Cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thông tin, việc bổ sung quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và sẽ thực hiện theo nhu cầu chứ không bắt buộc.

bt-to-lam-719.jpg
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (Ảnh: QH)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 2/6, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Căn cước.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất thông qua 4 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật. Trong đó, bao gồm chính sách về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử.

Vì vậy, để cụ thể hóa các chính sách nêu trên trong dự thảo luật được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đến nay, Bộ Công an đã cấp được gần 80 triệu thẻ CCCD cho người đủ điều kiện. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 bộ, ngành và 63 địa phương; việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động.

Dự thảo Luật CCCD gồm 7 chương, 46 Điều, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Căn cước, với 19 triệu công dân dưới 14 tuổi, ước tính số tiền Nhà nước và xã hội phải chi cho một số loại giấy tờ liên quan là khoảng 2.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí sản xuất mỗi thẻ căn cước là 48.000 đồng. Nếu 19 triệu trẻ dưới 14 tuổi đều có nhu cầu cấp căn cước thì chi phí tốn khoảng hơn 900 tỷ đồng.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật Căn cước sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ “thẻ căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú.

“Việc thay đổi để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Một điểm mới đáng chú ý khác là dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, quy định này để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã bổ sung theo hướng việc cấp lại thẻ căn cước được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia (người dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục).

Còn về căn cước điện tử, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014. Dự thảo Luật quy định mỗi người dân chỉ có 01 căn cước điện tử là tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử phải sử dụng căn cước điện tử…

Phan Anh

Nguồn Người Hà Nội: https://nguoihanoi.com.vn/cap-the-can-cuoc-cho-nguoi-duoi-14-tuoi-theo-nhu-cau-73349.html