Thượng đỉnh lịch sử Nga-Triều: “Kho báu” 6 nghìn tỉ USD của Triều Tiên sẽ sớm vươn ra thế giới?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Các chuyên gia cho rằng mặc dù sẽ không có tuyên bố chung ở thượng đỉnh Nga – Triều, nhưng cuộc gặp sẽ đem lại những hi vọng mới cho cả 2 nước và thế giới.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un – cũng như tổng thống Nga Vladimir Putin – đã nhận được những cử chỉ nồng nhiệt, thân thiện từ tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng cuối cùng vẫn phải “cay đắng” trước những đòn cấm vận, trừng phạt của Mỹ. Trong những ngày này, ông Kim sẽ có cuộc gặp hiếm hoi với ông Putin để bàn luận về tương lai khu vực.

Interfax dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết, ông Kim đã rời Triều Tiên bằng tàu hỏa và tới Nga vào ngày 23/4. Cuộc gặp của ông Kim Jong Un và ông Putin tại Vladivostok sẽ là kì thượng đỉnh Nga – Triều Tiên lần đầu tiên kể từ khi ông Kim lên nắm quyền tại Bình Nhưỡng.

Cuộc gặp này – được thực hiện vào thời điểm gần một năm sau lời mời của Nga – cho thấy ông Kim đã có những nguồn hỗ trợ khác kể từ sau khi thượng đỉnh Mỹ – Triều với ông Trump tại Hà Nội không đạt được những thỏa thuận như mong muốn.

Mặc dù ông Putin không thể hỗ trợ quá nhiều về tài chính và khó có thể vi phạm lệnh cấm vận hoặc làm điều gì đó trái lại nguyện vọng của Mỹ, ông Kim vẫn có thể nhờ cậy vào những sự ủng hộ về mặt kinh tế và ngoại giao từ phía Nga.

Thượng đỉnh lịch sử Nga-Triều: Kho báu 6 nghìn tỉ USD của Triều Tiên sẽ sớm vươn ra thế giới? - Ảnh 1.

Cờ Triều Tiên và cờ Nga ở ngoài nhà ga ở thành phố Vladivostok, ngày 24/4. Ảnh: Yonhap via EPA-EFE

Theo Yuri Ushakov, một chuyên gia về chính sách đối ngoại, mặc dù điện Kremlin đã đề cao tính quan trọng của cuộc gặp mặt, nhưng hai lãnh đạo dường như sẽ không đưa ra tuyên bố chung và cho tới nay vẫn không có kế hoạch kí kết tài liệu chính thức nào.

Dưới đây là những điều mà ông Kim có thể sẽ “nhờ” Nga trong cuộc gặp:

1. Thúc đẩy quan hệ ngoại giao

Rất nhiều điều đã thay đổi kể từ khi Joseph Stalin giúp đỡ nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành trong việc xây dựng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sau thời kì Thế Chiến 2, cả trong giai đoạn Liên Xô tan rã và giữa bối cảnh Trung Quốc trở thành một quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn tới Triều Tiên.

Ông Putin vẫn duy trì ảnh hưởng của Nga tới bán đảo Triều Tiên, cho phép người lao động Triều Tiên làm việc tại Nga, tham dự đàm phán sáu bên về hạt nhân Triều Tiên, nhưng tới nay chưa hề gặp ông Kim Jong Un.

Cả ông Kim và ông Putin đều sẽ gặt hái được những thành tựu nhất định trong cuộc gặp lần này. Ông Kim muốn tiếp nối thành công của hàng loạt chuyến thăm nước ngoài hồi năm ngoái và chứng tỏ cho ông Trump thấy rằng Triều Tiên không chỉ có đồng minh là Trung Quốc.

Đối với điện Kremlin, cuộc gặp là cơ hội để cho thấy Nga vẫn là một quốc gia có tầm ảnh hưởng đối với những vấn đề toàn cầu – vốn đang bị lấn át bởi Trung Quốc và Mỹ. “Đối với ông Putin, đảm bảo cho sự hiện diện của Nga trên thế giới là điều quan trọng. Nhờ vấn đề Triều Tiên mà quan hệ Nga – Mỹ đã có những bước tiến tích cực,” Georgy Toloraya, giám đốc Trung tâm Chiến lược Châu Á, nói.

Thượng đỉnh lịch sử Nga-Triều: Kho báu 6 nghìn tỉ USD của Triều Tiên sẽ sớm vươn ra thế giới? - Ảnh 2.

Người dân ở một ngôi làng ở biên giới Trung Quốc – Nga. Ảnh: AFP

2. Gỡ bỏ cấm vận

Nga đã theo chân Trung Quốc về vấn đề cấm vận, cùng Bắc Kinh ủng hộ trừng phạt của Liên Hợp Quốc khi ông Kim thử vũ khí hủy diệt hàng loạt. Khi ông Kim dừng các hoạt động, Nga kêu gọi gỡ bỏ cấm vận. Phiếu phản đối của ông Putin tại Hội đồng Bảo an LHQ có thể cho phép ông loại bỏ được một số cấm vận dựa trên cơ sở rằng những cấm vận này vi phạm điều khoản bảo vệ và gây ra “những hậu quả nhân đạo kinh hoàng”.

Tuy nhiên, Nga vẫn cam kết tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an và dường như không có dấu hiệu ông Putin sẽ vi phạm những điều khoản ấy.

3. Tạo điều kiện cho người lao động

Theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an, từ giờ tới cuối năm, các quốc gia sẽ phải trục xuất người lao động Triều Tiên. Triều Tiên đã gửi hàng chục nghìn công dân theo diện xuất khẩu lao động tới Nga và Trung Quốc. Nhóm này đã gửi về cho Triều Tiên hơn 500 triệu USD mỗi năm – chiếm 1,5% nền kinh tế đất nước.

Thượng đỉnh lịch sử Nga-Triều: Kho báu 6 nghìn tỉ USD của Triều Tiên sẽ sớm vươn ra thế giới? - Ảnh 3.

Triều Tiên chắc chắn sẽ muốn Nga cho phép những người lao động ở lại – nhà lập pháp Nga Fedot Tumusov trả lời hãng Interfax. Những vùng cư dân thưa thớt ở vùng Viễn Đông Nga đã ngày càng trở nên phụ thuộc vào người lao động nước ngoài, đặc biệt trong các ngành xây dựng và khai thác gỗ.

Mặc dù chính quyền địa phương có thể nới lỏng các điều khoản, nhưng nghị quyết LHQ yêu cầu từ nay cho tới cuối năm, tất cả người Triều Tiên phải trở về nước. Do đó, khó có khả năng sẽ có nhượng bộ cho tầng lớp này.

4. Tuyến đường giao thông

Sau nhiều thập kỉ cấm vận, kinh tế trì trệ và đầu tư quá nhiều vào quân sự đã khiến cơ sở hạ tầng của Triều Tiên gặp nhiều vấn đề. Nga, quốc gia có chung 17 km đường biên giới với Triều Tiên, mong muốn nâng cấp các tuyến đường để có thể tiếp cận được thị trường Triều Tiên và Hàn Quốc.

Ông Kim đã tìm cách cải thiện hệ thống đường sắt để có thể chở hàng hóa Hàn Quốc tới Trung Quốc, châu Âu và tăng cường xuất khẩu nguồn khoáng sản trị giá ước tính đạt 6 nghìn tỉ USD – theo số liệu từ Viện Tài nguyên Triều Tiên ở Seoul.

Nếu thành công, việc hợp tác hiện đại hóa tuyến đường sắt sẽ giúp Triều Tiên có thêm các nguồn thu nhập và giúp thế giới có nguồn cung cấp khoáng sản chất lượng cao mới.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói hồi tháng 12/2018 rằng Mosvka mong muốn hợp tác cùng hai miền bán đảo Triều Tiên để nâng cấp tuyến đường sắt và thúc đẩy giao dịch tới các khu vực ở cả 3 quốc gia.

5. Hệ thống giao dịch

Với khối lượng trao đổi hàng hóa đạt hơn 56% vào năm ngoái, Nga và Triều Tiên đã bắt đầu tìm ra cơ chế để thúc đẩy thương mại mà không vi phạm cấm vận – tở Kommersant viết hôm 21/4.

Hai bên sẽ tiếp tục vận chuyển các loại hàng hóa không nằm trong danh sách cấm vận và tránh những rủi ro từ trừng phạt tài chính thông qua việc giao dịch không dùng tiền mặt. Đại diện của điện Kremlin từ chối bình luận về khả năng này.

“Nga có thể đồng ý bán hàng loạt những loại hàng hóa mà phương Tây không muốn bán. Triều Tiên được xem như là một đối tác nguy hiểm mà thậm chí các doanh nghiệp cũng không dám làm ăn cùng nếu được cho phép,” Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul, nhận định.