Chuyện “khai tử” loa phường Hà Nội: Người muốn giữ ký ức, kẻ muốn yên tĩnh thoát khỏi “thảm họa” âm thanh

Có vẻ từ lâu lắm rồi, không ai trên vỉa hè đông đúc tại phố cổ Hà Nội còn nghe tiếng rè rè nhiều tạp âm đến từ những chiếc loa bị che khuất bởi cây xanh. Trên một số quận chính của Thủ đô, hệ thống loa truyền thanh vẫn được giữ đúng nguyên trạng dù đã dừng phát thanh một thời gian.

Trong tiềm thức của người Hà Nội, buổi sáng của họ bắt đầu bằng một thứ âm thanh quen thuộc, được phát từ một thiết bị trên cao. Một giọng nam hay nữ lịch sự nói: “Thưa quý vị thính giả” và kết thúc bằng câu: “Cảm ơn các bạn đã lắng nghe chương trình” sau khi thông báo lịch nhận lương hưu, phòng chống dịch cúm gia cầm hay nhắc nhở tiêm phòng dại cho chó. Đó là tiếng loa phường trước đây, mạng lưới phóng thanh trên khắp cả nước, đều đặn phát vào sáng và chiều, mặc kệ người dân có chú ý nghe hay không. 

Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang hiện đại hoá một cách nhanh chóng, bỏ mặc nhưng chiếc loa hoen rỉ theo thời gian. Cũng khá lâu rồi, người Hà Nội trên một số địa bàn quận, huyện không còn được lắng nghe tiếng loa, nhưng với một số người, chiếc loa này… phiền phức và ồn ào nên việc bị “khai tử” cũng là điều dễ hiểu. Theo một khảo sát gần đây nhất của thành phố Hà Nội, 70% người dân tán thành việc bỏ loa phường. 

Chuyện khai tử loa phường Hà Nội: Người muốn giữ ký ức, kẻ muốn yên tĩnh thoát khỏi thảm họa âm thanh - Ảnh 1.

Từ lâu, loa phường được xem là chứng nhân lịch sử từ quá khứ kéo dài tới hiện tại.

Loa phường đi vào cuộc sống người dân từ bao đời nay. Tuy nhiên, giữa thế kỷ 21, loa phường gần như không còn mang lại nhiều giá trị như trước đây. 

Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh 

Trải qua gần 60 năm, theo suy nghĩ của một số người dân, loa phường đã hoàn thành sứ mệnh của nó.

Ngày xưa, loa phường là một phần không thể thiếu trong đời sống người dân. Tiếng loa thay thế đồng hồ báo thức, cung cấp thông tin cộng đồng. Đó không chỉ là một phương tiện truyền thông, mà còn là giá trị tinh thần, linh hồn của người Hà Nội. Thời đại bây giờ, bất giác nghe những bài ca về Hà Nội vang lên từ loa phường, không một ai lại không cảm thấy có chút xao xuyến, bồi hồi và bâng khuâng. Bao lớp thế hệ đi trước, họ nặng lòng da diết với loa phường, bởi nó là cái cớ để nhớ về quá khứ.  

Loa phường nhắc nhở mọi người về công tác an ninh, thông báo tìm trẻ lạc và vô số câu chuyện hàng ngày khác. Chỉ có loa phường mới đến được với tất cả mọi người một cách nhanh nhất mà không tốn kém. Dẫu biết giữa cuộc sống 4.0 này, sự bùng nổ của Internet lấn át gần như mọi phương tiện truyền thông trước đây, nhưng tự hỏi liệu có phải ai cũng đủ thời gian, đủ kiên nhẫn có thể truy cập mạng để lấy thông tin? 

“Tôi thấy loa phường vô cùng quan trọng trong việc truyền tải thông tin. Phường chỗ tôi dùng loa chỉ để thông báo tin tức không có chuyện bật thời sự hay ca nhạc nên tôi thấy cái loa vô cùng hữu ích và mọi người quanh chỗ tôi ở không phàn nàn gì về cái loa hết” – anh Sơn (quận Thanh Xuân) chia sẻ. 

Chuyện khai tử loa phường Hà Nội: Người muốn giữ ký ức, kẻ muốn yên tĩnh thoát khỏi thảm họa âm thanh - Ảnh 3.

Loa phường cũ kĩ, hoen rỉ và gần như không còn phát ra âm thanh.

Một trong số những lý do yêu cầu “khai tử” loa phường, chính là việc bất cập trong cách thức đưa tin. Như anh Sơn đã trình bày, loa phường chỗ nhà anh chỉ phát tin tức cần thiết, không hề bật thời sự tràn lan hay ca nhạc “nhức óc”. 

Người trẻ bây giờ không thể hiểu hết giá trị của từng chiếc loa phường, thứ phương tiện mà ngày xưa, trong những năm tháng chiến tranh, lại vô cùng hữu ích biết nhường nào. Đi qua “giông bão” để tìm thấy bình yên, lớp thế hệ đi trước vẫn luôn cảm thấy “nợ” loa phường một lời cảm ơn chân thành nhất. Nhìn từng chiếc loa bị dỡ khỏi cột điện trước nhà, nhiều người không khỏi bồi hồi.

Bác Hưng ở quận Ba Đình cho rằng, nói loa phường là một nét văn hóa Hà Nội thì không phải, nó đúng hơn là một nét văn hóa của thời bao cấp. Nó vừa có cái dở vừa có cái hay. Và với những người có ký ức với thời bao cấp, lại cao tuổi thì loa phường có ích. “Cứ giữ loa phường như cũ thôi, nhưng thông tin phát thì phải tổ chức sắp xếp lại sao cho thực sự có ích. Những người già ít lên mạng như tôi vẫn rất cần loa phường. Nó cũng sẽ có tác dụng gắn kết với những người cao tuổi” – bác nói.

“Loa phường nên giữ để phường, quận có chính sách gì mới, hay nhắc nhở dịch bệnh, vệ sinh nơi nào kém thì phát. Những bản tin đó rất có ích. Việc thay thiết bị mới cũng không hay, vì tôi đi thể dục ở ngoài đường vào giờ phát là tôi chẳng biết thông tin gì. Lắm khi nó phát oang oang trong nhà, chả ai nghe” – bác Mai (quận Hoàn Kiếm) nói. 

“Tôi cho rằng loa phường một phương tiện truyền thông rất tốt, kịp thời và gần gũi với mọi người dân, mọi tầng lớp, gắn với thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, thông tin cần truyền tải phải có quy chế, thời lượng phát, giờ phát, cập nhật kịp thời tin tức và độ vang của tiếng loa hợp lý, đăng tải các dữ liệu cần thiết, không trùng lặp, phải đi sâu thực tế cuộc sống đời thường và nơi người dân sinh sống. Có như vậy giúp cho cư dân dễ hiểu, dễ tiếp cận và chắc chắn sẽ thành công” – bác Trung cũng đồng quan điểm.

Chuyện khai tử loa phường Hà Nội: Người muốn giữ ký ức, kẻ muốn yên tĩnh thoát khỏi thảm họa âm thanh - Ảnh 4.

Nhiều người vẫn còn lưu luyến, số khác cho rằng đã đến lúc “khai tử” loa phường vì những bất cập không đáng có.

Chuyện khai tử loa phường Hà Nội: Người muốn giữ ký ức, kẻ muốn yên tĩnh thoát khỏi thảm họa âm thanh - Ảnh 5.

Ở thời đại 4.0, liệu loa phường có còn cần thiết?

Cái gì cần đến đã đến, lúc cần đi phải chia tay!

“Loa phường cũng như hoa sữa vậy, đi ngang qua thì thấy rất thú vị, nhưng nếu nó ngay trước nhà thì chỉ muốn dọn nhà đi chỗ khác. Bỏ đi là hay nhất. Giữa những ồn ào náo nhiệt của cuộc sống, mấy ai để ý nghe cái loa phát gì, nói gì trên đó”. Đây là ý kiến của một người dân khi được hỏi về đề án thay thế loa phường bằng một thiết bị khác. Họ thừa nhận loa phường đã có thời gian vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, đến nay xã hội đã thay đổi và nhu cầu đối với loa phường đã khác trước, cái gì cần đến đã đến, lúc cần đi thì phải chia tay! 

Ở Hà Nội, nhiều người khó chịu về tiếng loa và chẳng buồn nghe. Có vẻ từ lâu lắm rồi, không ai trên vỉa hè đông đúc tại phố cổ còn nghe tiếng rè rè nhiều tạp âm đến từ những chiếc loa bị che khuất bởi cây xanh. 

Đối với họ, 5h sáng loa phường đã vang lên, thật sự phiền hà và ngày nào cũng như cực hình. Hà Nội vốn đã ồn ào, với tiếng xe máy, tiếng rao hàng của người bán hàng rong, tiếng nhạc xập xình cùng giọng hát không mấy dễ chịu từ các quán karaoke, nay hoà thêm tiếng loa phường đinh tai. Đối với những ai sống gần loa phường, mỗi ngày với họ đều nhiều trăn trở.  

“Tờ mờ sáng đang ngon giấc, tôi giật mình vì tiếng loa phát thanh chói tai. Chúng tôi bị “tra tấn” mãi nên quen rồi. Liệu có cần thiết mấy cái loa này nữa không khi người dân bây giờ có đầy đủ phương tiện để theo dõi tin tức” – anh Tuấn (quận Thanh Xuân) than thở.

Chuyện khai tử loa phường Hà Nội: Người muốn giữ ký ức, kẻ muốn yên tĩnh thoát khỏi thảm họa âm thanh - Ảnh 6.

Loa phường bây giờ ngoài những thông tin dân sinh còn phát đi nhiều âm thanh “nhức óc” khiến người dân khó chịu.

Dù đã tạm dừng phát thanh nhưng hệ thống loa ở một số quận vẫn được giữ đúng hiện trạng.

Chị Thanh, sống ở quận Ba Đình, than vãn, trong khi các nước phát triển trên thế giới hiện nay có quy định rất gắt gao về mức độ âm thanh công cộng thì ở Việt Nam ô nhiễm tiếng ồn vẫn là một trong số những điều không thôi ám ảnh.

“Nếu bạn sống ở Canada, Mỹ hay nhiều nước Châu Âu, bạn sẽ không nghe được tiếng còi xe, tiếng nhạc của hàng xóm. Mọi người rất cần không gian yên tĩnh đề nghĩ ngơi sau những giờ phút làm việc. Những chiếc loa ở Việt Nam nhìn thật lạc hậu và làm khổ nhiều người” – chị Thanh nói. 

“Loa phường thực sự là thảm họa do âm thanh thay đổi tần số liên tục, lúc thì choang choác, lúc thì rè rè, lúc lại lạo xạo, khiến người nghe nhức đầu mãi” – một độc giả bày tỏ.

Hà Nội vẫn đang loay hoay với loa phường, dù đã cho triển khai nhiều cuộc thăm dò ý kiến người dân. Từ lâu, ở một số quận, huyện, loa phường đã không còn phát, dù hệ thống loa truyền thanh vẫn được giữ đúng nguyên trạng. Sự phát triển của thời đại đều bắt buộc những thứ lỗi thời của xã hội trước phải lụi tàn. Sự thật loa phường đang đứng trước bờ vực “khai tử”, dù sớm hay muộn, dù muốn hay không. 

Tuy nhiên, thay vì “khai tử” loa phường, điều quan trọng hơn chẳng phải là hãy nghĩ cách khắc phục nó. 

Chuyện khai tử loa phường Hà Nội: Người muốn giữ ký ức, kẻ muốn yên tĩnh thoát khỏi thảm họa âm thanh - Ảnh 8.

Trước đề án của thành phố, không biết số phận của những chiếc loa phường sẽ đi về đâu?