Đó là chuyện của 2 cô giáo dành thời gian nghỉ ngơi của mình dạy chữ cho học trò mà không nhận 1 đồng tiền lương, là những học trò dù tất bật với công việc mưu sinh thì đêm đêm vẫn cắp sách đến lớp để ê a từng con chữ.
Đây là bài tập viết chính tả của Dớt – chàng trai 22 tuổi đang học lại lớp 1 ở Sài Gòn. Ngày còn bé, Dớt cùng cha mẹ rong ruổi khắp các cánh đồng lúa ở An Giang, cứ đều đặn 3 tháng 1 lần cả lại dắt díu nhau đi gặt lúa thuê để kiếm sống. Cũng vì vậy mà Dớt không thể đến trường như bao đứa trẻ khác.
15 tuổi Dớt lên Sài Gòn tìm một con đường mới. Không biết chữ, cậu nhờ người trong xóm trọ viết giùm lá đơn xin việc, nhưng chỉ nhận được lời dè bỉu: “Lớn như vậy rồi mà không biết chữ”.
Nếu Xi-Ôn-Cốp-Xki ước mơ bay lên bầu trời chạm đến những vì sao thì với Dớt ước mơ của cậu chỉ là tự tay viết 1 lá đơn xin việc.
Bài tập chính tả của Dớt.
Sáng đi làm, tối cắp sách đi học chữ
Lớp học cộng đồng Hoà Hảo ở quận Tân Phú vốn không còn xa lạ với người Sài Gòn, hơn 5 năm qua đây là nơi giúp đỡ trẻ em nghèo ở Sài Gòn có cơ hội học tập. Thế nhưng ít ai biết rằng ở đây còn có 1 lớp học vô cùng đặc biệt: lớp học dành cho người lao động chưa biết chữ.
Lớp học Hoà Hảo không còn xa lạ với người dân Sài Gòn.
Có rất nhiều anh chị là công nhân, hay người lao động có thu nhập thấp trước đây không có điều kiện đến trường. Không biết chữ, họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và cản trở trong công việc. Rảo cản về tuổi tác và gánh nặng về cơm áo gạo tiền khiến việc trở lại trường lớp khó khăn hơn.
Lớp học mở ra với mục đích dạy chữ miễn phí cho những người lao động có thu nhập thấp. Ban đầu lớp chỉ có khoảng 3 – 4 học viên tham gia. Họ là công nhân, lái xe, sửa xe… ban ngày tất bật với công việc mưu sinh đêm đêm lại cắp sách đến lớp ê a học từng chữ cái.
Lớp học nhỏ dày cho người lao động chưa biết chữ.
Nguyễn Văn Dớt (22 tuổi, An Giang) hiện đang công nhân cho một công ty điện tử. Cậu tâm sự: “Ngày còn nhỏ em theo cha mẹ đi gặt lúa thuê nên không đến trường được. Mấy năm trước em lên Sài Gòn làm công nhân, công ty tin tưởng muốn đưa em lên làm quản lý kho, nhưng em không biết chữ nên không làm được”.
Dớt không ngãi bắt đầu lại với lớp 1.
“Khi biết được lớp học chữ này em mừng lắm, nhưng ngày đầu tiên đến thấy đông quá, mà toàn các em nhỏ, nên ngại. Về nhà trăn trở cả tuần liền, cuối cùng em nghĩ sĩ diện làm gì trong khi mình cần con chữ” – thế là Dớt quyết tâm đến lớp học lại từ đầu như các em nhỏ.
Thương học trò thì mình phải kiên nhẫn
Lớp học rất đa dạng tuổi tác, có nhiều cô chú tuy đã 40 tuổi nhưng vẫn chăm chỉ đến trường học chữ. Cô Nguyễn Thị Sang kể: “Có 1 chú đã 40 tuổi, nhà cách đây 20km nhưng rất cố gắng học hành. Sau này chú bị bệnh không thể đi học được nữa, ai cũng tiếc cho chú”.
Dù tất bật với công việc mưu sinh nhưng vì tương lại họ vẫn cần mẫn với con chữ.
Chịu trách nhiệm giảng dạy cho lớp là 2 cô giáo vô cùng tận tuỵ. Cô Sang (55 tuổi) hiện là giáo viên mầm non, cô tâm sự: “Cô sắp nghỉ hưu rồi, con cái cũng trưởng thành, nên thời gian cũng thoải mái hơn trước, mình dành chút thời gian qua đây dạy cho các em biết chữ, việc cũng không mệt nhọc gì nhưng lại giúp các em ra đời đỡ khổ hơn”.
Cô Sang dành thời gian nghỉ ngơi của mình để dạy cho học sinh.
Mỗi ngày sau khi kết thúc công việc ở quận 6 cô Sang lại chạy sang Tân Phú để dạy học, xong xuôi thì trở về quận 8, chặng đưởng tuy có hơi vất vả nhưng cô chưa bao giờ chán nản mà bù lại rất vui. “Ngày nào mà không được đi dạy, không gặp học trò là thấy nhớ lắm đó con” – cô cười bảo.
Cô giáo thứ 2 của lớp là cô Tôn Nữ Thị Thu (58 tuổi) trước đây làm kế toán, sau khi về hưu cô tìm đến lớp để dạy chữ. “Hôm đó cô đi học Anh văn, đi ngang qua đây thì thấy có lớp dạy học miễn phí cho người lao động, thế là cô ghé vào để xin dạy học” – cô Thu chia sẻ.
Cô Thu luôn tận tâm với công việc của mình dù không nhận 1 đồng tiền lương nào.
Khó khăn lớn nhất của lớp là mỗi 1 học sinh có một trình độ khác nhau, các cô phải dạy theo khả năng cũa từng người, đồng thời gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng khiến việc học trở nên gian nan hơn. “Vì vậy nếu thương học trò mình phải kiên trì, không được nản” – cô Thu nói.
Các cô cười: “Làm cái gì mình vui thì mới trẻ lâu. Vậy nên cô yêu công việc này lắm!”.