Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của Quảng Ninh đạt 89,06%, còn Hà Nội ở vị trí thứ hai, đạt 83,98%.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa công bố Chỉ số CCHC năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS).
Kết quả Chỉ số CCHC năm 2018 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân thành 4 nhóm:
-Nhóm A đạt kết quả từ 80% trở lên, gồm 9 tỉnh, thành phố
-Nhóm B đạt từ 75% đến dưới 80%, gồm 36 tỉnh, thành phố
-Nhóm C đạt từ 70% đến dưới 75%, gồm 15 tỉnh, thành phố
-Nhóm D đạt dưới 70%, 3 tỉnh, thành phố.
TP Hà Nội tiếp tục đứng vị trí “á quân” với kết quả 83,98%. Riêng vị trí thứ nhất, vẫn thuộc về tỉnh Quảng Ninh, với kết quả chỉ số đạt 89,06%. Các vị trí tiếp đó lần lượt là Đồng Tháp với 83,71%, Đà Nẵng 83,7%, Hải Phòng 83,68%. Trong năm 2018 không có địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC dưới 60%.
Long An, và Ninh Bình trong năm nay cũng lần đầu tiên lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2018.
Để đạt được kết quả này, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều chương trình tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng lĩnh vực văn hóa xã hội tương xứng với phát triển kinh tế và giá trị truyền thống của Thủ đô. Trong 4 tháng đầu năm, thành phố đã đảm bảo được các chỉ tiêu cân đối lớn về kinh tế.
Một điểm đáng chú ý khác của Hà Nội là việc áp dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính.
Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nhấn mạnh rằng Hà Nội đã thực hiện cùng lúc nhiều chương trình công nghệ thông tin trên toàn địa bàn. Trong đó, tập trung vào xây dựng mối liên hệ giữa các cơ quan ban ngành, ứng dụng số hoá giúp tiết kiệm thời gian, chí phi và nâng cao hiệu quả làm việc với nhân dân và doanh nghiệp.
Hà Nội đang hướng tới mục tiêu đưa dịch vụ số đến với mọi người, ở bất kỳ đâu. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang thúc đẩy tiềm năng công nghệ qua nhiều cách như: chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số; huy động mọi nguồn lực từ doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ…
Ngoài ra, kết quả PAR index được công bố lần này cũng cho biết trong năm 2018, không có Bộ nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 70%, tuy nhiên chỉ có 8 bộ có Chỉ số CCHC trên mức trung bình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2018 cao nhất với 90,57% còn Bộ GTVT đạt thấp nhất với 75,13%.