Cấy phân có tiềm năng điều trị nhiều bệnh, từ bệnh đường tiêu hóa cho đến Alzheimer, đa xơ cứng thậm chí cả tiểu đường.
Trên đời có rất nhiều người đặc biệt, theo cách này hay cách khác. Nhưng một nghiên cứu mới được công bố trong tuần này cho thấy: ngay cả tiêu chí chúng ta dùng để xếp loại họ cũng đặc biệt không kém.
Các nhà khoa học lập luận rằng, trong số chúng ta có một nhóm người siêu việt mà phân của họ có thể dùng để cứu sống những người khác.
Đúng vậy đấy, bạn không nghe nhầm đâu. Những người này có thể hiến phân của họ, trong đó, chứa các vi sinh vật có lợi, để cấy sang cho những bệnh nhân mắc bệnh tiêu hóa. Nếu cấy phân của người bình thường, những bệnh nhân này không thể khỏi, nhưng nếu cấy phân của nhóm người siêu việt, tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên tới hơn 90%.
Phân của một số người – biết đâu bao gồm cả bạn – có thể được dùng để cứu sống những người khác
Không khó để tưởng tượng, phân của chúng ta chứa rất nhiều vi khuẩn đến từ đường ruột, nơi chúng đã hình thành và đi qua. Ở đó, có hẳn một thế giới sống mà chúng ta vẫn gọi là hệ vi sinh vật đường ruột.
Các vi khuẩn này không những giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn, mà chúng còn góp vai trò vào xây dựng hệ thống miễn dịch giúp cơ thể bạn khỏe mạnh.
Thế nhưng, hệ vi sinh đường ruột đôi khi cũng nổi loạn và bị mất cân bằng, dẫn đến một số vấn đề tiêu hóa hoặc thần kinh. Chẳng hạn như nếu một vi khuẩn có tên là Clostridium difficile phát triển quá mạnh trong đó, bạn sẽ bị tiêu chảy mạn tính.
Trong những năm gần đây, một biện pháp y tế lạ lùng gọi là cấy ghép phân -chính xác là vi sinh vật có trong phân (FMT) đã ra đời, và được công nhận là phương pháp hiệu quả giúp khôi phục cân bằng hệ vi sinh vật cho bệnh nhân.
Ví dụ, khi họ nhiễm C. difficile tái phát, cấy ghép phân đã đạt tới tỷ lệ chữa khỏi cao hơn 90%, một kỳ tích đáng kinh ngạc vượt xa các phương pháp điều trị khác.
Điều này đã khiến các bác sĩ hy vọng cấy ghép phân có thể trở thành phương thuốc chữa bách bệnh liên quan đến hệ vi sinh vật đường ruột, chẳng hạn như bệnh viêm ruột (IBD) hoặc thậm chí cả bệnh tiểu đường type 2.
Mặc dù vậy, khi áp dụng vào thực tế, cấy ghép phân với các căn bệnh này không đạt được hiệu quả cao như với nhiễm trùng C. difficile tái phát. Điều này đặt ra câu hỏi: Tại sao?
Trong quá trình nghiên cứu các ca cấy ghép phân cho bệnh nhân nhiễm C. difficile và cả các căn bệnh đường ruột khác, các nhà khoa học đã phát hiện ra một mô hình đặc biệt. Một số người tình nguyện tài trợ phân dường như có thành phần vi sinh vật khác lạ. Phân của họ giúp tỷ lệ điều trị thành công cao hơn đáng kể so với mức trung bình.
Điều này đã khiến các bác sĩ đưa ra một giả thuyết về sự tồn tại của những người tài trợ phân tiềm năng. Không chỉ là chất thải bỏ đi, phân của những người này có thể cứu mạng sống cho những người khác.
Nghiên cứu đánh giá tổng hợp mới được công bố tuần này trên tạp chí Frontiers in Cellular and Infection Microbiology. Trong đó, các nhà khoa học đã lục lại nhiều nghiên cứu để cố gắng tìm hiểu những yếu tố nào đã giúp một số người có phân đặc biệt.
“Chúng tôi đã quan sát các ca cấy phân từ nhà tài trợ siêu việt, những ca này đạt được tỷ lệ thuyên giảm lâm sàng có lẽ phải gấp đôi mức trung bình của các ca còn lại“, tác giả chính của nghiên cứu, nhà vi sinh vật học Justin O’Sullivan cho biết.
“Hy vọng là nếu chúng tôi có thể khám phá điều này xảy ra như thế nào, thì chúng tôi có thể cải thiện sự thành công của việc cấy ghép phân, và thậm chí thử nghiệm nó cho các tình trạng liên quan đến hệ vi sinh mới phát hiện như Alzheimer, bệnh đa xơ cứng và hen suyễn“.
Không chỉ là chất thải bỏ đi, phân của một số người người có thể cứu mạng sống cho những người khác
Và manh mối đã xuất hiện, có một vài yếu tố ở những nhà tài trợ siêu việt khiến các nhà khoa học chú ý. So với những người khác, phân của họ có một hỗn hợp vi khuẩn mạnh mẽ, đa dạng, bao gồm các loài “keystone” giúp cơ thể tạo ra các protein hoặc hóa chất quan trọng.
Ví dụ, trong bệnh viêm ruột và bệnh tiểu đường, các loài keystone có liên quan đến sự thuyên giảm lâm sàng kéo dài tạo khi ra butyrate – một hóa chất có chức năng chuyên biệt trong việc điều hòa hệ thống miễn dịch và chuyển hóa năng lượng.
Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy một thử nghiệm quy mô nhỏ, trong đó, các mẫu phân chọn lọc đặc biệt có nhiều vi khuẩn Lachnospiraceae và Ruminococcaceae, được sử dụng để điều trị thành công 10 ca bệnh não gan tái phát – một bệnh của não có nguyên nhân do độc tố không được lọc ra từ gan.
Và mọi chuyện có lẽ không chỉ xoay xung quanh vi khuẩn. Nghiên cứu còn cho thấy có những yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu quả của việc cấy ghép phân. Gen di truyền của người nhận, hệ thống miễn dịch bẩm sinh và chế độ ăn uống của họ có thể ảnh hưởng đến thành công của biện pháp điều trị, O hèSullivan và nhóm của ông nói.
Ngay cả các thể thực khuẩn, là các virus lây nhiễm vi khuẩn đường ruột cũng có thể đóng vai trò. “Những loại virus này có thể ảnh hưởng đến sự sống và chức năng trao đổi chất của vi khuẩn được cấy ghép và các vi khuẩn khác“, ông nói.
Trong tương lai, bạn có thể cần uống những viên phân giống thế này để khỏe mạnh hơn
Cho đến nay, nghiên cứu cấy phân ở người chỉ giới hạn ở các nghiên cứu và thử nghiệm nhỏ, khiến cho chúng ta khó có thể chắc chắn bất cứ điều gì, kể cả sự tồn tại của nhóm người hiến phân siêu việt.
Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Mới tuần trước, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã công bố một thử nghiệm ngẫu nhiên, có kiểm soát trong đó, hơn 150 bệnh nhân nhiễm C. difficile tái phát đã được cấy phân.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cấy phân với nhiều hình thức khác nhau được tiến hành, như luồn ống thông ruột, hoặc dễ dàng nhất là uống một viên nang chứa phân và vi khuẩn, hoạt động như thuốc xổ.
Khi càng có nhiều nghiên cứu được tiến hành, chúng ta càng có nhiều hồ sơ chi tiết hơn về những ca điều trị cấy phân (cả người cho và người nhận). Điều này sẽ giúp các nhà khoa học và bác sĩ hiểu rõ hơn về loại hình điều trị này, tinh chỉnh cấy phân thành một phương pháp hiệu quả và đơn giản hơn thế nữa.
Tham khảo Gizmodo, CUHK