Cả phụ nữ và đàn ông Việt đang bị lão hoá sớm hơn so với tuổi là do những sai lầm trong việc chăm sóc da.
Da lão hóa nhanh hơn so tuổi
Chị Phạm Thị Thanh V (28 tuổi, chủ một quán cơm tại Long An), do tính chất công việc thường xuyên phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và nhiệt nóng từ bếp lò, nhưng Chị V lại không có thói quen chăm sóc da và sử dụng kem chống nắng.
Cho nên chị V mới 28 tuổi, nhưng da như phụ nữ trên 35 tuổi với các dấu hiệu lão hóa: khô, nám, nhiều vết nhăn ở vùng trán và mắt.
Bệnh nhân đã đến Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM khám và được chẩn đoán bị lão hóa da sớm do tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và nhiệt độ cao. Chị V đã được thực hiện liệu trình trẻ hóa da, điều trị tăng sắc tố da, tư vấn sử dụng thuốc và chăm sóc da tại nhà.
Còn trường hợp của anh L.M.T (33 tuổi, ngụ tại TPHCM) đến khám bệnh viện khám trong tình trạng lỗ chân lông to, mụn trứng cá và nhiều sẹo rỗ, làn da thô ráp với nhiều nếp nhăn, khiến anh trông già hơn nhiều so với độ tuổi của mình.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán anh T bị lão hóa sớm do tự ý điều trị mụn bằng thuốc bôi trôi nổi, không biết bảo vệ da chống ánh sáng mặt trời.
Ngoài ra, anh T còn có thói quen hút thuốc lá, ít uống nước, không thường xuyên tập thể dục. Những sai lầm trên đã làm cho những vấn đề da ngày càng nặng hơn, gây cho anh mất tự tin khi tiếp xúc với khách hàng, bạn bè và người xung quanh.
Sau 3 tuần điều trị và thay đổi chế độ sinh hoạt tình trạng lão hóa của anh T đã được cải thiện.
TS. Lê Thái Vân Thanh chia sẻ, không biết cách bảo vệ dau khiến cho da bị lão hóa sớm, ảnh BVCC.
TS.BS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) cho hay, Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc biệt là ở miền Nam có những mùa cao điểm của nắng nóng gay gắt.
Do đó, người dân thường phải tiếp xúc và làm việc thường xuyên dưới thời tiết khắc nghiệt. Điều này dẫn đến những vấn đề về rối loạn tăng sắc tố da như nám da, đốm nâu, tàn nhang, hay thường gặp là tình trạng lão hóa da sớm, tiến triển nhanh vì không biết cách bảo vệ da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Quá trình lão hóa da diễn ra là do các sợi collagen và elastin trong da giảm dần, làm cho da giảm săn chắc và độ đàn hồi kém hơn. Sự sinh sản tế bào cũng chậm dần lại, gia tăng quá trình chết tế bào theo chương trình, gây lão hóa da tiến triển tích lũy theo thời gian.
“Quá trình lão hóa xảy ra trong tất cả các lớp da. Những thay đổi trong các lớp này sẽ thể hiện lên bề mặt da. Khi cơ thể già đi, quá trình tăng sinh cũng như tái tạo tế bào chậm dần và sự sản sinh lipid suy giảm khiến cho làn da bị thô ráp và sần sùi hơn”, bác sĩ Thanh nói.
Trên thực tế, quá trình lão hóa của cơ thể, đặc biệt là lão hóa da, diễn ra từ khá sớm, ngay khi bước sang ngưỡng tuổi 20 – 25.
Từ độ tuổi 25 trở đi, mỗi năm làn da bị mất đi 1% lượng collagen. Độ đàn hồi của da suy giảm, các nếp nhăn, tình trạng chảy xệ, chùng nhão da, vấn đề về sắc tố da với các thương tổn sạm nám, đốm nâu xuất hiện đặc biệt trên da.
Bác sĩ Thanh cho biết: “Trước đây, quan niệm chống lão hóa chỉ dành cho phụ nữ ở tuổi trung niên, khi mà các dấu hiệu lão hóa đã được nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, chính suy nghĩ như vậy dễ dẫn đến chậm quá trình điều trị chống lão hoá…“.
Làm gì để không bị lão hóa sớm
Bác sĩ Thanh cho hay, làn da đẹp trước hết là làn da sáng khoẻ. Chống lão hóa da là cần bảo vệ da khỏi những tác động gây hại, đặc biệt là ánh nắng mặt trời.
Bác sĩ đang tư vấn cho bệnh nhân, ảnh BVCC.
Để da khỏe nên bôi kem chống nắng đúng cách mỗi ngày; uống nhiều nước; duy trì chế độ ăn giàu rau xanh và trái cây; ngủ đủ giấc; giảm stress; nâng cao sức khỏe thể chất – tinh thần với hoạt động thể dục thể thao; không hút thuốc và không uống rượu bia…
Chị em khi làm đẹp cần lưu ý, khi chọn lựa các sản phẩm làm sạch da và dưỡng da, chúng ta cần cân nhắc dựa trên tiêu chí an toàn và hiệu quả, tránh việc sử dụng và lạm dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Việc dùng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến hệ lụy làm cấu trúc của hàng rào bảo vệ da và cấu trúc mô đệm của da bị phá huỷ, khiến da nhăn, chảy nhão, không đều màu.
Tuyệt đối, không dùng các sản phẩm bôi có trộn corticoids, các hóa chất ‘tẩy trắng da” mạnh như có chứa chất axit hoặc kiềm mạnh. Hệ lụy là gây tai biến da với các biểu hiện của một làn da “trắng xỉn và bị nghiện”, đó là teo da, dãn mạch, sạm da, rối loạn sắc tố loang lổ, mỏng da, dễ bị ngứa hay đỏ da, rất khó điều trị.
Bác sĩ Thanh khuyến cáo, việc điều trị lột da (peeling), lăn kim, laser, tiêm chất làm đầy (filler)… tại những cơ sở không đảm bảo chuyên môn và an toàn có thể dẫn đến những biến chứng thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng và gây tổn hại da vĩnh viễn.
Việc chống lão hóa cho một làn da khỏe mạnh không khó, nhưng điều trị hồi phục cho một làn da “bệnh và nghiện” là rất khó khăn bởi tính chất của da đã hoàn toàn thay đổi, trở nên “nhạy cảm và khó chịu” với bất kì phương thức điều trị nào.