Các nhà đầu tư Facebook đã lên tiếng đề nghị CEO Mark Zuckerberg rời khỏi vị trí Chủ tịch sau nhiều báo cáo cho biết công ty đã thuê một công ty quan hệ công chúng để bôi nhọ những người chỉ trích công ty bằng cách liên hệ họ với George Soros.
“Cuộc tấn công” nhằm vào Zuckerberg đã làm phức tạp hơn những thách thức đầy khó khăn mà Nick Clegg – lãnh đạo mảng chính sách và truyền thông toàn cầu mới của Facebook – người vừa gia nhập công ty hồi tháng trước và đã được yêu cầu phải chỉ đạo một cuộc đánh giá về việc sử dụng các công ty vận động hành lang của Facebook.
Jonas Kron, một phó chủ tịch cấp cao tại Trillium Asset Management, là nhà đầu tư người Mỹ đang sở hữu cổ phần tại Facebook trị giá 8,5 triệu bảng. Ông này vào tối ngày 16/11 vừa qua đã kêu gọi Mark Zuckerberg hãy từ chức chủ tịch ban quản trị vì những lùm xùm liên quan các báo cáo.
“Facebook đang hành xử như thể họ là một bông tuyết đặc biệt. Họ không phải vậy. Đây là một công ty, và các công ty đều cần có một chủ tịch và 1 CEO riêng biệt” – ông nói.
Cả Zuckerberg và Clegg đã và đang chịu nhiều áp lực khi trong tuần qua khi có thông tin cho rằng Facebook đã thuê Definers, một công ty quan hệ công chúng thuộc Đảng Cộng Hoà, nhằm “làm đẹp” uy tín vốn đã bị ảnh hưởng rất nhiều sau những chỉ trích gay gắt liên quan việc nền tảng truyền thông xã hội số một hành tinh xử lý vụ scaldal Nga can thiệp bầu cử 2016 của Mỹ và vụ scandal Cambridge Analytica.
Definers bị cáo buộc khuyến khích việc gọi những người chỉ trích Facebook là những kẻ bài Do Thái và đã đăng tải nhiều bài viết chỉ trích các đối thủ của mạng xã hội này. Chưa hết, công ty quan hệ công chúng còn bị buộc tội tìm cách khuyến khích các phóng viên đưa tin về các nhóm chống Facebook có liên hệ với Soros.
Trong một cuộc gặp với các phóng viên vào thứ Năm tuần qua, Zuckerberg phủ nhận rằng anh biết công ty đã thuê Definers. “Ngay khi tôi biết về điều này, tôi đã nói với nhóm của mình và chúng tôi không còn làm việc với công ty này nữa” – Zuckerberg nói. Anh còn yêu cầu Nick Clegg thực hiện một cuộc đánh giá về việc Facebook sử dụng các công ty vận động chính trị hành lang.
Tuy nhiên, Kron nói rằng thông tin mới về việc Facebook sử dụng Definers đã mang lại những lý do để Zuckerberg có thể từ bỏ vai trò kép, vừa làm chủ tịch, vừa làm giám đốc điều hành của mình.
“Báo cáo mới nhất này có lẽ đã xoá bỏ mọi nghi hoặc mà một số người đang có” – ông nói.
Mark Zuckerberg đã duy trì quyền kiểm soát cấp độ cao đối với việc kinh doanh của mạng xã hội Facebook mà anh sáng lập vào năm 2004 nhờ vào vai trò kết hợp của mình, đồng thời anh này còn sở hữu số cổ phần tương đương 60% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty.
Các nhà đầu tư khẳng định Clegg đang đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn nhằm sửa chữa uy tín của Facebook, bởi ông không nắm được những mối quan hệ tại Thung lũng Silicon.
Nick Clegg
Julie Goodridge, CEO của NorthStar Asset Management – một nhà đầu tư Facebook sở hữu hơn 50.000 cổ phiếu trong công ty – nói rằng việc bổ nhiệm Clegg để điều tra hành vi vận động hành lang của Facebook là “điên rồ”.
“Tôi không nghĩ bạn có thể bổ nhiệm ai đó về cơ bản vẫn phụ thuộc vào ban quản trị và phụ thuộc vào quản lý cấp cao” – bà nói – “Bạn không thể trông chờ người đó xuất hiện với quyền lực như Zuckerberg, Sandberg, Peter Thiel và các thành viên khác trong ban quản trị. Gã này sẽ có quyền hành đến mức nào?”
Kron nói rằng ông hài lòng rằng Clegg sẽ đánh giá các nỗ lực vận động hành lang của Facebook, nhưng nói thêm rằng động thái đó là “chưa đủ”. Ông miêu tả việc bổ nhiệm Clegg là một nước đi “đập chuột chũi” của Facebook – vốn không giải quyết được vấn đề lớn hơn, đó là thiếu một vị chủ tịch ban quản trị độc lập.
Trong cuộc họp vào tối thứ Năm, Zuckerberg nói anh đã yêu cầu Nick Clegg đánh giá các hoạt động vận động hành lang của công ty. Vị Cựu Phó Thủ tướng này sẽ báo cáo kết quả lại cho COO Facebook là Sheryl Sandberg.
Nhà đầu tư Facebook, Natasha Lamb, một đối tác quản lý tại Arjuna Capital, cảnh báo rằng vai trò kết hợp vừa chủ tịch, vừa CEO đồng nghĩa với việc Facebook có thể né tránh khắc phục những vấn đề một cách đúng đắn trong nội bộ công ty.
“Sự tập trung quyền lực tạo ra rất nhiều lớp bảo vệ trong nội bộ công ty. Đó là cách che giấu sự thật là có một vấn đề, thay vì thừa nhận có vấn đề đó và đưa ra lộ trình để khắc phục” – bà nói.
Goodridge cảnh báo rằng nếu Zuckerberg từ bỏ vị trí Chủ tịch, giá cổ phiếu Facebook sẽ giảm.
Bà kêu gọi một sự thay đổi trong cổ phiếu có quyền biểu quyết thuộc lớp B của Zuckerberg, vốn có 10 quyền biểu quyết trên mỗi cổ phiếu thay vì một quyền biểu quyết đối với mỗi cổ phiếu lớp A.
“Không cần biết ai tham gia các cuộc họp ban quản trị, Mark vẫn có mọi quyền lực để điều khiển công ty” – bà nói.
Vai trò kết hợp giữa CEO và Chủ tịch đã trở nên phổ biến tại Thung lũng Silicon, khi mà nó cho phép các nhà sáng lập giữ được quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh kể cả khi công ty đã ra thị trường.
Elon Musk từng nắm giữ cả hai vài trò tại công ty sản xuất xe hơi điện Tesla cho tới khi ký kết một thoả thuận với Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ hồi tháng 10, trong đó yêu cầu công ty phải bổ nhiệm một vị Chủ tịch Ban quản trị độc lập.
Tham khảo: Telegraph