Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030

Sáng 10/6, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Lễ phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Sự kiện kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu trong cả nước. Dự Lễ phát động có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Tại điểm cầu Quảng Ninh, có đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đại biểu tham dự Lễ phát động tại điểm cầu Quảng Ninh.

Đề án “Xây dựng xã hội học tập” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ năm 2005 theo các thời kỳ, giai đoạn 2005-2010, 2012-2020 và 2021-2030. Tính đến nay, việc triển khai các Đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 619 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp huyện; 10.469 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ – tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống.

Trong 4 mục tiêu chính của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, đã đạt được 2 mục tiêu lớn là “Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục”, “Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn”.

Tại Quảng Ninh, trên tinh thần “Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu”, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng cho phát triển giáo dục – đào tạo. Nổi bật là trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tỉnh đã hỗ trợ học phí bằng mức thu học phí công lập cho tất cả học sinh công lập và tư thục, với tổng kinh phí hỗ trợ trong 2 năm 2021, 2022 khoảng 596 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, ngân sách tỉnh dành bình quân 28,1 tỷ đồng/năm để thu hút, khuyến khích học sinh, sinh viên theo học và học tốt tại các trường Đại học Hạ Long, Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh, Cao đẳng Y tế Quảng Ninh; ban hành chính sách ưu đãi với học sinh trường THPT Chuyên Hạ Long; đặc biệt quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được chú trọng thực hiện; tổ chức Hội Khuyến học được củng cố và phát triển, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm mọi người dân đều bình đẳng trong học tập, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội và toàn dân tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại, công bằng, hội nhập, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Nâng cao ý thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội và của từng người dân về vai trò của xã hội học tập và phong trào học tập suốt đời.

Thủ tướng yêu cầu rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập theo hướng đa dạng hóa, gắn học với hành, tài với đức; phù hợp với các đối tượng, từng địa phương thông qua các mô hình mới, các làm hay; đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa cơ sở; hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả những ai có nhu cầu học tập đều được thỏa mãn.

Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo huy động sự chung tay đóng góp toàn xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp cả về nguồn lực vật chất, ý chí và quyết tâm, tạo đột phá trong phát triển xã hội học tập; khuyến khích phát triển bình đẳng, theo quy định của pháp luật đối với các loại hình đào tạo, không phân biệt giữa công lập với ngoài công lập, liên doanh, liên kết.

Thủ tướng kêu gọi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực tham gia, cùng chung tay, đóng góp, hưởng ứng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thu Phương
Nguồn Báo Quảng Ninh: https://baoquangninh.vn/ca-nuoc-thi-dua-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-day-manh-hoc-tap-suot-doi-giai-doan-2023-2030-3244493.html