẳng định họa sỹ Lê Linh là tác giả của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình giải quyết các vụ việc tương tự tại Việt Nam.
Với kết quả từ phiên tòa sơ thẩm cũng như nhận thức xã hội hiện nay về vai trò và tầm quan trọng của sáng tạo, đạo diễn Việt Tú tin rằng ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam đang được đặt đúng vào vị trí của nó. Với tầm nhìn của mình anh cho rằng, sự phát triển của kinh tế xã hội những năm gần đây, văn hóa có vai trò khổng lồ với nền kinh tế.
Ví dụ hiện nay Chính phủ Hàn Quốc dùng Kpop như quyền lực mềm tạo ra ảnh hưởng về kinh tế, thậm chí để đàm phán các hiệp định về kinh tế. Anh cho rằng điều tương tự đang diễn ra ở Việt Nam và rất khích lệ với những người làm sáng tạo cũng như khẳng định vai trò của nền công nghiệp văn hoá trong những trụ cột của đất nước: chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.