Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại khu phi quân sự DMZ hôm 30/6. Ảnh: VOX.
Theo ông Denny Roy, chuyên gia của trung tâm East – West Center tại Hawaii, Mỹ, những thành tựu hướng tới phi hạt nhân hóa thực tế sau một năm rưỡi tái lập cơ bản là “bằng không”.
Báo Điện tử Trí thứ trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Denny Roy, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên thuộc trung tâm East – West Center có trụ sở tại Hawaii, Mỹ về cuộc gặp bất ngờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày hôm qua.
Ông có bất ngờ với cuộc gặp tại khu phi quân sự DMZ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un?
Trước chuyến đi của mình, ông Trump đã tuyên bố công khai rằng, ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, vì vậy chúng tôi đã có một sự chuẩn bị ban đầu nhưng không chắc chắn cuộc gặp sẽ thực sự diễn ra.
Đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim cần phải đáp ứng đề nghị của Tổng thống Trump chỉ qua một thông báo ngắn, và thông thường các nguyên thủ quốc gia rất cẩn thận về việc chuẩn bị cho một cuộc họp như thế này.
Rõ ràng, qua các phương tiện truyền thông, cuộc họp không được lên kế hoạch tốt, có lẽ vì thiếu thời gian.
Lời mời được đưa ra đường đột và qua Twitter, điều chưa từng có trong thông lệ ngoại giao. Nhưng dường như đã hiệu quả. Theo ông, vì sao cách thức này hiệu quả?
Ông Trump vừa là tổng thống Twitter vừa là tổng thống chưa từng có từ trước đến nay của nước Mỹ. Vì vậy sự kiện này mang đậm tính cách của ông ấy – không thể đoán trước và giống như một chương trình truyền hình thực tế đáng xem.
Lời mời này khác thường như nếu không phải là nhà lãnh đạo Kim Jong-un, chưa chắc sự việc đã diễn ra. Ông có đánh giá thế nào về cặp đôi lãnh đạo này?
Hai nhà lãnh đạo đều cần nhau và dựa vào nhau để tăng uy tín. Ông Trump cần duy trì ấn tượng rằng ông đã giải quyết được mối đe dọa vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, và ông đã ngăn chặn cuộc chiến mà bất kỳ tổng thống Mỹ nào khác sẽ sa vào.
Trong khi đó, đối với ông Kim Jong-un, ông Trump là Tổng thống Mỹ “không vội vàng” buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa và tỏ ra không thích liên minh Mỹ – Hàn cũng như các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc – điều mà Bình Nhưỡng vẫn xem là sự đe dọa. Tất cả những mục tiêu này đều củng cố cho uy tín của ông Kim Jong-un.
Về lời mời của Tổng thống Trump dành cho ông Kim Jong-un đến thăm Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Triều Tiên không có lý do gì để từ chối. Một cuộc gặp được tổ chức do Washington làm chủ nhà sẽ là một số điểm khổng lồ đem lại uy tín chính trị cho nhà lãnh đạo Triều Tiên. Vì vậy, thật dễ dàng để chấp nhận lời mời này về nguyên tắc ngay lập tức.
Nhận định của ông về kết quả cuộc gặp này?
Những thành tựu hướng tới phi hạt nhân hóa thực tế sau một năm rưỡi tái lập cơ bản là không có gì. Hơn nữa, theo quan điểm của Tổng thống Trump, điều thực sự quan trọng là Triều Tiên không tiếp tục tiến hành thử bom hạt nhân hoặc phóng các tên lửa tầm xa. Dường như ông Trump sẵn sàng chấn nhận tình trạng vũ khí hạt nhân vĩnh viễn của Triều Tiên.
Thực tế là cuộc gặp thứ 3 đưa ra tín hiệu các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục, nhưng không cho chúng ta lý do để tin rằng đàm phán sẽ thành công. Đến giờ, Triều Tiên vẫn muốn thảo luận trực tiếp với ông Trump hơn là các nhà đàm phán nghiêm túc và thực tế từ Mỹ.
Bình Nhưỡng biết rằng, ông Trump cần họ ngưng các vụ thử tên lửa để có thể tuyên bố là ông đã thành công. Điều này cho phép Triều Tiên có một vài lợi thế với Trump, điều này giải thích vì sao vừa qua Triều Tiên thử các tên lửa tầm ngắn. Đó là lời cảnh cáo đến Tổng thống Mỹ.
Vậy theo ông, ông Trump nhận được gì từ cuộc gặp này?
Với tôi, ông Trump chỉ nhận được ảo tưởng về một thành công trong chính sách đối ngoại.
Xin cảm ơn ông!