“Mười lăm năm sau, khi con gái thi đỗ vào trường chuyên, chồng tôi mới kể lại kỷ niệm đó. Câu nói của tôi năm ấy làm anh nhớ mãi và thay đổi đến hôm nay…” – Trang Hạ chia sẻ
Cuộc sống hôn nhân, gia đình luôn có rất nhiều thử thách, vô số việc ập đến đòi hỏi người trong cuộc phải thực sự bản lĩnh để vượt qua.
Và nếu biết tha thứ, yêu thương, lắng nghe lẫn nhau, gia đình sẽ hạnh phúc hơn – đó là điều mà nhà văn Trang Hạ chiêm nghiệm được sau cuộc hôn nhân gần 20 năm.
Chị Trang Hạ kể câu chuyện từ chính gia đình mình, sự việc diễn ra vào một đêm đông Hà Nội trước Tết Nguyên đán, cách đây gần 20 năm – khi ấy chị đang mang thai con gái đầu lòng:
Câu chuyện từ chính cuộc hôn nhân của mình được nhà văn Trang Hạ – một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng xã hội của Việt Nam 2017 do Forbes bình chọn, chia sẻ.
“Tối hôm ấy trời rét căm căm, chồng tôi đi sinh nhật bạn, hát karaoke về đã 1 giờ sáng. Năm đó, tôi đang mang bầu con gái đầu lòng, bụng chửa vượt mặt, nằm co ro trong chăn chờ chồng đi chơi về, không thể nào ngủ được.
Mẹ chồng tôi mắng từ lúc nghe tiếng mở cửa lạch xạch: thằng kia mày sắp là bố trẻ con rồi mà còn vô trách nhiệm, đi đâu giờ này mới về? Còn tôi chỉ ló đầu ra khỏi chăn hỏi: “Anh có đói không? Có ăn gì không em đi mua cho”.
15 năm sau này, khi con gái thi đỗ vào trường chuyên, chồng tôi mới kể lại kỷ niệm đó. Câu nói của tôi năm ấy làm anh nhớ mãi và thay đổi đến hôm nay.
Vợ mình bụng chửa vượt mặt còn sẵn sàng nửa đêm ra khỏi chăn ấm đi mua đồ, xuống bếp nấu bát mì trứng nóng, trong khi mình không làm gì để chăm sóc vợ? Đáng lẽ mình phải là người đi mua đồ ăn, xuống bếp nấu cho cô ấy mới phải.
Anh nhớ cả chuyện thấy tôi cứ lủi thủi ôm bụng bầu đi bộ buổi tối nên lần đầu tiên đi cùng cho tôi vui.”
Hành động của nhà văn Trang Hạ năm xưa, qua câu chuyện chị kể thực khiến nhiều chị em phụ nữ cảm thấy vài phần nể phục.
Người vợ đang mang thai, lại là con đầu lòng ắt hẳn sẽ rất tủi thân, nhạy cảm, cần sự quan tâm, chăm sóc của chồng. Do đó chị hoàn toàn có quyền nổi giận, quát tháo khi chồng vô tâm, đi chơi về muộn để vợ bầu ngóng trông đến mức không ngủ được.
Thế nhưng, nữ nhà văn lại kìm nén sự bực bội, buồn tủi của mình. Chỉ bằng sự quan tâm săn sóc thay vì giận dữ, câu nói của chị đã khiến người chồng tự ngẫm lại mình để thay đổi.
Theo nữ nhà văn thì phụ nữ chính là một phần quyết định trong cuộc sống để gia đình luôn vui vẻ, đầm ấm.
Lý giải cho hành động khi ấy của mình, nhà văn Trang Hạ chia sẻ: “Phụ nữ không phải cứ thứ tha là không cứng rắn. Tôi cũng muốn chồng thay đổi, muốn được làm nũng khi mang bầu…
Nhưng tô phở, mì, miến, bữa điểm tâm giữa đêm đông năm ấy, nếu tôi tính sổ với chồng, phải là chồng bưng đến bên giường cho tôi mới đúng thì chưa chắc anh sẽ thay đổi.
Nhưng may sao tôi ngây thơ và thực tâm, tôi hỏi thực lòng, sẵn lòng vào bếp vì chồng. Chính sự chân thành ấy lại giúp vợ chồng tôi hiểu nhau hơn so với việc lấy lý lẽ ra so kè.”
Câu chuyện của nữ nhà văn hiện đang nhận được hàng nghìn lượt thích của dân mạng, nhiều người gật gù tán thành với bí quyết để có được hôn nhân bền chặt, hạnh phúc mà chị chia sẻ – đó chính là học cách quên để tha thứ!
Câu chuyện của chị Trang Hạ nhận được sự đồng cảm của dân mạng.
Bàn về bài học quên – để – tha – thứ, chị tâm sự: “Tôi đã quên rất nhiều thứ trong cuộc sống hôn nhân này. Tôi quên những lời mắng nhau khi giận dữ, những lần dỗi hờn, mặt sưng mày sỉa, bữa cỗ nấu thiếu món, đi chợ mua đồ bị tráo mớ tôm tươi thành tôm chết, để quên nồi trên bếp cháy quá lửa, bữa cơm chờ mãi nguội ngắt…
Chồng tôi cũng quên những bữa tôi đãng trí; lời phàn nàn của họ hàng về tính khí thất thường, lãnh đạm của tôi; lời nói dối chồng để quyết tâm đi du học thạc sỹ của tôi.
Anh quên cả những ngày dắt con đi học buổi sáng, hàng xóm ngồi xổm dọc đường trêu chọc làm chồng mà phải cho con đi ăn sáng, cho con đi học, không xứng mặt làm đàn ông…
Một cuộc hôn nhân hạnh phúc hay không, chỉ hai người biết. Nhưng cuộc hôn nhân đau khổ hay không, cả xã hội đều biết.
Nếu đám đông dễ dàng nhìn thấy những thứ tồi tệ thì người phụ nữ càng phải giữ được những thứ tốt đẹp mà cuộc sống của mình đang có. Tên của quên là tha thứ.
Ngày hôm nay, khi con gái sắp sửa đi du học, vợ chồng tôi nhìn lại cuộc hôn nhân gần hai mươi năm qua, rút ra chiêm nghiệm như thế. Nhà là nơi duy nhất chúng ta sống không tính sổ với nhau, được nhận quyền trợ giúp vô điều kiện.”
“Phụ nữ hiện đại không cần phải quá ghì chặt mình vào gian bếp mỗi ngày nếu đấy không là việc làm chị em thoải mái. Nhưng nếu yêu thương thực lòng, phụ nữ sẵn sàng vào bếp mà không hề gượng gạo, tính suy.
Chồng cũng thực lòng nên tự thay đổi, không cần ai hô hào. Từ chối những đám chơi khuya, trồng cho vợ cây hoa hồng bạch bé xíu, ở bên khi vợ cần, dù cô ấy chỉ là một bà vợ đãng trí, đểnh đoảng, giận thường nói nhiều, đấy có phải sự thứ tha..”
Quả thực, có những khi, thứ tha hiểu đơn giản là yêu thương. Nếu mỗi người đều bỏ qua những gì người ngoài nói và lắng nghe thật kỹ nửa kia nói, thì sẽ dễ dàng để hiểu và thứ tha cho nhau hơn.
Tha thứ không cần nhân danh yêu thương và không quan trọng bạn giàu hay nghèo, thứ tha sẽ mang lại hạnh phúc bền chặt và sự thấu hiểu lẫn nhau.