Sau một buổi đi học về vào cuối năm lớp 8, Thành bất ngờ lên cơn co giật rồi rơi vào cuộc sống thực vật suốt 3 năm trời. Bằng nghị lực của bản thân và người mẹ tần tảo chăm sóc ngày đêm, Thành đã may mắn tỉnh lại. Ước mơ lớn nhất của Thành là có bạn bè, được đi học lại, để trở thành người có ích.
Cậu bé thông minh bỗng chốc rơi vào cuộc sống thực vật
Đến thăm căn nhà nhỏ của Nguyễn Tuấn Thành (SN 1997) tại một con ngõ thuộc phố Mai Dịch, (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào một buổi chiều thu, Thành đang ngồi hí hửng nghịch chiếc điện thoại trong nhà.
Sau “giấc ngủ” 3 năm, Thành đã tỉnh lại nhưng căn bệnh ập đến vẫn để lại nhiều di chứng.
Thấy chúng tôi đến nhà, Thành niềm nở chào bằng giọng nói đứt quãng không liền mạch. Ở độ tuổi của Thành, bạn bè cùng trang lứa đang chập chững bước vào những kế hoạch, dự định lớn cho tương lai thì em vẫn đang tò mò với thế giới ngoài kia với suy nghĩ của một cậu bé được che chở trong vòng tay mẹ.
Sinh ra trong một gia đình không quá khó khăn về kinh tế, Thành là con trai duy nhất trong nhà. Từ nhỏ, em luôn là niềm tự hào của bố mẹ, là một đứa con chăm ngoan học giỏi. Thế nhưng, tai họa bất ngờ ập đến đã cuốn đi bao mơ ước, dự định tương lai của cả Thành và gia đình.
Vào một buổi trưa tháng 4 năm 2011, lúc này Thành đang là cậu học sinh lớp 8 lém lỉnh, thông minh. Khi vừa đi học về, Thành vừa uống cốc nước thì xuất hiện một cơn co giật.
Căn nhà nhỏ của Thành và gia đình.
Gia đình đưa Thành vào Bệnh viện 198 cấp cứu rồi sau đó em được chuyển ngay qua Bệnh viện Nhi Trung Ương. Đến chiều cùng ngày, Thành rơi vào tình trạng hôn mê sâu và không tỉnh lại nữa, bao dự định tương lai, bao mơ ước của em và gia đình cũng tan biến.
Sau khi nhập viện, Thành được các bác sĩ chẩn đoán bị Viêm màng não không rõ nguyên nhân. Dù đã được các bác sĩ cấp cứu nhưng em không tỉnh lại và rơi vào trạng thái hôn mê, sống cuộc sống thực vật.
Nghĩ về cuộc đời của con trai, bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1961, mẹ của Thành) không kìm nổi nước mắt. Căn bệnh ập đến như cuốn đi tất cả niềm hy vọng của gia đình.
Bà Xuân ứa nước mắt khi nghĩ về cuộc đời của con trai mình.
Nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung Ương suốt 2 tháng nhưng Thành không tỉnh lại, em được gia đình chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai rồi sau đó chuyển qua Bệnh viện Đại học y Hà Nội điều trị.
Trải qua cuộc phẫu thuật tại Đại học Y Hà Nội, Thành được đưa về nhà chăm sóc. Kể từ đó em sống cuộc sống thực vật, mọi sinh hoạt đều do người mẹ một tay chăm sóc từng ngày.
“Thành nằm sống thực vật nhưng thi thoảng lại lên cơn co giật, mỗi khi lên cơn là gia đình lại đưa em vào Bệnh viện Nhi Trung Ương nằm tại Khoa Thần Kinh để điều trị, qua cơn thì lại đưa về nhà chăm sóc”, bà Xuân nói.
Với bà Xuân, dù con trai nằm sống thực vật nhưng bà và chồng vẫn chỉ nghĩ con mình đang ngủ và sẽ tỉnh lại.
Ngày tháng trôi qua, bà Xuân cũng như bố của Thành là ông Nguyễn Cao Tuấn (SN 1960), chỉ biết nuôi hy vọng nhỏ nhoi thay phiên nhau ngày đêm chăm sóc con trai.
“Khi đó các bác sĩ bảo tiên lượng xấu, khả năng chỉ sống được 1 đến 2 năm nữa. Còn tỉnh lại thì không biết bao giờ Thành sẽ tỉnh, gia đình chỉ biết cố gắng chăm sóc Thành dù còn một tia hy vọng cũng không bỏ cuộc”, bà Xuân nghẹn ngào.
Sự “hồi sinh” kỳ diệu của chàng trai trẻ
Hàng ngày nằm điều trị tại nhà, Thành không phải thở ô xy nhưng phải ăn bằng đường xông (ống thông). Mỗi khi nghe mọi người giới thiệu có cơ sở nào có thể điều trị được bệnh tình của con là ông bà lại đưa con đi điều trị.
Do gia đình kinh tế không quá khó khăn nên hai vợ chồng bà Xuân vẫn đủ khả năng xoay sở cho Thành đi điều trị khắp mọi nơi. Điều trị Tây y không được, gia đình bà Xuân đã mời một thầy thuốc Đông y về châm cứu, bấm huyệt điều trị cho Thành tại nhà.
Thành biết suy nghĩ nhưng diễn đạt bằng lời gặp khó khăn, nói không lưu loát.
Sau khi tỉnh lại chân tay Thành cũng yếu, không được khỏe mạnh.
Suốt nhiều năm tháng, bà Xuân cùng bác sĩ và người thân thay nhau chăm sóc điều trị cho Thành.
“Nhiều lúc nghĩ nản nhưng 2 vợ chồng vẫn dựa vào nhau động viên nhau. Chúng tôi chỉ bảo nhau là con chỉ đang ốm rồi khỏi ốm nó sẽ tỉnh lại chứ không bao giờ có ý định bỏ cuộc. Dù còn một tia hy vọng, chúng tôi vẫn cố chữa bệnh cho con chứ không bao giờ nghĩ sẽ bỏ rơi con”, bà Xuân nghẹn lại.
Sau 2 năm điều trị bệnh, chính quyền địa phương cũng đã nắm được hoàn cảnh của Thành. Đến cuối năm 2013, Thành được cấp giấy xác nhận khuyết tật thuộc dạng đặc biệt nặng và được hưởng các chính sách dành cho người khuyết tật tại địa phương.
Thành được chính quyền địa phương cấp giấy xác nhận khuyết tật sau 2 năm bị bệnh.
Thời gian cứ thế trôi qua, sau tròn 3 năm chăm sóc và điều trị Thành cũng đã không phụ công chăm bẵm của bố mẹ.
“Hôm đó tôi đang ở ngoài thì Thành tỉnh lại, nó tỉnh cái là gọi “mẹ ơi”, tôi không còn từ nào có thể diễn tả được cảm xúc lúc đó. Tròn 3 năm sống thực vật, Thành đã tỉnh lại. Nó nhớ được hết bố mẹ và mọi người. Suốt 3 năm ấy, suy nghĩ của Thành không lớn. Khi tỉnh dậy sau một “giấc ngủ” dài em vẫn chỉ có suy nghĩ và kiến thức của một cậu học sinh lớp 8″, bà Xuân nghẹn ngào.
Đến nay, dù đã tỉnh lại được 5 năm nhưng những di chứng của bệnh tật vẫn đeo bám theo em. Mỗi tuần Thành vẫn thường bị cơn co giật tìm đến ít nhất 1 lần. Em vẫn biết suy nghĩ nhưng khó truyền đạt thành lời nói, em cũng không thể nói chuyện rõ ràng như một người bình thường.
Nghĩ đến tương lai của con, bà Xuân đan đôi bàn tay vào nhau nói: “Không biết sau này vợ chồng tôi già thằng bé sẽ ra sao”.
Di chứng của căn bệnh cũng làm chân tay của em yếu, đi lại không vững, Thành cũng không thể giúp được bố mẹ những việc nhỏ nhặt trong nhà. Không thể đi đâu một mình và không ngồi được xe máy vì cơn co giật có thể ập đến bất cứ lúc nào gây nguy hiểm đến tính mạng.
Suốt nhiều năm điều trị bệnh, Thành giờ đây gần như không còn bạn bè. Những người bạn cùng trăng lứa đều đã trưởng thành và mỗi người đều có một chí hướng, con đường riêng. Hiện Thành chỉ còn 1 người bạn duy nhất ở gần nhà chơi cùng từ thời còn nhỏ là anh Trần Mạnh Duy (SN 1993) và người hàng ngày giao tiếp là mẹ mình.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Mạnh Duy (SN 1993) cho biết, anh chơi thân với Thành từ hồi còn học mẫu giáo, đến hiện tại anh vẫn nhớ như in thời gian Thành bị bệnh: “Trước hôm Thành ốm nó còn đi chơi điện tử với tôi. Đến hôm sau thì lăn đùng ra ốm, lúc nó tỉnh lại vẫn biết gọi điện cho tôi. Nó vẫn nhớ cái lúc trước khi bị bệnh tôi với nó ngồi chơi game với nhau. Đến bây giờ vẫn còn nhiều di chứng thì không biết nhớ được hết ký ức lúc trước không”.
Thành thèm được nói chuyện nhưng em khó diễn đạt, em muốn có bạn bè nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
Do đi lại khó khăn nên hàng ngày Thành chỉ cố gắng đi được ra đến phần sân nhỏ trước nhà
“Em muốn được đi học, muốn có bạn bè như mọi người. Em muốn đi làm một công việc gì đó để phụ dưỡng, báo đáp công ơn bố mẹ trở thành người có ích”, Thành gắng gượng nói.
Theo bà Xuân, dù Thành đã 22 tuổi nhưng suy nghĩ của Thành vẫn như một cậu bé mới lớn vì Thành không được đi ra ngoài giao tiếp với mọi người. Hàng ngày người duy nhất có thể tâm sự, trò truyện với Thành chỉ có bà Xuân.
Bà cũng mong ước Thành sẽ được hỗ trợ tìm một công việc gì đó phù hợp với sức khỏe để giúp Thành suy nghĩ trưởng thành hơn, được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Từ khi con đổ bệnh, vợ chồng bà Xuân luôn trăn trở một điều: “Không biết khi chúng tôi già đi, Thành sẽ ra sao”.