Thủ tướng Israel Netanyahu đã khéo léo “lợi dụng” hình ảnh các Tổng thống Mỹ như ông Trump và ông Obama để truyền thông cho chiến dịch tranh cử của mình.
Ông Obama thành nhân vật truyền thông bất đắc dĩ?
Gần 8 năm trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tới thăm thủ đô Washington DC của Mỹ và có cuộc hội đàm cùng Tổng thống đương nhiệm khi đó là ông Barack Obama vào ngày 20/5/2011, về vấn đề đường biên giới giữa Israel-Palestine.
Trong cuộc hội đàm ấy, ông Netanyahu đã có lời đáp trả gần như là “lên lớp” ông Obama về chuyện đường biên giới năm 1967, trong khi vị Tổng thống Mỹ chỉ chống cằm lắng nghe trong suốt vài phút.
Và giờ đây, khi cuộc bầu cử Israel chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là diễn ra, vị Thủ tướng của Israel lại sử dụng đoạn video trên để phục vụ cho chiến dịch vận động tranh cử của mình.
Cụ thể, hôm thứ 5 (28/3) vừa qua, ông Netanyahu đã đăng tải lên tài khoản Twitter và Facebook của mình một phần phóng sự của đài PBS về đoạn clip trên, cùng dòng chú thích bằng tiếng Hebrew: “Tôi sẽ luôn luôn bảo vệ đất nước của mình trước mọi áp lực”.
Đoạn clip kết thúc với khẩu hiệu tranh cử của Thủ tướng Israel:“Netanyahu. Cánh hữu. Mạnh mẽ”.
Đoạn video cho thấy Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang “lên lớp” cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama
Cuộc hội đàm trên được tổ chức vài ngày sau khi ông Obama lên tiếng ủng hộ Palestine với phát biểu “đường biên giới giữa Israel-Palestine nên dựa trên đường biên giới có trước cuộc chiến 6 ngày năm 1967, thể theo các thỏa thuận đã được thống nhất giữa các bên”.
Ông Netanyahu khi đó đã “phản pháo” mạnh mẽ rằng tầm nhìn của đảng Dân chủ Mỹ về hòa bình Trung Đông là không hiện thực, đồng thời khẳng định lập trường không nhượng bộ của Israel trong vấn đề biên giới với Palestine.
“Điều đó sẽ không xảy ra. Mọi người đều biết điều đó sẽ không xảy ra, và tôi cho rằng đã tới lúc cần nói thẳng với người Palestine như vậy”, ông Netanyahu “lên lớp”, trong khi ông Obama yên lặng chống cằm lắng nghe.
Ông Ben Rhodes, cố vấn của cựu Tổng thống Obama, đã bình luận trong đoạn phóng sự của PBS như sau: “Tôi chưa từng chứng kiến lãnh đạo nước ngoài nào nói với [ông Obama] như vậy, cả ở những chốn công khai lẫn bên trong Phòng Bầu dục”.
Còn theo phóng viên của tờ New York Times tại Nhà Trắng Peter Baker, thì biểu hiện chống cằm của ông Obama cho thấy “mọi chuyện không hề tốt đẹp. Rõ ràng ông ấy bực bội vì bị ‘lên lớp’ ngay trong văn phòng của mình”.
Không chỉ cuộc họp này, mà trong suốt 2 nhiệm kỳ ông Obama làm Tổng thống Mỹ, hai nhà lãnh đạo còn có nhiều khoảnh khắc xung đột như vậy, điều mà cựu Ngoại trưởng John F. Kerry viết trong hồi ký của mình là “sự thiếu tôn trọng” của Thủ tướng Israel đối với ông Obama.
“Cú hích” trước thềm bầu cử
Được biết, Thủ tướng Netanyahu – hiện đang ở nhiệm kỳ thứ 4 – đang nỗ lực hết sức để giành được chiến thắng trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Tuy nhiên, ông Netanyahu cũng đang phải đối mặt với không ít áp lực từ cáo buộc tham nhũng và việc cạnh tranh với những đối thủ đáng gờm khác như cựu Tổng Tham mưu quân đội Israel Benny Grantz.
Quan hệ của hai nước Mỹ-Israel dưới thời Tổng thống Obama khá căng thẳng, tuy nhiên khi ông Donald Trump lên nắm quyền và thay đổi chính sách Trung Đông có lợi cho Israel, thì mối quan hệ giữa hai nước đã nồng ấm trở lại.
Vài tuần trước khi vị Thủ tướng này đăng tải đoạn video “lên lớp” cựu Tổng thống Mỹ Obama, đội ngũ tranh cử của ông cũng đã tung ra những tấm áp phích lớn về hình ảnh ông Trump và ông Netanyahu tươi cười bắt tay nhau.
Ngày 25/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Trump đã có cuộc gặp với Thủ tướng Israel Netanyahu tại Washington và kí kết tuyên bố công nhận khu vực Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel.
Cao nguyên Golan là vùng lãnh thổ thuộc Syria do quân đội Do Thái của Israel chiếm đóng từ năm 1967. Quyết định của ông Trump đã vấp phải nhiều lời chỉ trích là đi ngược lại với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, điều này được cho là “cú hích” rất có lợi đối với ông Netanyahu trước thềm bầu cử.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đưa ra quyết định gây tranh cãi trong vấn đề Trung Đông. Năm 2017, ông Trump cũng từng có quyết định làm nức lòng Israel khi công nhận Jerusalem (khu vực tranh chấp giữa Israel và Palestine) là thủ đô của nước này, sau đó ông còn ra lệnh chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem trong tháng 5/2018.