Chợ truyền thống tìm lại chỗ đứng trong giai đoạn mới

Chợ truyền thống vốn được coi là điểm mua, bán chính của người dân gắn với nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, ấn tượng của mỗi địa phương. Tuy nhiên, khi nhịp sống xã hội phát triển, những hình thức mua, bán, trao đổi hàng hóa ngày càng thuận tiện hơn với các cửa hàng tiện lợi, siêu thị… cộng với những thay đổi về tâm lý, thói quen mua sắm của người dân khiến chợ trên địa bàn tỉnh dần mất đi những giá trị vốn có. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý cần có những giải pháp phù hợp quản lý, đầu tư phát triển một cách bền vững, văn minh để chợ duy trì được sức cạnh tranh, tìm lại chỗ đứng trong giai đoạn mới. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 108 chợ, trong đó 1 chợ hạng I, 12 chợ hạng II và 93 chợ hạng III. Chợ có thế mạnh là đa dạng hàng hóa, người bán “chuyên sâu” về một mặt hàng nhất định, giá cả phù hợp. Sản phẩm tươi ngon hơn những kênh mua sắm trực tuyến, nhất là những mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt cá, rau, củ quả… Trước kia, tiểu thương không chỉ là người mưu sinh mà còn truyền bá văn hóa, nét đẹp truyền thống của địa phương tại chợ. Với người dân khi đến chợ, không đơn thuần là mua, bán mà còn thể hiện nếp sống, nét văn hóa; gặp gỡ, tương tác xã hội, tương tác cộng đồng…

Hiện nay lượng khách đến chợ có xu hướng giảm mạnh, giảm nhiều nhất là khách đi chợ mua vải, hàng tạp hóa, quần áo, giày dép, vật liệu, phụ kiện máy móc, phụ gia thực phẩm, đồ dùng gia đình. Nguyên nhân chính, do chuyển dịch thói quen mua sắm. Người dân ngày càng quan tâm an toàn vệ sinh thực phẩm, mua sản phẩm nguồn gốc rõ ràng… trong khi chợ truyền thống vẫn còn tình trạng bán không đúng giá, hàng không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc… Kênh bán lẻ này cũng chịu sức ép cạnh tranh của siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng chuyên doanh, tiện lợi, các sàn thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến phát triển nhanh, thu hút nhiều người tiêu dùng cả ở thành thị và nông thôn.
Đặc biệt, tại thành phố, hàng loạt siêu thị, cửa hàng tiện lợi được mở ra ở những khu đông dân cư, hình thức mua bán, thanh toán nhanh, có thể dùng tiền mặt, quẹt thẻ, chuyển khoản… Toàn tỉnh hiện có 3 trung tâm thương mại, 24 siêu thị, hơn 300 cửa hàng tiện ích. Hàng hóa phong phú, đa dạng, nguồn gốc rõ ràng, đóng gói nhiều kích cỡ, trọng lượng để thuận lợi cho khách hàng. Thời gian mở cửa từ sáng sớm đến khuya. Bên cạnh đó, những cơ sở kinh doanh này còn thường xuyên có chương trình khuyến mãi như: Giảm giá, tặng sản phẩm đi kèm… thu hút khách hàng và dần thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân. Một phần nguyên nhân còn do bất cập trong kinh doanh và công tác quản lý chợ, từ đầu tư cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, mô hình quản lý, nhận thức của ban quản lý và tiểu thương đến quy hoạch phát triển thương mại địa phương… Những vấn đề này dẫn đến thị phần của chợ truyền thống bị thu hẹp. Nếu không có sự thay đổi kịp thời để tăng sức cạnh tranh, sẽ khó tồn tại và phát triển.

Chợ Thứa (Lương Tài) là một trong những chợ chuyển đổi sang hình thức quản lý theo mô hình doanh nghiệp đem lại hiệu quả thiết thực.

Trên thực tế, chợ truyền thống có thể thay đổi được để tồn tại, phát triển mạnh mẽ với sự đầu tư về hạ tầng và tầm nhìn mang tính chiến lược lâu dài nhằm thu hút người dân. Đặc biệt, Bắc Ninh thu hút hàng vạn lao động ở các tỉnh, thành phố khác đến sinh sống và làm việc, đây là lợi thế, tiềm năng vô cùng lớn, “chìa khóa” để mở ra cơ hội thay đổi, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của chợ truyền thống trong xu thế hội nhập. Vì vậy, để tạo dựng được vị trí, các chợ truyền thống cũng phải tạo cho mình những cơ chế riêng về giá cả, thị trường cạnh tranh, chất lượng an toàn thực phẩm; phát huy được những thế mạnh của chợ như kinh doanh đồ tươi sống và từng bước khắc phục những bất cập của chợ về hạ tầng cấp thoát, nước, vệ sinh môi trường; cập nhật, tiếp cận những phương thức bán hàng mới, phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong thời kỳ thương mại điện tử…
Ông Lưu Bảo Trung, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Bắc Ninh đầu tư xây dựng, chuyển đổi hình thức quản lý chợ theo mô hình doanh nghiệp tại chợ trung tâm thị trấn Phố Mới (Quế Võ), chợ trung tâm thị trấn Gia Bình (Gia Bình) và chợ Thứa (Lương Tài)… Triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Nam Sơn (TP Bắc Ninh); chợ thị trấn Chờ (huyện Yên Phong); chợ Giầu (TP Từ Sơn). Thực hiện dự án “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ trung tâm thị trấn Phố Mới (Quế Võ)… Theo đó, lượng khách đến mua sắm tại những chợ này cũng đông hơn hẳn so với các chợ khác trong tỉnh. Thời gian tới, Sở tập trung thực hiện việc đổi mới quản lý theo mô hình “đầu tư công, quản trị tư”; thu hút đầu tư nâng cấp, xây mới chợ, nhất là đối với các chợ nông thôn; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động các tiểu thương đổi mới tư duy, phương thức kinh doanh, mạnh dạn đưa các hoạt động thương mại điện tử vào chợ truyền thống; tập huấn tiểu thương tiếp cận bán hàng trực tuyến, bán livestream, nâng cao chất lượng phục vụ; tạo dựng lòng tin với khách hàng bằng việc bán những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết… nhằm đáp ứng tốt hơn nữa những nhu cầu, thói quen mua bán hàng hóa của người tiêu dùng và hướng tới đáp ứng xu thế phát triển hiện đại, nhưng vẫn giữ được những giá trị vốn có của chợ truyền thống…
Đại diện Cục Quản lý thị trường cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan tuyên truyền, ký cam kết với các tiểu thương tại các chợ về việc không bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết… góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa tại chợ.
Các tiểu thương tại chợ cũng chia sẻ sẽ chấp hành nghiêm các quy định trong lĩnh vực kinh doanh. Ngoài bán hàng theo phương thức truyền thống, sẽ nghiên cứu, phát triển thêm những phương thức bán hàng mới phù hợp với xu hướng mua sắm của người dân; thay đổi phong cách phục vụ theo hướng văn minh… để có thể giữ chân và thu hút thêm khách hàng.
Nếu làm được như vậy, tin rằng sức sống của chợ truyền thống sẽ duy trì, phát triển vững mạnh song song cùng hệ thống bán lẻ hiện đại, kênh thương mại điện tử, đáp ứng xu thế tiêu dùng của người dân.

Quang Minh

Nguồn Báo Bắc Ninh: https://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-kinh-te/-/details/20182/cho-truyen-thong-tim-lai-cho-ung-trong-giai-oan-moi