Tàu 18 của Việt Nam tham gia diễn tập hàng hải Mỹ-ASEAN (Nguồn ảnh: Báo Hải quân, QĐND. Xử lý ảnh: Thi Anh)
“Khi xét tới bối cảnh dẫn đến cuộc diễn tập lần này thì vai trò của Việt Nam là đáng kể nhất trong số các quốc gia ASEAN, bên cạnh Philippines” – Tiến sĩ Pongsudhirak nhận định.
Hải quân Mỹ và 10 quốc gia ASEAN đã lần đầu tiến hành cuộc diễn tập hàng hải chung nhằm nâng cao hợp tác an ninh trong khu vực.
Cuộc diễn tập AUMX kéo dài trong năm ngày, bắt đầu từ 2-9, chủ yếu trong khu vực ngoài khơi căn cứ hải quân ở tỉnh Chonburi của Thái Lan và ngoài khơi tỉnh Cà Mau của Việt Nam.
Tham gia diễn tập có 7 tàu các nước, trong đó có 1 tàu của Hải quân Hoa Kỳ, 6 tàu của các nước ASEAN, 2 máy bay tuần tra biển, 2 máy bay trực thăng, 7 tàu tuần tra…
Các cuộc tập trận hải quân giữa Mỹ và một số nước Đông Nam Á không phải điều lạ, song đây là cuộc diễn tập hải quân đầu tiên giữa Washington và 10 nước trong khu vực, thông qua ASEAN như một chủ thể đại diện thống nhất.
Thông điệp gửi tới thế lực muốn phá hoại trật tự khu vực
Trả lời phỏng vấn Trí Thức Trẻ, các chuyên gia đã bình luận về thông điệp ngầm mà Mỹ và ASEAN muốn truyền tải thông qua cuộc diễn tập AUMX.
Theo Tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Khoa học và An ninh Quốc tế tại Thái Lan, ASEAN và Mỹ đang gửi đi nhiều thông điệp khác nhau.
Trong đó, thông điệp của ASEAN là muốn duy trì thế cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, không có sự thiên lệch trong quan hệ với hai phía và không bị buộc phải chọn đứng về phía nào. Điều này cũng giúp ASEAN duy trì thế trung lập trong khu vực.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Tang Siew Mun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS – Yusof Ishak, Singaporecho rằng sự tham gia của ASEAN trong cuộc diễn tập AUMX đã nhấn mạnh lập trường cởi mở và hòa đồng của khối, đồng thời khẳng định nguyên tắc quan hệ cân bằng với các cường quốc.
Xử lý ảnh: Thi Anh
“Trước AUMX, ASEAN đã tham gia cuộc diễn tập hàng hải với Trung Quốc ở ngoài khơi Quảng Đông năm 2018. Trong cuộc diễn tập với Mỹ lần này, ASEAN đang duy trì chủ trương chiến lược ‘không phân biệt đối xử’, điều đó cho phép họ tham gia cùng và hợp tác với tất cả các nước lớn” – ông Siew Mun nhận định.
Cũng theo vị chuyên gia, AUMX là một lời nhắc nhở quan trọng đối với khu vực rằng, mặc dù chính quyền Tổng thống Trump tỏ ra thờ ơ với ASEAN nhưng nước Mỹ nói chung vẫn duy trì cam kết đối với tình hình an ninh khu vực, đồng thời “Mỹ là một người bạn mà các nước trong khu vực có thể tin tưởng và dựa vào”.
Trong khi đó, theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ John Hemmings tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (DKI APCSS – viện nghiên cứu thuộc Bộ quốc phòng Mỹ), thông điệp quan trọng nhất trong cuộc diễn tập AUMX là ASEAN đang hợp tác nhóm với Mỹ, đưa tàu của họ tham gia vào đội hình chung.
“Điều này ngầm gửi tới những thế lực đang có ý định làm suy yếu trật tự được thiết lập dựa trên các nguyên tắc trước nay rằng, họ có thể sẽ phải đối mặt với một mức độ răn đe nhất định khi Mỹ sẵn lòng hỗ trợ các quốc gia trong khu vực xây dựng năng lực.
Về phần mình, Mỹ đã thể hiện rõ quan điểm khi tuyên bố sẽ đưa ASEAN trở thành trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa (FOIP).
Tất nhiên, những quốc gia trong khuôn khổ an ninh “Bộ tứ” (The Quad, tức Quadrilateral Security Dialogue: Đối thoại an ninh bốn bên, bao gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật và Úc – PV) vẫn rất quan trọng nhưng Đông Nam Á là khu vực nằm giữa Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương và là nơi đang tập trung các nỗ lực hội nhập khu vực.
Hỗ trợ cộng đồng các quốc gia ASEAN là một phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ” – Tiến sĩ Hemmings nêu quan điểm, đồng thời lưu ý rằng đây là lập trường cá nhân của ông, chứ không đại diện cho lập trường hay chính sách chính thức của chính phủ Mỹ.
Mỹ công nhận khả năng lãnh đạo và sự chuyên nghiệp của Việt Nam
Đề cập tới sự tham gia của Việt Nam trong cuộc diễn tập AUMX, Tiến sĩ Hemmings cho biết, trong cuộc họp báo qua điện thoại với các phóng viên khu vực hôm 3/9, Chuẩn Đô đốc Murray Joe Tynch, Tư lệnh Nhóm Hậu cần Tây Thái Bình Dương đã công nhận khả năng điều phối và chỉ đạo của Việt Nam với nhiều đóng góp to lớn cho việc lên kế hoạch diễn tập.
Bên cạnh đó, ông Tynch cũng đánh giá cao sự chuyên nghiệp của lực lượng hải quân Việt Nam tham gia AUMX.
“Việt Nam từ lâu đã là một quốc gia có chủ quyền và có cam kết sâu sắc đối với vị thế của ASEAN trong nền chính trị khu vực. Tôi cho rằng quyết định tham gia cuộc diễn tập lần này đã thể hiện rất rõ nét lập trường của Việt Nam” – ông Hemmings cho hay.
Bình luận thêm về vai trò của Việt Nam trong cuộc diễn tập AUMX, Tiến sĩ Pongsudhirak cho rằng, khi xét tới bối cảnh dẫn đến cuộc diễn tập lần này thì vai trò của Việt Nam là đáng kể nhất trong số các quốc gia ASEAN, bên cạnh Philippines.
Cũng theo vị chuyên gia, năm tới sẽ là một năm quan trọng với Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Đây là những cương vị đặt ra thách thức nhất định cho Việt Nam.
“Cần lưu ý rằng trước AUMX, Việt Nam từng tham gia vào cuộc diễn tập hàng hải ASEAN-Trung Quốc. Tương tự như ASEAN, thách thức của Việt Nam sẽ là duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ với Mỹ-Trung.
… Cuộc diễn tập AUMX đã cho thấy các căng thẳng địa chính trị đang dịch chuyển từ đất liền ra biển, và an ninh hàng hải sẽ đóng vai trò nổi bật hơn trong thời gian tới” – ông Pongsudhirak nhận định.