Đỗ Mạnh Hùng 200k – Có lẽ cái tên ấy sẽ đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam cho cách thức giải quyết những vụ tấn công tình dục mà do thiếu sót của pháp luật nên không theo kịp thực tế. Chỉ một người đàn ông nhưng khiến hàng trăm cái đầu “sỏi sạn” phải lật lại từng trang luật hiện hành, bao người phẫn nộ lên tiếng.
Chỉ 200k, thế nhưng những gì anh Hùng mang đến cho chúng ta là một sự thức tỉnh về cách mà đám “dê xồm” vẫn huênh hoang đi khắp đường làng ngõ phố. Chỉ mất 200k, thế nhưng anh Hùng đã mang về cho mình cái bản án là cơn giận dữ của tất cả những ai quan tâm đến vụ án này – trút vào.
Và từ nay, bất cứ chiếc thang máy nào cũng sẽ in đậm bóng dáng anh dù anh chưa xuất hiện ở đó. Thế nhưng, thực tế là xung quanh chúng ta có vô số “Đỗ Mạnh Hùng 200k” khác. Vì, theo kết quả điều tra năm 2016 của Bộ Lao động, thương binh và xã hội và Tổ chức ActionAid tại năm tỉnh và thành phố tại Việt Nam, 51% phụ nữ thừa nhận rằng họ đã từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần.
“Xấu như ma thì ai thèm trêu?!”
Theo UNFPA, một nghiên cứu ở TP HCM và Hà Nội năm 2014 cho thấy trong số những người bị quấy rối tình dục được phỏng vấn, chỉ có 1,9% nói rằng họ đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng.
Cô gái bị “anh Hùng” đè ra hôn ở thang máy nằm trong số 1,9% này, nghĩa là mặc dù vụ thang máy 200k đang gần như bùng nổ và phủ khắp báo chí cũng như mạng xã hội mấy ngày nay, thì thực tế đó vẫn chỉ là cái móng tay bé tí tị so với thực trạng phụ nữ bị quấy rối tình dục.
Hình ảnh cô gái bị “cưỡng hôn” trong thang máy chung cư
Ở công sở, ở nhà máy, phân xưởng, ở các nơi công cộng khác và cả ở gia đình (chồng cưỡng bức vợ quan hệ tình dục khi người vợ không muốn- được xếp là một dạng bạo lực tình dục).
Lý do có phần khá lớn từ quan niệm “xấu chàng hổ ai”, hoặc “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta chòng” vốn khá ăn sâu vào suy nghĩ của không ít phụ nữ lẫn đàn ông, nhất là ở miền quê.
Trong một thái cực khác, nó biến dạng thành một cảm giác gần giống với sự tự hào: “Phải xinh đẹp, sexy hơn người thì mới được bị trêu ghẹo, quấy rối”. Có những cô gái được đùa đùa “phong tặng” danh hiệu “bom sex” từ những tấm ảnh hoặc phong cách hở hang khiêu khích thì lấy đó làm hãnh diện với người cùng phái khác.
Về phía đàn ông, sự biến dạng cũng tương tự. Nhiều người tự hào vì được “khen” là có máu dê. Họ tự xem đó như minh chứng cho sức mạnh nam tính vượt trội. Câu cửa miệng của nhóm đàn ông (và cả phụ nữ) này là: Đàn ông không có máu dê không khác gì gà trống thiến. Phụ nữ không được ai dê thì cập kê tuổi hưu trí mất rồi.
Sự lệch lạc trong tư duy khiến những “anh Mạnh Hùng 200k” nhầm tưởng một cô gái phản ứng khi bị sàm sỡ nơi công cộng là “làm màu thế thôi, chứ trong bụng cũng khoái chết đi được”. Họ nhầm tưởng những giãy đạp, cào cấu, la hét của người con gái kia là một thứ gia vị đặc trưng của tính nữ được sử dụng khéo léo nhằm khiến cô gái “cao giá” và kích thích khoái cảm chinh phục của đàn ông.
Đặc biệt, họ nghĩ rằng đàn ông có đặc quyền tấn công tình dục dưới nhiều cách thức và mức độ khác nhau. Thậm chí nó như một kiểu khen tặng (cho sự quyến rũ) hoặc gia ơn cho người bị tấn công, đặc biệt khi nạn nhân có sự phụ thuộc nhất định vào chủ thế tấn công, ví dụ nữ công nhân với quản đốc, cấp trên trong nhà máy; nữ sinh viên mới ra trường đang tìm việc làm với người có chức sắc trong một cơ quan…
Và ở nơi nào đó, anh Mạnh Hùng và những anh “Mạnh Hùng phẩy” có lẽ đang vỗ ngực nghe khen tặng về bản lĩnh đàn ông thích là làm, cũng như cùng nhau cợt nhả, châm biếm về hình phạt như xua ruồi 200 ngàn đồng kia.
Ngôi làng của những kẻ bị xã hội tẩy chay ở Mỹ
Tháng 1/2013, nữ nhiếp ảnh gia Sofia Valiente đã tìm ra và đến sống năm tuần tại Miracle Village, một cộng đồng biệt lập ở bang Florida, (Mỹ), nơi hơn 100 kẻ bị kết án vì phạm tội tình dục bị kết án sống với nhau.
Theo phóng sự thực hiện sau đó, Valiente kể: người đứng đầu ngôi làng này đã phải chịu mức án 1 năm tù vì có quan hệ tình dục với học sinh lớp 9 ở ngôi trường mà anh là giáo viên dạy nhạc. Tuy nhiên, kể từ khi mãn hạn tù, anh luôn bị quản chế và buộc phải sống cách xa trường học hoặc khu vui chơi ít nhất 300 m.
Làng Miracle nằm biệt lập giữa cánh đồng xanh mướt xung quanh. Ảnh: BBC
Một người đàn ông khác dành rất nhiều thời gian tại quán bar gần đó để tìm kiếm một mối quan hệ thân tình. Rồi anh ta cũng gặp một cô gái phục vụ trong quán bar, và cô đồng ý hẹn hò với anh.
Nhưng khi anh ta kể về bản án, cô gái đã ngay lập tức nghỉ việc và đổi số điện thoại để anh ta không thể tìm thấy cô nữa.
Bài báo nói: Như một hệ quả tất yếu, những tội phạm quấy rối tình dục không được ai đồng ý cho thuê nhà họ có đủ tiền. Vậy nên chỉ tính riêng ở bang Florida, có đến hàng trăm tội phạm tình dục sau khi ra tù, đều trở thành người vô gia cư hoặc buộc phải sống dưới gầm cầu.
Mỗi bang tại Mỹ đều cho chạy trang web thông tin dân cư. Do vậy, nếu ai đó bị ghi là từng đi tù vì quấy rối tình dục, họ cũng sẽ không thể tìm được việc làm.
Chris Dawson, một cư dân đang sống trong làng Miracle, từng chịu án tù vì quan hệ tình dục với bạn gái 14 tuổi. Ảnh: BBC.
Ngôi làng Miracle từng là một đồn điền trồng mía, gần như hoàn toàn biệt lập, cách rất xa khu đô thị gần nhất. Những người từng bị kết án tình dục không được chấp nhận ở khắp nơi nên cuối cùng phải tụ họp nhau lại để xóa bỏ cảm giác bị tẩy chay và ruồng bỏ.
Cái giá họ phải trả cho tội lỗi của mình không chỉ dừng lại ở một án tù mà là cả cuộc đời không thể tái hòa nhập xã hội.
Trả lời các câu hỏi của nhà báo, người dân vùng này nói: “Chúng tôi không mong đợi họ hoàn lương. Chúng tôi chỉ muốn tống cổ họ đi. Càng xa càng tốt”.
Ở Việt Nam, mới năm ngoái đây, người đàn ông tên Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu bị kết án ba năm tù vì tội dâm ô trẻ em.
Kể ra ông Thủy tốt nhất là nên vào tù. Vì khi còn đang tại ngoại, ông đã biến thành mục tiêu châm chọc của cộng đồng. Chỉ cần đi ra ngoài mua tờ báo, hình ảnh ông đã xuất hiện khắp nơi với đủ loại lời chế giễu. Ông không thể có một cuộc sống bình thường đúng nghĩa, trừ khi ngồi rịt trong bốn bức tường, tuyệt giao vĩnh viễn với xã hội.
Trong những trường hợp kể trên, bạn có thể thấy rõ ngoài bản án của tòa, những người phạm tội về tình dục luôn luôn phải nhận thêm hình phạt từ cộng đồng. Và rõ ràng chúng còn đáng sợ gấp nhiều lần những bản án chính thức.
Mức phạt cao nhất 300k, tại sao chỉ phạt 200k?
Trở lại với vị anh hùng thang máy của chúng ta, dư luận không đến mức nặng nề với anh ta bằng các vụ án kể trên, vì đối tượng mà anh ta tấn công tình dục không phải là trẻ em mà đã là người lớn. Sự phẫn nộ chỉ thực sự bùng nổ khi mức phạt 200.000 đồng được Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đưa ra cho hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.
Rất nhiều cựu thẩm phán, luật sư, nhà nghiên cứu luật pháp… đã lên tiếng bất bình vì mức phạt này, và đòi hỏi phải xác định lại tội danh với những hành vi tương tự, đúng bản chất là dâm ô.
Tuy nhiên, như đã nói ở đầu bài, do pháp luật chưa cập nhật kịp thời thực tế cuộc sống nên chưa kịp có hình phạt chính thức nào tương xứng với hành vi của anh Hùng.
Mặc dù vậy, con số 200k thực sự gây thắc mắc. Mức phạt tiền cho hành vi “khiêu khích, xúc phạm, thô bạo…” là từ 100k đến 300k. Vậy lý do gì Công an quận Thanh Xuân không áp dụng mức phạt cao nhất là 300k? Cho dù về mặt giá trị tài chính cũng đáng buồn cười hệt con số 200k thần thánh kia, nhưng yếu tố “kịch khung” của nó cũng ít nhiều thể hiện được quan điểm của người xử lý.
Có lẽ, nhiều người không cho việc một cô gái bị một người đàn ông xa lạ sàm sỡ trong một không gian kín và không có người nào khác (để cầu cứu) là cái gì nghiêm trọng. Họ cũng xuề xòa cho rằng đây chỉ là một phút sôi trào của hoocmôn nam tính, chứ có làm gì được cô gái kia trong bối cảnh đó đâu mà phải to chuyện?
Sau tất cả, “anh Hùng 200k” sẽ đối diện với mức phạt của cộng đồng
Trong khi tiếp tục lên tiếng và kêu đòi pháp luật được sửa đổi thì- học hỏi cộng đồng Florida, chúng ta có quyền thực hiện các hình phạt cộng đồng để bù đắp phần thiếu sót của pháp luật.
Chúng ta có thể truyền tay nhau các bài báo phân tích đúng sai.
Chúng ta có thể dán hình ảnh anh Hùng trong các bài báo đó vào thang máy tòa nhà để cộng đồng sống trong đó ai cũng thuộc mặt mũi và hành xử của anh ta.
Những lời cảnh báo được dán bên trong thang máy
Sau án phạt hành chính ở mức 200k dành cho kẻ này, trên một số trang mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh trong một số thang máy dán hình ảnh của Đỗ Mạnh Hùng kèm theo dòng chữ nổi bật, “Coi chừng biến thái – 200k” để cảnh báo mọi người chú ý.
Một cư dân sống trong tòa nhà – nơi xảy ra vụ việc – còn kêu gọi mọi người tẩy chay, cấm Đỗ Mạnh Hùng ra vào tòa nhà. Bên cạnh đó mọi người còn tuyên truyền dán tờ rơi có ảnh đối tượng Hùng kèm theo dòng chú thích, “Chúng tôi từ chối phục vụ KH này vì đã có hành vi sàm sỡ phụ nữ trong thang máy” tại các nhà hàng quán ăn.
Riêng tại các nơi công cộng sẽ kèm theo dòng chữ, “Mọi người hãy cảnh giác với người đàn ông này vì từng có hành vi sàm sỡ với phụ nữ trong thang máy”.
Và đó là những gì chúng ta có thể làm lúc này, với kẻ đã hả hê mua nhân phẩm một cô gái chỉ với giá 200 nghìn đồng.