Những con ngựa xúng xính trong bộ váy áo mới, không biết rằng chúng vừa mặc lên người lớp ngụy trang đặc biệt, tránh được côn trùng gây hại.
Tại sao ngựa vằn lại … có vằn? Để chúng ta còn biết mà gọi nó là ngựa vằn chứ còn gì nữa! Nhưng các nhà khoa học không tin thế.
Các nhà sinh vật học tiến hóa đưa ra rất nhiều giả thuyết: có thể vằn để ngụy trang, hay để hỗ trợ đồng loại nhận ra từng cá thể. Nhưng trong vài năm gần đây, có một giả thuyết được lan truyền nhiều: vằn của ngựa để phòng ngừa côn trùng có hại ký sinh trên da.
Mội nhóm các nhà nghiên cứu, dẫn đầu là Tim Caro – một nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học California, đã tiến hành thực nghiệm để kiểm chứng giả thuyết trên. Theo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên PLOS ONE, vằn của ngựa là cơ chế tự nhiên chống ruồi ngựa, những sinh vật bé nhỏ có thể cắn và hút máu ngựa.
Sử dụng camera cận cảnh, các nhà nghiên cứu theo dõi kỹ 3 con ngựa vằn và 9 con ngựa thường tại trang trại ngựa Hill Livery, Vương Quốc Anh. Họ đếm được số lượng ruồi ngựa đậu lại trên mình ngựa thường và ngựa vằn, phân tích cả cách những con vật bé nhỏ tiếp cận ngựa, và cách ngựa phản ứng lại với ruồi (như vẩy đuôi, cố gắng căng da ra để ruồi bay đi).
Những con ruồi có ý định đậu lên ngựa vằn thường quên mất phải giảm tốc độ khi hạ cánh, nhiều khả năng chúng lóa mắt trước lớp áo vằn của ngựa. Ruồi hạ cánh không hiệu quả, và gần như ngay lập tức chúng ra bay đi, không làm phiền con ngựa nữa.
Có một điều khác biệt giữa ngựa vằn và ngựa thường: ngựa vằn hay dùng đuôi đuổi ruồi, còn ngựa thường có xu hướng căng da để lùa đi những con ruồi đang đậu.
Nếu bạn thắc mắc bằng cách nào họ tìm ra khác biệt giữa ngựa thường và ngựa vằn, thì tấm ảnh dưới đây chính là câu trả lời. Họ khoác lên người một con ngựa lớp áo vằn, để xem các thứ ruồi sẽ tương tác với con ngựa ra sao. Bên cạnh đó, họ khoác lên một số con ngựa khác lớp vải màu bình thường để có thể so sánh dữ liệu nghiên cứu của nhiều trường hợp khác nhau.
Lại một lần nữa ruồi tránh hạ cánh xuống những con ngựa mang vằn trên người, so với những con ngựa “ăn mặc” bình thường. Lượng ruồi đậu lên phần đầu ngựa – nơi không được phủ vải – vẫn không thay đổi.
Qua thử nghiệm, họ có thể kết luận “chức năng chính của hai màu vằn tương phản đen và trắng trên ba loài ngựa vằn là để ngăn ruồi làm phiền”.
Những mong các nhà nghiên cứu xem xét thêm, nghiên cứu sâu hơn để ra được quần áo chống được cả muỗi thì tốt biết mất. Đông sắp hết, hè thì sắp tới …