Chú trọng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Chăm sóc và giáo dục tốt cho trẻ em – những người chủ tương lai của nước nhà là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Nhận thức tầm quan trọng đó, những năm qua, Phú Thọ đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị – xã hội.

Chú trọng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ emGiờ học và chơi ở Trường Mầm non Bạch Hạc, TP Việt Trì.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 5/11/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” (Chỉ thị 20), Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 66-KH/TU, ngày 17/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để triển khai thực hiện. Theo đó, 100% các cơ sở đảng trong tỉnh đã tổ chức quán triệt, phổ biến Chỉ thị 20 đến cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động; tỉ lệ đảng viên được học tập, quán triệt đạt 100%. Qua đó, cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm đối với công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Ông Hoàng Xuân Đoài – Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết: Thực hiện Chỉ thị 20, Sở đã triển khai thực hiện tốt các chính sách cho trẻ em, quan tâm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 100% các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện qua việc lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đã có trên 150 hội nghị truyền thông trực tiếp cho gần 20.000 lượt người là cán bộ địa phương, cha mẹ, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em được tổ chức; hàng ngàn tờ gấp, tờ rơi, cẩm nang về kiến thức liên quan đến trẻ em được phát hành; các chương trình hành động vì trẻ em được xây dựng, triển khai thực hiện. Nhiều mô hình hỗ trợ, tiếp sức học sinh đến trường như nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trao học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập… Nhờ đó, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng phát huy hiệu quả, đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em có cơ hội tham gia, nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Hiện nay, không có trẻ em bỏ học cấp tiểu học, tỉ lệ học sinh THCS bỏ học dưới 1%, tỉ lệ trẻ em 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 100%; 100% trẻ em trong diện miễn giảm học phí và các chính sách ưu đãi giáo dục được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Công tác tiêm chủng mở rộng được duy trì thực hiện tại 100% xã, phường, thị trấn, đảm bảo chất lượng, an toàn. Các hoạt động dinh dưỡng 1.000 ngày vàng, hướng dẫn thực hành trình diễn bữa ăn bổ sung được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, đời sống tinh thần, vui chơi giải trí cho trẻ em được các cấp ủy, Đảng, chính quyền và gia đình quan tâm. Hệ thống các thiết chế văn hóa thông tin, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, tăng cường, phong trào thể dục thể thao trong và ngoài nhà trường được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có trên 1.900 CLB thể dục thể thao, 265 CLB văn hoá nghệ thuật, 20 CLB “Phóng viên nhỏ” thường xuyên hoạt động. Hàng năm, các đơn vị tổ chức từ 80 đến 90 giải thể thao dành cho trẻ em, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, phát triển toàn diện trí tuệ, thể lực của trẻ em…

Nhìn chung, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ Chính trị, các kế hoạch, chương trình của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, từng bước giảm thiểu sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các nhóm đối tượng trẻ em, góp phần ổn định an sinh xã hội trên địa bàn.

Tuấn Phương

Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/xa-hoi/chu-trong-cham-soc-giao-duc-va-bao-ve-tre-em/191049.htm