Tự nhận mình là một người đàn ông khá đa tình, nhưng trong cuộc đời mình, nhà thơ Phan Vũ có 2 mối tình sâu đậm nhất.
Sáng nay (17/7), nhà thơ Phan Vũ – tác giả của bản trường ca nổi tiếng “Em ơi, Hà Nội phố” đã từ trần trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè và những người thương yêu ông.
Ông là nhà thơ, nhà viết kịch, là tác giả của nhiều tác phẩm được công chúng yêu mến như tập thơ “Hà Nội – Phố”, vở kịch “Lửa cháy lên rồi” (giải thưởng Văn học năm 1955), “Thanh gươm và Bà mẹ”, kịch bản phim “Dòng sông âm vang”…
Trong số đó, “Em ơi, Hà Nội phố” đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc và trở thành một trong những ca khúc viết về Hà Nội được nhiều người yêu thích nhất.
Ngoài ra, ông cũng từng là đạo diễn của các bộ phim như “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại” (phim về nữ anh hùng Võ Thị Sáu )…
Những năm cuối đời, nhà thơ Phan Vũ đặc biệt quan tâm đến hội họa.
“Tôi không phải là người Hà Nội chính gốc”
Nhà thơ Phan Vũ sinh năm 1926, tên khai sinh là Trần Hồng Hải. Năm 20 tuổi đi bộ đội vào Nam, làm công tác văn nghệ tại miền Đông và Tây Nam bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm việc cho Xưởng phim truyện VN tại Hà Nội và làm báo. Khi đất nước thống nhất, Phan Vũ làm việc tại Đài truyền hình TP.HCM.
Từ sau những năm 1990, ông chuyên tâm vào vẽ tranh và đã tổ chức rất nhiều triển lãm hội họa trong và ngoài nước. Kể về lý do tìm đến với hội họa khi tuổi già đã ập đến, nhà thơ Phan Vũ cho biết là bởi “muốn kéo những bức tranh của tôi đến gần với những bài thơ của mình”.
Ông tâm sự, ở độ tuổi ngoài 90 mắt mờ, tai kém, chân tay run, những người thầy và bạn bè thân thuộc gần như đã mất hết cả, thì ông chỉ biết dùng tranh và thơ để “chiến đấu với tử thần”. Ông bảo: “Dù biết mình sẽ thua, nhưng là thua một cách vinh quang”.
Vì là tác giả của bài thơ nổi tiếng về Hà Nội, nên rất nhiều độc giả vẫn nghĩ rằng ông chắc hẳn sẽ là người Hà Nội chính gốc.
Thế nhưng trong một sự kiện diễn ra năm 2018, ông tiết lộ trên báo Thanh Niên: “Tôi không phải là người Hà Nội chính gốc, bố tôi ở Hải Phòng còn mẹ tôi người Đà Nẵng lưu lạc ra đất Bắc, họ gặp nhau và sinh ra Phan Vũ nên có thể nói quê tôi ở Đà Nẵng hay Hải Phòng đều được.
Bài thơ Em ơi! Hà Nội phố ra đời trong những tháng năm tôi lang thang ở Hà Nội, nhất là buổi chiều sau khi tận mắt chứng kiến cảnh máy bay B.52 rải thảm ở phố Khâm Thiên. Về nhà tôi đã hoàn thành bài thơ chỉ sau một đêm. Sau này bài thơ được phổ nhạc nhiều người nhầm tưởng tôi sinh ra tại Hà Nội”.
Trong cuộc chiến đấu với tử thần, ông biết mình sẽ thua, nhưng thua một cách vinh quang
Hai nàng thơ – hai người phụ nữ ơn nghĩa phu thê
Nhà thơ Phan Vũ từng tâm sự, sau thời thăng hoa “Em ơi, Hà Nội phố”, ông có 2 nguồn cảm hứng để tiếp tục sáng tác thi ca, đó chính là hai người phụ nữ ơn nghĩa phu thê với ông.
Người vợ đầu tên Phi Nga, từ năm 22 tuổi đã nổi tiếng với vai Hoài trong phim “Chung một dòng sông”. Sau đó, bà còn được khán giả yêu mến khi tham gia diễn xuất trong “Vật kỉ niệm”, “Trên vĩ tuyến 17″, Rừng O Thắm”, “Vợ chồng anh Lực”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”…
Thế nhưng sau khi kết hôn và sinh 2 người con với Phan Vũ, Phi Nga phải rời màn ảnh vì căn bệnh tim bẩm sinh. Rồi một cơn tai biến xảy đến khiến bà Phi Nga phải nằm một chỗ, không thể đi lại được.
Khi ấy, dù không di chuyển được nhưng bà vẫn còn nhận thức tốt, và niềm đam mê nghệ thuật không hề thuyên giảm.
Thấy vậy, ông không ngần ngại đưa vợ bằng xe từ nhà đến Nhà hát Thành phố rồi cõng bà vào trong để bà được xem kịch.
Nhà thơ Phan Vũ đã ân cần chăm sóc vợ đau ốm trong suốt 20 năm, cho tới khi bà qua đời ở tuổi 49. Được biết, đến những ngày cuối đời, khi trí nhớ của bà Phi Nga đã gần như mất hẳn, thì bà chỉ có thể nhớ được một từ duy nhất mỗi lần cất tiếng gọi: “Vũ”.
Sự ra đi của bà Phi Nga đã để lại một khoảng trống rất lớn trong trái tim thi sĩ Phan Vũ. Sau khi bà mất, có một số người phụ nữ khác cũng đến với ông nhưng không ai có thể giữ ông ở lại.
Cố nghệ sĩ Phi Nga thời trẻ
Mãi tới năm 73 tuổi, thi sĩ Phan Vũ mới tái hôn với người vợ thứ hai – nhà báo Diễm Chi. Thời điểm kết hôn, Diễm Chi chỉ 37 tuổi, cách biệt với Phan Vũ gần 40 tuổi.
Khi nhắc về sự chênh lệch tuổi này, thi sĩ Phan Vũ thường nói đùa rằng một người 73, một người 37 là “bằng tuổi nhau”.
Theo lời kể, Diễm Chi phụ trách mục “Trò chuyện với người nổi tiếng” của báo Phụ nữ TP.HCM, là đồng nghiệp của con gái Phan Vũ, trong một lần muốn phỏng vấn thi sĩ nổi tiếng, cô ngỏ lời nhờ bạn kết nối. Không ngờ cuộc phỏng vấn định mệnh ấy đã tạo nên mối lương duyên của hai người.
Trong những ngày cuối đời, vợ chồng ông ở trong một ngồi nhà nhỏ có phòng tranh riêng ở Quận Thủ Đức. Được biết, một trong những lý do quan trọng khiến ông quyết định về đây là vì mong muốn của vợ.
Nhà thơ Phan Vũ và người vợ thứ 2 – bà Diễm Chi