Khi càng có tuổi, mọi người có xu hướng ngồi nhiều và ngồi lâu hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường và tim mạch gia tăng nhanh chóng.
Cách đây 2 năm, Liên đoàn các Câu lạc bộ Người cao tuổi ở Nonoichi, tỉnh Ishikawa (Nhật Bản) đã phát động một chiến dịch có tên là Stand up 301 với mục đích khuyến khích người cao tuổi đứng dậy ít nhất 30 phút/lần.
Theo đó, trong mỗi cuộc họp câu lạc bộ, liên đoàn luôn khuyến khích các thành viên đứng dậy khi phát biểu và đồng thời kêu gọi mọi người đứng dậy đi lại và vận động kéo giãn cơ giữa các sự kiện diễn thuyết cho người già.
“Chúng tôi cố gắng phổ biến dự án này ở mọi câu lạc bộ người cao tuổi. Ngoài ra, việc đứng nhiều hơn cũng nên được triển khai tại các hộ gia đình. Nhiều người vốn lười ra ngoài giờ đây đã chịu khó đến các buổi họp mặt hơn”, ông Hiroshi Nishimura 76 tuổi, chủ tịch liên đoàn cho biết.
Khi càng có tuổi, mọi người có xu hướng ngồi nhiều và ngồi lâu hơn. Xem tivi là một yếu tố khiến thời gian ngồi trong ngày của một người dài ra.
Theo cuộc khảo sát của đài truyền hình NHK, thời gian xem tivi của người Nhật tăng cùng độ tuổi. Cụ thể, ở tuổi 60, đàn ông dành 3 tiếng 59 phút/ngày để xem tivi còn phụ nữ mất 4 tiếng 21 phút. Còn từ tuổi 70 trở lên, đàn ông xem tivi 5 tiếng 16 phút/ngày còn phụ nữ xem 5 tiếng 29 phút.
Mối lo ngại rằng thói quen ngồi quá nhiều có thể dẫn tới “hội chứng kinh tế” hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu và những ảnh hưởng tiêu cực khác đã được gióng lên trong một thời gian dài.
“Khi chúng ta không di chuyển và sử dụng các khối cơ lớn của nửa dưới cơ thể, điều này sẽ ức chế khả năng hấp thụ đường huyết vào cơ bắp“, bà Yuko Kai, nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Thể chất thuộc Quỹ Phúc lợi và Sức khỏe Meiji Yasuda giải thích.
Một khi lượng đường huyết và chất béo trung tính tăng lên, nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường và tim mạch cũng sẽ gia tăng nhanh chóng.
Không chỉ người cao tuổi, trong những năm gần đây, nhiều công ty cũng bắt đầu nghiêm túc thực hiện chiến dịch Stand up 301. Động thái được triển khai trong bối cảnh bộ máy điều hành lo ngại nguy cơ mắc bệnh ở nhân viên sẽ tăng nhanh chóng, từ đó giảm hiệu suất làm việc.
Ở Công ty thương mại điện tử Rakuten (quận Setagaya, Tokyo), bàn làm việc của các nhân viên đều có thể điều chỉnh để phù hợp với chiều cao của từng người. Họ có thể nâng cao hoặc hạ thấp tùy sở thích người dùng bằng động cơ điện tử.
Do đó, có người muốn ngồi và đọc tài liệu, có người có thể vừa đứng vừa làm việc trên máy tính ngay tại bàn.
“Tôi cảm thấy tỉnh táo và tập trung hơn”, Ken Mukai 25 tuổi làm việc tại bộ phận nhân sự, thường nâng bàn và đứng làm việc sau giờ ăn trưa để tránh buồn ngủ.
“Bàn làm việc đứng giải phóng chúng tôi khỏi một tư thế và thậm chí giúp tư duy tự do hơn“, một nhân viên của côn ty Rakuten chia sẻ.
Fujikura, một công ty sản xuất dây điện ở Tokyo cũng vừa chuyển sang dùng bàn làm việc đứng.
“Chúng tôi coi đây là chiến lược quản lý. Tạo ra môi trường lành mạnh bền vững không phải chi phí mà là một khoản đầu tư“, ông Kenichiro Asano, phó ban quản lý sức khỏe tại Fujikura cho biết:
“Ngồi quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cả tâm trí lẫn thể chất. Ai cũng có thể thực hiện hành động đứng dậy, và tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến nhiều hơn những nỗ lực như vậy”, bà Yuko Kai nói.
* Theo Japan News