Đợi mọi người bước ra mình mới vào, không chen lấn xô đẩy, không nói chuyện quá to đặc biệt giữ lịch sự không “động chạm” vào người khác là những “nét văn hóa đẹp” cần nhớ khi bạn sử dụng thang máy.
Văn hóa đi thang máy tưởng chừng đơn giản nhưng lại thể hiện phép lịch sự của bản thân mỗi người. Ngày càng nhiều các tòa nhà cao tầng cần đến thang máy do ngày càng nhiều công ty, văn phòng “mọc lên”. Thế nhưng, vào những giờ cao điểm như giờ đến công sở, giờ đi ăn trưa, hay giờ tan tầm thì các thang máy luôn ở trong tình trạng quá tải, ai ai cũng muốn chen chân thật nhanh, giành một vị trí trong thang máy để không phải chờ đợi quá lâu. Chính những hành động vô ý đó lại tạo ra tình cảnh hỗn độn, thậm chí biến chính mình thành người thiếu văn hoá.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhỏ những nhân viên văn phòng tại một tòa nhà quận 3, TP.HCM và ghi nhận những điều khiến bản thân khó chịu nhất khi đi thang máy.
Chị Dương, nhân viên tại đây cho biết, “sáng nào mình cũng phải chịu thảm cảnh giành giật thang máy và những con người bất lịch sự, chen thang, luồn lách và đẩy mình ra để được vào trước”.
Làm sao để đi thang máy có văn hóa?
Việc chen lấn trong thang máy thường chẳng ai tránh được, chị Hằng còn cho biết việc mọi người đi ăn trưa về, vô tư nói chuyện trong thang máy đông đúc khiến khắp nơi toàn mùi tỏi rất khó chịu. Còn đối với anh Cường điều làm anh khó chịu nhất chính là “những bạn chen hàng, hay tranh thủ vào trước, chen ngang vào khúc giữa. Trong thang máy có nhiều bạn rất hay giỡn, nhất là những bạn đi chung với nhau giờ ăn trưa”.
Chị Hằng nói về những tình huống khiến chị khó chịu khi đi thang máy
Vô vàn những điều tưởng như vô ý khi đi thang máy nhưng lại khiến cho những người xung quanh vô cùng khó chịu từ việc chen hàng, đùa giỡn, nói chuyện điện thoại to tiếng như chốn không người…
Và có lẽ, đối với phần đông mọi người thì điều khó chịu nhất khi đi thang máy đó là bị chen thang. “Bức xúc nhất là việc các bạn chen thang. Mình cũng là những con người có văn hoá mà, thấy người ta xếp hàng thì vui lòng đứng phía sau. Hoặc là vào thang máy rồi cứ bấm đi xuống rồi đi lên”, một bạn nữ chia sẻ.
Không chỉ việc chen lấn trong thang máy, mà đôi khi việc một số người sử dụng lẫn lộn giữa thang hàng với thang dành riêng để chở người đôi khi cũng khiến nhiều người không thoải mái.
“Mọi người hay bị đi nhầm lẫn giữa thang hàng với thang thường, chở hàng cũng đi thang thường, hoặc có những khu đã quy định khi mà dắt động vật đi thì phải di chuyển bằng thang hàng nhưng mọi người lại đi thang thường”, một người khác chia sẻ về những tình huống bản thân từng gặp khi đi thang máy.
Trước câu hỏi, khi gặp những tình huống khó chịu, cùng nhiều cách ứng xử thiếu văn hoá trong thang máy thì thái độ của mọi người như thế nào. Trao đổi với chúng tôi, anh Cường cho rằng chắc chắn anh sẽ lên tiếng. “Điều đó gây ảnh hưởng đến các bạn khác mà các bạn ấy không tự tin nói thì để mình nói”.
Cũng đồng quan điểm trên, chị Vy cho biết chị cũng đã từng lên tiếng phàn nàn về những hành động thiếu văn hoá trong thang máy nhưng lại bị mọi người cho là nhiều chuyện.
Anh Lãm chia sẻ với PV
Bên cạnh đó, bạn Lãm thì lại có cách cư xử khác, “Mình thường không hay lên tiếng liền mà sẽ tỏ thái độ không hài lòng trước”. Riêng đối với chị Dương thì việc lên tiếng hay không còn tuỳ theo tâm trạng, “Những lúc mình… khó ở thì mình sẽ lên tiếng, còn bình thường thì mình sẽ im lặng và lên cơ quan kể lại cho đồng nghiệp nghe”.
Trong số đó, một số bạn lại lựa chọn im lặng và cho rằng đó là quyền tự do của mội người. “Mình sẽ không lên tiếng, đó là quyền của người ta, không có nói, không có nhắc nhở gì được”, anh An bày tỏ quan điểm.
Trước những hành vi thiếu ý thức của một số người khi đi thang máy công cộng, anh Lãm cho rằng, “Thang máy nhiều người lạ, mình nên giữ một bầu không khí trong lành và lịch sự hết sức có thể và tốt nhất không nên đụng chạm gì nhau hết”.
Ngoài ra, việc mọi người nên xếp hàng, giữ trật tự khi vào thang máy cũng được nhiều người lên tiếng nhắc nhở. “Mình đến sau thì mình nên xếp hàng, hoặc nếu gấp quá thì có thể xin phép cho mình đi trước. Còn thấy đông quá thì nhường cho người khác đi trước, không nên chen lấn. Tự bản thân mình phải nhìn nhận những điều đó”.
Nam An – Clip: Kingpro, theo Trí Thức Trẻ
http://ttvn.vn/gioi-tre/clip-tuyen-tap-nhung-hanh-vi-kem-sang-trong-thang-may-ban-co-nam-trong-so-do-2201924110014753.htm