Trong kỷ nguyên của sự bùng nổ về công nghệ thông tin và internet, sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng mạng xã hội, các đối tượng xấu đã triệt để lợi dụng những ưu thế của công nghệ số để tạo dựng các chiêu thức lừa đảo (qua điện thoại, email, mạng xã hội,…). Rất nhiều người vì tâm lý, vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin và nhiều khi là hám lợi… đã sập bẫy của bọn lừa đảo, để lại nhưng hậu quả khôn lường về vật chất, tinh thần, thậm chí là cả tính mạng con người.
Ngày 28/12/2022, Công an quận Tân Bình phối hợp Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Hồ Chí Minh đã khám xét, bắt giữ một số đối tượng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông”. (Ảnh do Công an thành phố Hồ Chí Minh cung cấp).
Cách đây không lâu, chiêu thức giả danh cán bộ cơ quan điều tra gọi điện thoại thông tin có liên quan đến vụ án đang điều tra, làm cho bị hại rơi vào tâm lý sợ hãi. Sau đó, yêu cầu người được gọi chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng có sẵn với lý do “phục vụ công tác điều tra”… khiến nhiều người “sập bẫy”, thậm chí mất cả tiền tỷ. Một chiêu thức khác, người dân nhận được các thông báo giả từ những kẻ lừa đảo về việc đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND, căn cước công dân đăng ký mở tài khoản ngân hàng hoặc liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia và có lệnh bắt của cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, yêu cầu kê khai tài sản, số tiền hiện có trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu người bị hại phải nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án. Thậm chí, để tạo sự tin tưởng cho bị hại, những kẻ lừa đảo sử dụng phần mềm công nghệ để giả mạo số gọi đến là số điện thoại của lực lượng Công an hoặc các cơ quan của Nhà nước. Sau đó, chúng dùng lời lẽ đe dọa rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng với lý do xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra rồi chiếm đoạt. Một chiêu thức nữa, các đối tượng đăng bài, chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội với các từ khóa hấp dẫn như “làm việc tại nhà”, “không cần ôm hàng”, “không cần bỏ vốn”, “được phép trả hàng”, mức lương từ 200-500 đồng/ngày; hưởng 10%-20% hoa hồng sau mỗi sản phẩm,… khiến không ít người mắc lừa, mất hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng trong một thời gian rất ngắn. Và còn rất nhiều chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi của các đối tượng giăng ra trên không gian mạng và các nền tảng công nghệ số.
Theo nhận diện của cơ quan chức năng, hiện có ba nhóm chiêu thức lừa đảo chính với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng mà các đối tượng thường xuyên áp dụng. Trong đó, nhóm thứ nhất là giả mạo thương hiệu của các tổ chức (ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán…) để gửi tin nhắn lừa đảo cho nạn nhân; giả mạo các trang web/blog chính thống (giao diện, địa chỉ tên miền/đường dẫn,…) tạo uy tín lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của người dân. Nhóm thứ hai, chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…) để tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền…; các ứng dụng, quảng cáo tín dụng đen xuất hiện trên các trang web, gửi qua các kênh thư điện tử rác, tin nhắn SMS, mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo, TikTok… Nạn nhân sẽ biến thành những con nợ trong khi chính nạn nhân cũng không biết. Nhóm thứ ba là các hình thức kết hợp khác như: Gọi điện thoại giả danh cơ quan chức năng thông báo vi phạm pháp luật yêu cầu chuyển tiền; gọi hoặc nháy máy để câu cước viễn thông; giả mạo trang thương mại điện tử mời làm công tác viên; lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng cáo bán hàng online; lừa đảo qua hình thức kêu gọi từ thiện; lừa đảo cài mã độc…
Tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Gần đây, một số phụ huynh học sinh tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội bị lừa theo cùng một thủ đoạn: Người gọi tự xưng là giáo viên thể dục, nhân viên y tế tại trường của học sinh, thông báo các em bị té ngã hoặc tai nạn. Đối tượng lừa đảo tạo sự tin tưởng bằng cách nói chính xác tên, tuổi của học sinh, phụ huynh. Sau đó, kẻ lừa đảo chuyển điện thoại cho một người khác, xưng là bác sĩ khoa cấp cứu để trao đổi về tình trạng của học sinh, rồi yêu cầu phụ huynh chuyển tiền gấp. Do tâm lý lo lắng, nhiều phụ huynh không nghi ngờ và đã chuyển tiền qua số tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp. Có phụ huynh đã chuyển số tiền hàng trăm triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo.
Khi nhận các cuộc điện thoại hoặc thông tin qua mạng xã hộ có dấu hiệu bất thường, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Nếu nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.