Chôn trộm chất thải nguy hại ở Sóc Sơn: Giám định mẫu chất thải rắn và mẫu nước

Hiện trường các hố chôn chất thải.

Luật sư nêu quan điểm, trong vụ chôn trộm chất thải ở Sóc Sơn, lãnh đạo các cấp chính quyền hành động quá chậm chạp, cơ quan chức năng cần xem xét làm rõ trách nhiệm để xử lý.

Ngày 14/12, Công an huyện Sóc Sơn vẫn đang phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ vụ chôn trộm chất thải trên địa bàn xã Bắc Sơn.

Hai ngày trước, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, bước đầu đã xác định số hóa chất chôn trộm trong các hố đất là chất thải nguy hại, chủ yếu là loại mủ pin điện thoại và các chất axít hữu cơ, kim loại nặng.

TS Hoàng Dương Tùng (chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường) đánh giá, thường những loại chất thải này phải tốn rất nhiều chi phí để xử lý, quy trình thực hiện cũng phải được kiểm soát chặt chẽ. Ông cũng không loại trừ nghi vấn rằng, thay vì để đưa đi xử lý theo quy định thì cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp nào đó đem đi chôn lấp, vì việc làm này đem lại lợi nhuận.

Cần xem xét, làm rõ trách nhiệm các cán bộ để xử lý

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết nếu cá nhân, tổ chức nào chôn lấp thải nguy hại ra môi trường từ 5.000 kg trở lên sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Đối với vụ việc xảy ra tại xã Bắc Sơn, số chất thải nguy hại được chôn lấp ngay gần nguồn nước sinh hoạt, nước tiêu nông nghiệp, luật sư Lực nói nếu không xử lý kịp thời, đúng cách, sau một thời gian toàn bộ đất, nước ngầm, không khí khu vực sẽ bị ô nhiễm, phát sinh nhiều hệ lụy như gây bệnh tật, sức khỏe người dân sinh sống xung quanh ảnh hưởng.

Vị luật sư cũng phê phán cơ quan chức năng ở cấp xã, huyện, vì họ đều biết rõ trách nhiệm phải làm gì khi nhận trình báo của người dân nhiều tháng trước, nhưng chỉ đến khi cơ quan báo chí, mạng xã hội phản ánh, sự thật không thể che dấu được họ mới vào cuộc. Điều này thể hiện thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu đạo đức công vụ của một số bộ phận cán bộ, công chức.

“Tôi cho rằng, cơ quan chức năng cần phải xem xét, làm rõ thêm trách nhiệm các cán bộ, trường hợp gây hậu quả nghiệm trọng thì nên xử lý về tội ‘Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ theo Điều 360, Bộ luật Hình sự.

Còn với trường hợp cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp nào có hành vi đổ trộm số chất thải nguy hại trên đã vi phạm luật hình sự được quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự về tội ‘Gây ô nhiễm môi trường’, cần có hình thức xử phạt nghiêm khắc”, luật sư Quách Thành Lực nêu quan điểm.

Chôn trộm chất thải nguy hại ở Sóc Sơn: Giám định mẫu chất thải rắn và mẫu nước - Ảnh 2.

Đoàn công tác Bộ TN&MT đến hiện trường lấy mẫu chất thải.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm báo cáo vụ việc

Cũng liên quan đến vụ việc này, chiều 13/12, các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp xuống hiện trường chôn trộm chất thải ở thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đã chỉ định Viện Công nghệ môi trường, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng lấy mẫu để giám định. Đơn vị trên sẽ lấy mẫu, đem đi giám định độc lập. Bên cạnh lấy mẫu, đoàn công tác kiểm tra thêm phạm vi ảnh hưởng. Sau khi có kết quả, Bộ sẽ yêu cầu thu gom những chất thải này đưa về xử lý.

Bên cạnh việc lấy mẫu chất thải rắn tại những hố chôn được người dân phát hiện, các cơ quan chức năng còn tiến hành lấy cả mẫu nước để giám định.

Cũng theo vị đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi có kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm, Bộ sẽ thông tin đến người dân.

Tháng 7/2019, gia đình ông Đặng Văn Tư (SN 1966, trú tại thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn) và hàng xóm phát hiện mùi hôi bốc lên từ khu vực trồng cây lâu năm của gia đình.

Sau đó, ông Tư thuê máy xúc đào lên và phát hiện nhiều bao tải chứa chất thải màu đen, có dạng bột, bốc mùi được chôn trong các hố sâu, vùi lấp sơ sài. Sau đó, ông Tư trình báo sự việc lên UBND xã, đồng thời viết đơn gửi Đồn công an Trung Giã (Công an huyện Sóc Sơn) phản ánh sự việc.

Theo ông Tư, khi mới đào hố lên, mùi hôi thối xộc lên rất nặng. Khi gặp nước, chất thải này sủi bọt, vài ngày sau thì đông cứng lại thành từng tảng.

Tới sáng 9/12, ông Tư tiếp tục thuê máy xúc xúc đất ở một số điểm khả nghi trong khu đất lâm nghiệp mà gia đình ông được giao quản lý, sử dụng tại núi Sú. Bất ngờ hơn, tại tất cả những vị trí này khi đào lên đều có các bao tải chứa rác được vùi lấp thô sơ, mỗi hố chôn rộng khoảng chục mét vuông, sâu vài mét.

Sự việc khiến gia đình ông Tư hoang mang, lo lắng.

Đáng chú ý, tại khu đất của anh Đặng Văn Đại (cháu ông Tư) cũng phát hiện nhiều hố chôn những chất lạ bốc mùi hôi thối.

Hoàng An, theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/thoi-su/chon-trom-chat-thai-nguy-hai-o-soc-son-giam-dinh-mau-chat-thai-ran-va-mau-nuoc-820191412133137694.htm