Lòng tốt “bạn bè lâu năm” bị lợi dụng
Theo nạn nhân trình bày, ông và ông Dương Quang Long quen biết nhau gần 10 năm, thường xuyên cùng ăn uống và chơi thể thao.
Tháng 5/2019, ông Long gợi ý ông Huy tham gia làm ăn với vợ ông là bà Nguyễn Hoàng Hải Yến, dưới hình thức góp vốn mua “đường màu” bán thành phẩm về sàng lọc và làm sạch, sau đó đem bán vào các nhà máy đường để thu lợi nhuận.
Đến đầu tháng 7, sau khi bàn bạc, vợ chồng ông Huy đưa tiền mặt cho ông Long 300 triệu đồng, do chỗ bạn bè thân quen nên ông Huy không yêu cầu viết giấy hùn vốn đầu tư.
Để tạo lòng tin cho “đối tác” ở chuyến hàng đầu tiên, tháng 8/2019, bà Yến gửi cho ông Huy phần lợi nhuận bán được là 15,3 triệu đồng.
Sau đó, bà Yến gợi ý ông Huy tiếp tục hùn hạp mua bán xăng dầu. Từ tháng 8/2019 đến tháng 5/2021, ông Huy đã 15 lần chuyển tiền cho vợ chồng ông bà Long – Yến, tổng số lên đến 3,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vẫn theo trình bày của ông Huy, bà Yến đã không thực hiện phân chia lợi nhuận như cam kết bằng miệng giữa hai bên, với đủ loại lý do. Đỉnh điểm, cuối tháng 5/2021, bà Yến thông báo dừng toàn bộ việc chi trả tiền lời hàng hóa, viện cớ xăng có đợt kiểm tra chất lượng, do giãn cách xã hội, hoặc nhân công mắc Covid-19… Người phụ nữ này hứa với ông Huy giao dịch sẽ bình thường trở lại vào cuối tháng 11/2021.
Thế nhưng, đến hẹn, vẫn không thấy tiền đâu, ông Huy nhiều lần thông báo muốn rút vốn thì bị phía bà Yến lần lữa, trì hoãn.
Thông báo “vỡ nợ” để trốn nợ ?
Đột nhiên, đến tháng 11/2021, bà Yến thông báo vỡ nợ 26 tỷ đồng. Theo lời bà này nói với ông Huy thì bà đã đưa tất cả tiền cho một giám đốc công ty xăng dầu và ông này đã bỏ trốn. Đồng thời, cho biết bà đã dùng toàn bộ số tiền đầu tư mua bán “đường màu” vào công ty xăng dầu. Nghe đến đây, vợ chồng ông Huy liền tá hỏa.
Nghi ngờ có khuất tất phía sau câu chuyện bà Yến đưa ra, vài ngày sau, ông Huy đến gặp và yêu cầu giải thích rõ ràng, cung cấp bằng chứng và thông tin về vị giám đốc công ty xăng dầu để cùng nhau làm rõ, thì bà này có thái độ bất hợp tác. Bà ta khẳng định tự chịu trách nhiệm với số tiền lấy từ ông Huy, còn việc bị lừa là chuyện riêng của gia đình sẽ tự giải quyết sau. Vấn đề là, bà Yến không trưng ra được bằng chứng cụ thể nào thể hiện việc mình bị lừa.
Đáng nói, phía ông Long (chồng bà Yến) lại một mực phủ nhận toàn bộ sự việc, rằng, không hề hay biết vợ mình đã làm gì với số tiền vợ chồng ông Huy trực tiếp đưa cho bản thân ông này trước đó.
Một trường hợp khác cũng là nạn nhân của vợ chồng ông Long bà Yến, là ông Nguyễn Ngọc Tân (ngụ phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Cũng lợi dụng chỗ bạn bè xã hội thân thiết nhiều năm, bà Yến đã hai lần nhận từ vợ chồng ông Tân số tiền 400 triệu đồng. Kịch bản được dựng lên vẫn là góp vốn đầu tư vào ‘‘đường màu” và xăng dầu. Lần này, bà Yến có viết ‘‘giấy mượn tiền đầu tư ”, ghi rõ thời gian chia tiền lời vào ngày 1 hàng tháng. Song, cũng với những lý do tương tự như trên, bà này khất lần và “lơ” luôn số tiền của ông Tân.
Đáng nói, một số cá nhân khác cũng là nạn nhân của bà Yến và theo chia sẻ của người trong cuộc thì họ đang lâm vào cảnh nợ nần, kinh tế khó khăn do phải trả lãi hàng tháng cho số tiền vay mượn để góp vốn.
Những người bị hại đề nghị phía cơ quan công an vào cuộc làm rõ có hay không dấu hiệu lợi dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản của bà Nguyễn Hoàng Hải Yến ?
Qua vụ việc này, người dân cần tỉnh táo, sáng suốt, thận trọng trong quá trình hợp tác làm ăn, tránh lạc vào “ma trận” mánh khóe, chiêu trò lừa đảo của những đối tượng giăng bẫy góp vốn kiểu “kiếm tiền nhanh, phần thưởng lớn”, kẻo mất sạch tiền.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Nhóm PV (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/canh-giac-voi-banh-ve-gop-von-lam-an-d174151.html