Chuyên gia môi trường cảnh báo: Bụi mịn PM2.5 có thể xuyên qua những chiếc khẩu trang hàng ngày của chúng ta

“Không ai an toàn trước ô nhiễm không khí” là lời cảnh báo của Liên Hợp Quốc trước chất lượng không khí hiện nay trên toàn cầu. Mỗi năm, thế giới ghi nhận 7 triệu ca tử vong sớm xuất phát từ nguyên nhân này. Hà Nội nhiều năm qua, cũng không ngoại lệ khi mà chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở ngưỡng cao, đáng báo động.

“Không ai an toàn trước ô nhiễm không khí”, Liên Hợp Quốc đã từng cảnh báo vào Ngày Môi trường thế giới, khi mà 9/10 người trên hành tinh đang phải hít thở không khí ô nhiễm. Theo WHO, điều này dẫn đến một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có gần 4 triệu người.

Một đánh giá toàn cầu mới nhất chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí có thể gây tổn hại cho mọi cơ quan và hầu như mọi tế bào trong cơ thể con người. Các tác hại lây lan từ đầu đến chân, từ bệnh tim và phổi đến bệnh tiểu đường và chứng mất trí nhớ, và từ các vấn đề về gan và ung thư bàng quang đến xương giòn và da bị tổn thương. Khả năng sinh sản, thai nhi và trẻ em cũng bị ảnh hưởng bởi không khí độc hại.

Qua các kết quả quan trắc trong những năm qua, thủ đô Hà Nội và một số thành phố khác của Việt Nam đang phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm bụi ở các mức độ khác nhau, đặc biệt khu vực có hoạt động xây dựng hạ tầng đô thị như xây dựng, sửa chữa đường sá, công trình xây dựng, các trục giao thông có mật độ phương tiện lớn, khu vực gần các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Hà Nội nhiều năm qua như một đại công trường với hàng loạt các dự án xây dựng nhà ở, giao thông. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở ngưỡng cao, báo động đỏ ở hầu hết các vị trí trong nội thành. Nhiều tuyến đường thường xuyên xuất hiện lớp bụi mỏng, lơ lửng, ngột ngạt như Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Phạm Văn Đồng… Không cần đến thiết bị đo độ bụi hiện đại, bạn chỉ cần ngồi quán nước vỉa hè xung quanh các khu vực này trong 5 phút, chiếc điện thoại màn hình đen đã… lấm chấm bụi trắng.

Để hiểu rõ hơn về tình trạng chất lượng không khí ở Hà Nội thời gian gần đây, chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Anh Thư từ Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh – Green ID (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam).

Chuyên gia môi trường cảnh báo: Bụi mịn PM2.5 có thể xuyên qua những chiếc khẩu trang hàng ngày của chúng ta - Ảnh 1.

Nhiều năm gần đây, Hà Nội thường xuyên xuất hiện tình trạng ô nhiễm không khí ở mức báo động.

Bụi mịn PM2.5 có thể xuyên qua những chiếc khẩu trang hàng ngày của chúng ta

Thưa chị, nhiều ứng dụng chất lượng không khí hiện nay như Air Visual hay Pam Air từng đưa ra những con số theo thời điểm, cho rằng Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Liệu kết luận này có đúng không? Và có giai đoạn nào, Hà Nội từng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới hay chưa?

Theo những quan sát và đánh giá của chúng tôi trong 3 năm gần đây tại 2 thành phố chính của nước ta là Hà Nội và Hồ Chí Minh thì chất lượng không khí ở Hà Nội vẫn là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn. Từ những dữ liệu mới nhất chúng tôi thu thập được trong Báo cáo Chất lượng Không khí 2018 và kết quả phân tích của các cơ quan Nhà nước cùng điểm đo tư nhân, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm của Hà Nội năm 2018 ở mức cao (40,1 µg/m3), vượt khoảng 1.5 lần giới hạn cho phép trong Quy chuẩn kỹ thuật (25 µg/m3.năm).

Dữ liệu tại 10 trạm quan trắc của UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ ra rằng khu vực nội thành đang bị ô nhiễm bụi và thông số bụi mịn PM2.5 có mức độ ô nhiễm cao nhất. Một số vị trí có chất lượng không khí đáng lưu tâm như Phạm Văn Đồng, Minh Khai, Đại sứ quán Mỹ, Nguyễn Văn Cừ, có nhiều ngày (25-35% tổng số ngày trong năm) nồng độ bụi PM2.5 vượt quá quy chuẩn Quốc gia

Các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí đưa ra cảnh báo theo thời gian thực, quả thật có những thời điểm AQI tại các trạm đo ở Hà Nội ở mức báo động, vượt qua nhiều thành phố trên thế giới. Tuy nhiên đó chỉ là những cảnh báo tại một thời điểm, và để có được xếp hạng vị trí Hà Nội so với các thành phố lớn trên thế giới thì cần đánh giá dựa trên các số liệu đầy đủ hơn về không gian và thời gian.

Chuyên gia môi trường cảnh báo: Bụi mịn PM2.5 có thể xuyên qua những chiếc khẩu trang hàng ngày của chúng ta - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Anh Thư, từ Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh – Green ID (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam). Ảnh: Green ID.

Ở Hà Nội, hiện nay có bao nhiêu trạm quan trắc, được đặt tại các vị trí nào? 

Hiện tại trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 10 trạm quan trắc do Sở Tài nguyên Môi trường thành phố lắp đặt và vận hành từ năm 2017, 1 trạm của Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Bắc, 1 trạm của Đại Sứ Quán Mỹ.

Bên cạnh đó, một số tổ chức như Trường Quốc tế Liên hợp quốc ở Hà Nội cũng chia sẻ dữ liệu đo chỉ số chất lượng không khí AQI. Ngoài ra, hiện nay, một số công ty tư nhân đang đẩy mạnh phát triển hệ thống cảm biến theo dõi không khí ngoài trời nhằm cung cấp thông tin hiện trạng chất lượng không khí cho cộng đồng.

Những nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động nhiều năm qua ở Hà Nội?

Ô nhiễm không khí có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như sự gia tăng của các nguồn gây ô nhiễm nội đô: tăng nhanh số lượng các phương tiện giao thông, các hoạt động xây dựng, các hoạt động sinh hoạt của người dân (như sử dụng bếp than, đốt rác thải,…). Ngoài ra, các nguồn thải bên ngoài theo hướng gió đặc biệt là từ các nhà máy nhiệt điện than, các khu công nghiệp hay ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ các nước láng giềng cũng ảnh hưởng tới miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng.

Ô nhiễm không khí đến từ rất nhiều nguồn nhưng tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có đủ nghiên cứu chỉ ra được đâu là nguồn chính và tỉ lệ đóng góp của từng nguồn trên. Vì vậy, rất cần những nghiên cứu sâu hơn để xác định đâu là nguồn chính để từ đó đưa ra hành động kiểm soát các nguồn chủ yếu là việc vô cùng cần thiết.

Bụi mịn hay còn gọi PM2.5 là một trong những chất gây ô nhiễm không khí, có đường kính từ 2.5 micromet trở xuống, vào khoảng 1/30 của sợi tóc. Vì kích thước nhỏ nên bụi PM2.5 có thể xuyên qua những chiếc khẩu trang hàng ngày của chúng ta, đi sâu vào phế nang phổi gây tác động tiêu cực tới sức khỏe.

Vì vậy, để tự bảo vệ chính mình, chúng ta nên cần lưu ý lựa chọn loại khẩu trang có khả năng ngăn bụi PM2.5 (như N95, N99 hoặc N100). Thường chỉ nên sử dụng trong vòng 8 tiếng (liên tục hoặc không liên tục), một số loại có thể có thời gian sử dụng lâu hơn (15 ngày với khẩu trang hãng AQBlue) hoặc có thể giặt để dùng lại (khẩu trang airphin) và một số loại khác. Một số thương hiệu phổ biến AQblue, Airphin, 3M,…

Hậu quả của ô nhiễm không khí đối với thiên nhiên, xã hội và đặc biệt tính mạng con người? Đằng sau đó, có những vấn đề nào liên quan đến chất lượng không khí mà chúng ta còn chưa hay biết?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây nên 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu của Việt Nam. Vấn đề sức khỏe thường gặp là những loại bệnh về đường hô hấp như viêm đường hô hấp cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, hen, các bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Cũng theo WHO, năm 2016, Việt Nam có khoảng 34.232 ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí. Trong đó có 11.189 ca đột quỵ; 3.845 ca viêm đường hô hấp dưới; 2.423 ca ung thư phổi, phế quản, khí quản; 10.741 ca thiếu máu tim cục bộ và 5.034 ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Liên Hợp Quốc từng công bố 10 sự thật về ô nhiễm không khí, về tác động của con người đối với ô nhiễm không khí và mối liên hệ của nó với biến đổi khí hậu.

Chuyên gia môi trường cảnh báo: Bụi mịn PM2.5 có thể xuyên qua những chiếc khẩu trang hàng ngày của chúng ta - Ảnh 3.

Có nhiều lý do dẫn đến việc ô nhiễm trầm trọng ở Hà Nội, một trong số đó là bụi mịn PM2.5.

1. Cứ mỗi một giờ đồng hồ là lại có 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, hay 13 người mỗi phút, gấp ba lần tổng số người tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm.

2. Một số chất gây ô nhiễm góp phần vào ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu bao gồm carbon đen hoặc bồ hóng – được tạo ra bởi quá trình đốt cháy không hiệu quả từ các nguồn năng lượng như bếp lò và động cơ diesel – và khí mê-tan.

3. Năm nguồn chính gây ô nhiễm không khí bao gồm đốt các nhiên liệu hóa thạch, gỗ và sinh khối để nấu ăn, sưởi ấm và thắp sáng nhà cửa; công nghiệp, bao gồm sản xuất điện như nhà máy đốt than và máy phát điện diesel; vận tải, đặc biệt là xe có động cơ diesel; nông nghiệp, bao gồm cả chăn nuôi, sản xuất khí mê-tan và amoniac, cánh đồng lúa, sản xuất khí mê-tan và đốt chất thải nông nghiệp; và đốt chất thải mở và chất thải hữu cơ trong các bãi chôn lấp.

4. Ô nhiễm không khí từ các hộ ra đình gây ra khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, phần lớn trong số họ từ các nước đang phát triển, và khoảng 60% số ca tử vong đó là ở phụ nữ và trẻ em.

5. 93% trẻ em trên toàn thế giới sống ở những khu vực ô nhiễm không khí vượt quá ngưỡng đưa ra của WHO với 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp trong năm 2016.

6. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân của 26% tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 24% tử vong do đột quỵ, 43% do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 29% do ung thư phổi. Ở trẻ em, nó dẫn đến trẻ sinh thiếu cân, hen suyễn, ung thư ở trẻ em, béo phì, phát triển phổi kém và tự kỷ, trong số các vấn đề về sức khoẻ khác.

7. 97% các thành phố ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có hơn 100.000 dân không đáp ứng mức chất lượng không khí tối thiểu của WHO và ở các quốc gia thu nhập cao, 29% các thành phố có mức ô nhiễm vượt quá mức tối thiểu.

8. Khoảng 25% ô nhiễm không khí xung quanh đô thị cùng các hạt bụi mịn từ các nguồn như giao thông, 20% do đốt nhiên liệu trong nước và 15% do các hoạt động công nghiệp bao gồm sản xuất điện.

9. Giảm thiểu ô nhiễm không khí bằng cách giữ cho nhiệt độ tăng dưới mức 2 độ C (3.6 độ F), như các nước đã cam kết thực hiện thảo Thoả thuận Paris 2015, có thể cứu sống khoảng một triệu người cho đến năm 2050.

10. Đối với 15 quốc gia phát thải khí nhiều nhất hành tinh, chi phí ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ cộng đồng ước tính hơn 4% GDP. Trong khí đó, việc giữ nhiệt độ tăng dưới mức tối thiểu theo Thoả thuận Paris chỉ cần 1% GDP toàn cầu.

Phát triển kinh tế không có nghĩa là người dân phải sống trong một thành phố có chất lượng không khí kém

Theo một số báo cáo, chất lượng không khí ở thành phố Hồ Chí Minh duy trì ở mức tốt hơn nhiều so với Hà Nội. Nguyên nhân nào dẫn đến sự khác biệt này?

Về cơ bản, các chất gây ô nhiễm không khí xuất phát từ nhiều nguồn, sự khác nhau giữa các nguồn đóng góp và tỉ lệ đóng góp của từng nguồn ô nhiễm ảnh hưởng đến sự khác biệt giữa chất lượng không khí ở hai thành phố, ngoài ra sự khác biệt về địa hình và khí tượng ở 2 thành phố cũng ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng phân tán chất ô nhiễm ở mỗi nơi. Vì vậy, vẫn cần có thêm những nghiên cứu và quan sát để có được câu trả lời chính xác giải thích sự khác nhau về hiện trạng chất lượng không khí ở hai thành phố này.

Người dân liệu có dành sự quan tâm đúng mực và nhận thức rõ ràng về vấn đề ô nhiễm không khí hay chưa?

Trong những năm gần đây ô nhiễm không khí luôn là một trong những mối lo ngại hàng đầu của người dân. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi trong năm 2016 và 2018 tại Hà Nội và TP.HCM chỉ ra 99% số người được hỏi có mối quan tâm về chất lượng không khí và chỉ có 4% tỏ ra hài lòng về chất lượng không khí.

Cũng trong năm 2018, kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Mê Công với 1.400 người từ 18 tuổi trở lên chỉ ra rằng ô nhiễm không khí xếp thứ 2 trong những vẫn đề lo lắng nhất của người dân Việt Nam. Cùng với đó, nhận thức về vấn đề này đã được cải thiện rõ rệt.

Khi chúng tôi lần đầu tiên thực hiện khảo sát vào năm 2016, vẫn có một tỉ lệ lớn người được hỏi không biết hoặc không để ý tới chỉ số chất lượng không khí (AQI) và bụi mịn PM2.5. Tuy nhiên, qua lần khảo sát thứ 2 và phỏng vấn người dân qua các sự kiện truyền thông chúng tôi thấy rằng người dân phần nào đã thay đổi và tự trang bị cho mình những giải pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe.

Mối quan tâm ngày càng tăng của người dân về chất lượng nước và không khí đòi hỏi chính quyền các cấp chú ý và có những hành động kịp thời để cải thiện chất lượng không khí.

Chuyên gia môi trường cảnh báo: Bụi mịn PM2.5 có thể xuyên qua những chiếc khẩu trang hàng ngày của chúng ta - Ảnh 5.

Đường Phạm Văn Đồng – một trong 3 đại công trình ô nhiễm nhất hiện nay ở Hà Nội.

Những nỗ lực nào của chính phủ, xã hội và các tổ chức để cải thiện chất lượng không khí của Hà Nội? Chúng ta có nên hướng tới một bộ luật riêng để có thể kiểm soát chất lượng không khí hiện nay?

Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc D.Tsering cho rằng, phát triển kinh tế không có nghĩa là người dân phải sống trong một thành phố có chất lượng không khí kém. Cuộc chiến chống ô nhiễm không khí không phải cuộc chiến của riêng ai, mà cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.

Trước thực trạng ô nhiễm không khí nêu trên, trong những năm qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng không khí, đặc biệt ở khu vực đô thị đến từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác nhau.

Hà Nội đã và đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, trong đó có kế hoạch đầu tư các trạm quan trắc trên địa bàn thành phố và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân về hiện trạng chất lượng không khí. Thêm vào đó, các tổ chức xã hội và các đối tác phát triển cũng đã có nhiều nỗ lực góp phần vào nâng cao nhận thức và thúc đẩy các giải pháp góp phần cải thiện chất lượng không khí và tăng cường sự tham gia của người dân.

Tuy nhiên để có thể giải quyết triệt để vấn đề ngày, GreenID chúng tôi cho rằng vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Việc có một luật riêng để kiếm soát chất lượng không khí, ví dụ như Đạo luật Không khí sạch như kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới là cần thiết. Ngoài ra, cũng cần kiểm soát chặt chẽ hơn các nguồn thải lớn như giao thông, công nghiệp (xi măng, thép, nhiệt điện,…) đồng thời thúc đẩy các ngành kinh tế pháp thải thấp nhằm giảm phát thải vào môi trường.

Đối với người dân, GreenID khuyến nghị để ứng phó với tình trạng ô nhiễm hiện nay, mỗi cá nhân hãy chủ động nâng cao hiểu biết về vấn đề này để có cách bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân, nhất là cho các em bé. Chọn khẩu trang có khả năng ngăn được bụi mịn cũng như tránh hoạt động mạnh ở bên ngoài trời khi không khí ô nhiễm và chỉ số chất lượng không khí cảnh báo ở mức không tốt hoặc nguy hại cho sức khỏe.

Quan trọng hơn, người dân hãy thay đổi thói quen sinh hoạt của mình như chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng hay hạn chế dùng bếp than, sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lương cũng như áp dụng các biện pháp để giảm thiểu giảm phát thải vào môi trường không khí.

Cảm ơn chị về buổi trò chuyện hôm nay!