So với các nước trong khu vực, số liệu kinh tế cho thấy Việt Nam đang đi ngược dòng với xu hướng giảm tốc chung.
Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP thực trong 9 tháng đạt 6,98%, mức tăng cao nhất trong gần 1 thập kỷ vừa qua. Trong đó, tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm lần lượt đạt 6,82%, 6,73% và 7,31%. Điều này được phía CTCP Chứng khoán Rồng Việt (Rồng Việt Securities) đánh giá là ngược dòng với xu hướng giảm tốc chung của thế giới. Tuy nhiên, đơn vị này cũng đặt câu hỏi: Số liệu GDP có thể hiện hết bức tranh tăng trưởng của nền kinh tế?
Theo đó, Rồng Việt Securities đưa ra 2 góc nhìn dựa trên khái niệm GDP điều chỉnh lạm phát và cơ cấu đóng góp GDP dưới góc độ sản xuất.
“GDP điều chỉnh lạm phát” hay GDP thực tế, được tính thông qua việc điều chỉnh, loại bỏ tác động của lạm phát lên GDP danh nghĩa.
Đơn vị này cho biết kể từ khi nền kinh tế hồi phục từ năm 2015, GDP danh nghĩa của Việt Nam liên tục tăng trưởng và đạt đỉnh vào năm 2017, 11,2% so với cùng kỳ trước đó, trước khi điều chỉnh và giảm dần cho đến nay.
Quá trình trên cơ bản đồng nhất với thời kỳ mở rộng tăng trưởng cung tiền và tín dụng tại Việt Nam giai đoạn 2015-2017 trước khi cả hai biến số trên được điều chỉnh mạnh về ngưỡng 14% trong 2 năm gần đây.
Trong khi đó, tăng trưởng GDP thực đang đưa ra một bức tranh khá khác biệt khi bứt phá từ 2017 và duy trì ổn định ở ngưỡng cao cho đến hiện tại.
“Chúng tôi cho rằng thành tích tăng trưởng GDP thực kể trên đạt được nhờ nỗ lực kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong bối cảnh kết quả hoạt động sản xuất chung của nền kinh tế giữ ổn định”, đơn vị này cho biết.
Lạm phát năm 2019 được Rồng Việt Securities nhận định sẽ ở trong ngưỡng 3,3%-3,5%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 3,3%-3,9% của Chính phủ và dự báo lạm phát tăng 3,8% được đơn vị này đưa ra hồi đầu năm.
Các yếu tố chính giữ cho lạm phát thấp gồm: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế đóng góp 0,4% do Bộ y tế giảm giá và giãn lộ trình tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh. Nhóm giao thông đóng góp âm 0,3% do mặt bằng giá dầu thô thấp hơn. Nhóm thực phẩm và dịch vụ ăn uống đóng góp 0,6% khi ảnh hưởng tăng giá thịt heo do dịch lợn Châu Phi bị hạn chế.
Ở góc độ sản xuất GDP, phân tích của Rồng Việt Securities nhìn nhận dù có những điểm sáng tối đan xen nhau nhưng triển vọng chung là tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì ổn định trong năm tiếp theo.
Về mặt tích cực, hoạt động xây dựng tăng trưởng đột biến và đạt 9,7% trong quý 3/2019, mức cao nhất trong các năm trở lại đây. Trong thời gian tới, hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ sôi động trở lại khi Việt Nam bước vào “thời kỳ nâng cấp cơ sở hạ tầng quy mô lớn” với các đại dự án như đường Cao tốc Bắc Nam, Sân bay Long Thành,…
Ngoài ra, hoạt động sản xuất công nghiệp tại các tỉnh/thành phố trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và kể cả Bắc Ninh ghi nhận kết quả tăng trưởng khá tốt.
Đáng chú ý, đơn vị này cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp tại Bắc Ninh đã tăng trở lại, đạt 7%vào tháng 9 sau hai tháng tăng trưởng âm trước đó. TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương là những đầu tàu kinh tế ghi nhận sự nhảy vọt trong hoạt động sản xuất công nghiệp khi chỉ số sản xuất tại hai tỉnh/thành này lần lượt đạt 12,6% và 17,3% trong tháng 9, cao hơn mức tăng chung cả nước.
Trong tháng 8 và 9 vừa qua, số liệu cũng ghi nhận “bước nhảy vọt” về tổng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam với số lượng trên 1,5 triệu lượt người/tháng. Đặc biệt, lượng khách Trung Quốc đã quay trở lại kể từ tháng 8 sau hơn 1 năm liên tục giảm tốc.
Tình hình ngân sách công Việt Nam cũng đang ghi nhận hiện tượng hiếm gặp trong suốt chiều dài lịch sử với khoản thặng dư NSNN lên tới gần 67 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng của năm. Cụ thể, tổng thu NSNN đạt 1.028 nghìn tỷ đồng trong khi tổng chi NSNN ở mức 962 nghìn tỷ đồng.
Với bán buôn, bán lẻ hàng hoá và nông nghiệp, chiếm gần 20% tỷ trọng GDP, đơn vị này cho rằng cần phải cẩn trọng khi phân tích. Điểm đáng chú ý là 3 ngành này giảm tốc khá mạnh trong quý 3. Bán buôn bán lẻ theo đó chỉ tăng 7,5%, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Nông nghiệp thì giảm tốc 0,2% trong khi tổng quy mô đàn lợn tại Việt Nam đã giảm 19%.
Tóm lại, đơn vị này cho rằng GDP thực Việt Nam có khả năng vượt mục tiêu 6,8% do quốc hội đề ra và đạt ngưỡng 6,9%-7,%. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới sẽ mang ý nghĩa về mặt số liệu nhiều hơn nhờ mặt bằng lạm phát ở mức thấp trong khi hoạt động sản xuất chung cơ bản giữ ổn định.