Dường như, thiếu động lực và bị tấn công bởi cám dỗ sẽ khiến bạn mệt mỏi.
Bạn cảm thấy mệt mỏi vào cuối ngày làm việc. Sẽ chẳng có gì để nói, nếu bạn là một công nhân đã vất vả cả ngày trên công trường nắng nóng. Nhưng rõ ràng, bạn là một nhân viên văn phòng mà công việc cả ngày chỉ là ngồi phòng điều hòa và gõ máy tính.
Vậy điều gì đã khiến những ngón tay tiêu tốn nhiều năng lượng đến thế?
Bằng cách đặt ra câu hỏi này, bạn đã chạm đến một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong tâm lý học: Nguyên nhân gây ra mệt mỏi tinh thần là gì? Tại sao công việc bàn giấy vẫn khiến người ta kiệt sức?
“Thành thật mà nói, đó vẫn còn là một bí ẩn“, nhà tâm lý học Michael Inzlicht đến từ Đại học Toronto cho biết.
Nhưng nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra một số manh mối. Các nhà khoa học đã đưa ra được 2 giả thuyết chính, giải thích lý do tại sao công việc ít vận động vẫn khiến nhiều người kiệt sức.
Cả ngày chỉ ngồi điều hòa gõ phím, tại sao dân văn phòng vẫn mệt mỏi và kiệt sức?
Giả thuyết 1: Có một nguồn năng lượng tinh thần bên trong bạn và nó bị cạn kiệt
Giả thuyết này cho rằng mỗi người chúng ta đều có một kho năng lượng tinh thần giới hạn. Một số gọi nó đơn giản là ý chí hoặc phức tạp hơn là sự tự kiểm soát: Khả năng sử dụng năng lực tinh thần một cách mạnh mẽ để đạt được mục tiêu.
Khi năng lượng ý chí trong ngày được sử dụng hết, chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi. Nó tương tự như một quả bóng chứa đầy không khí, nhưng sau đó bị xẹp.
Giả thuyết này được gọi bằng thuật ngữ Tiếng Anh “ego delletion” và nó cho mọi người một sự hình dung tốt về lý do tại sao chúng ta mệt mỏi.
Nhưng vấn đề là, ngày càng có nhiều các nhà tâm lý học không đồng ý với giả thuyết này. Những nỗ lực chứng minh nó ở 23 phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đều đi đến thất bại. Ngoài ra, các nhà phê bình giả thuyết này cho rằng, ego delletion không có ý nghĩa về mặt sinh lý.
Một nghiên cứu ước tính rằng, ngay cả khi bộ não làm việc cật lực để dồn năng lượng vào một nhiệm vụ khó khăn, nó cũng chỉ sử dụng một lượng glucose bằng 1/10 viên kẹo ngậm Tictac. Hầu hết chi tiêu năng lượng của chúng ta được sử dụng để giữ cho các bộ phận quan trọng hoạt động như trái tim, bộ não và các cơ quan nội tạng khác.
Liệu chi phí năng lượng dành cho bộ não có tăng lên khi bạn giải một bài toán khó so với khi xem TV? Đa số các nhà khoa học đã nói “Không“, Kevin Hall, một nhà nghiên cứu béo phì tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cho biết.
Nhìn chung, mọi người thường hay lầm tưởng về cách bộ não và cơ thể họ sử dụng năng lượng như vậy. Và có vẻ như giả thuyết ego delletion cũng chứa đựng sai lầm tương tự.
Giả thuyết ego delletion cho rằng mỗi người chúng ta đều có một kho năng lượng tinh thần giới hạn, và nó bị cạn kiệt vào cuối ngày khiến chúng ta mệt mỏi
Giả thuyết 2: Chúng ta cảm thấy mệt mỏi vì không còn động lực
Giả thuyết thứ 2 về sự mệt mỏi tinh thần của bạn liên quan đến động lực. Theo giả thuyết này miêu tả, khi làm việc trên một nhiệm vụ bất kỳ, ban đầu chúng ta đều cố gắng tập trung vào nó vì có động lực.
Nhưng càng làm lâu, bạn sẽ mất dần hứng thú với nó. Cuối cùng, chúng ta có ít động lực hơn để thực hiện nhiệm vụ. Bạn sẽ bị lôi cuốn vào những công việc khác mà mình muốn làm hơn (ví dụ như lướt Facebook), thay vì những công việc chúng ta phải làm. Và trạng thái này có thể gây ra mệt mỏi.
Vào tháng Tám vừa rồi, các nhà khoa học ở Anh đã công bố một nghiên cứu mới tiết lộ một số bằng chứng gián tiếp cho giả thuyết động lực này.
Nghiên cứu theo dõi 100 y tá ở Anh qua hai ca làm việc kéo dài 12 tiếng đồng hồ. Trong suốt ca làm việc, các y tá đều đặn báo cáo cảm giác mệt mỏi của mình. Họ cũng được cho đeo một số thiết bị theo dõi hoạt động thể chất.
Kết quả chỉ ra, càng làm việc kéo dài, các y tá càng thấy mệt mỏi hơn. Và khi các nhà nghiên cứu điều tra nguyên nhân giải thích sự mệt mỏi đó, họ đã tìm thấy một mô hình thú vị.
Chẳng hề có sự tương quan nào giữa số lượng công việc thể chất mà các y tá đã làm và cảm giác mệt mỏi của họ. “Ở một số người, hoạt động thể chất gây mệt mỏi”, Derek Johnston, nhà tâm lý học từ Đại học Aberdeen, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết. “Nhưng ở những người khác, nó lại tiếp thêm sinh lực cho họ”.
Lẽ ra những y tá phải di chuyển nhiều hơn luôn cảm thấy mệt mỏi hơn, nhưng sự thật thì không liên quan một chút nào. Nhiều người phải di chuyển nhiều lại cảm thấy sung sức hơn.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra nhận định chủ quan của các y tá về độ khó mà công việc đòi hỏi ở họ cũng không liên quan đến cảm giác mệt mỏi.
Thay vào đó, các nhà khoa học tìm thấy mối tương quan này: Các y tá ít cảm thấy mệt mỏi nhất thì kiểm soát công việc của họ tốt nhất, và phần thưởng mà họ đạt được từ công việc cũng xứng đáng nhất. Những cảm xúc này có thể đã thúc đẩy động lực của họ, khiến họ cảm thấy mình có năng lượng.
Một nghiên cứu trên y tá cho thấy những người có nhiều động lực hơn ít mệt mỏi hơn
Inzlicht cũng đã tìm thấy bằng chứng cho mô hình động lực trong nghiên cứu của mình. Một vài năm trước, ông và nhà tâm lý học Marina Milyavskaya đến từ Đại học Carleton đã theo dõi 159 sinh viên tại Đại học McGill ở Canada trong một tuần.
Suốt thời gian thử nghiệm, những người tham gia liên tục nhận được những câu hỏi qua tin nhắn về những cám dỗ, ham muốn, sự tự kiểm soát mà họ đang có ở thời điểm hiện tại, và liệu họ có cảm thấy kiệt sức hay không.
Kết quả đã chỉ ra những người cảm thấy mệt mỏi nhất là những người có nhiều cám dỗ nhất.
“Nếu bạn đang đánh máy tại nơi làm việc, mà giống như tôi, bạn cũng có một vài trình duyệt khác đang mở, bạn vẫn mở sẵn Twitter. Chúng sẽ dẫn chúng ta xuống hang thỏ đi đến cám dỗ“, Inzlicht nói. Những cám dỗ khiến chúng ta mất động lực để làm công việc của mình, từ đó, có thể khiến chúng ta mệt mỏi và kiệt sức.
Và có một lý do từ tiến hóa giải thích tại sao bộ não của chúng ta lại mở đường cho hiệu ứng này.
“Là một sinh vật, chúng ta cần phải đáp ứng nhiều mục tiêu để tồn tại“, Inzlicht giải thích. Con người không thể chỉ tập trung vào việc tìm kiếm thức ăn hoặc tìm bạn tình, ngủ nghê, hoặc theo đuổi niềm đam mê của mình trong cuộc sống. Chúng ta còn cần phải làm tất cả những điều biến chúng ta trở thành một loài khỏe mạnh và thịnh vượng.
“Bởi vì nhiều mục tiêu này cạnh tranh với nhau [trong thời đại của chúng ta], chúng ta cần một cơ chế tại chỗ để báo hiệu,‘Này, đừng làm điều đó nữa, hãy làm điều gì khác đi’“, Inzlicht nói. Và cơ chế đó, theo ông gợi ý, là sự mệt mỏi.
Theo giả thuyết này, thúc đẩy động lực của bạn cho một nhiệm vụ có thể giúp bạn cảm thấy ít mệt mỏi hơn. Một nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần trả tiền cho người tham gia, ngay cả ở thời điểm kiệt sức, vẫn giúp họ vực dậy và hoàn thành nhiệm vụ.
Tại sao chúng ta cần giải thích sự mệt mỏi của mình?
Càng tìm hiểu về sự mệt mỏi, chúng ta càng có thể thiết kế lại môi trường và thói quen làm việc trở nên an toàn, vui vẻ và hạnh phúc hơn
Như đã đề cập, các nhà tâm lý học cũng vẫn chưa có một lý thuyết chắc chắn nào giải thích sự mệt mỏi tinh thần của chúng ta. Không giống như các hoạt động thể chất, rất khó để theo dõi tâm trí của mọi người, động cơ, ham muốn và sự mệt mỏi của họ suốt cả ngày.
Công nghệ điện thoại thông minh và các thiết bị đeo theo dõi thể chất như Fitbit có thể giúp thu thập được nhiều dữ liệu hơn để phục vụ nghiên cứu. Nhưng chúng ta sẽ phải chờ đợi các nhà khoa học xác nhận thêm về giả thuyết động lực trong các thử nghiệm với mẫu lớn.
Có thể bạn sẽ hỏi rằng tại sao còn người cần tìm hiểu về nguồn gốc của sự mệt mỏi. Đó là vì khi rơi vào trạng thái đó, chúng ta dễ bất cẩn, gây ra sai sót và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Hãy tưởng tượng khi bạn lái xe trên đường về nhà trong trạng thái uể oải, tai nạn có thể xảy ra vì bạn không xử lý được tình huống khẩn cấp.
Và nhìn chung, mệt mỏi không phải là một cảm giác tốt đẹp. Càng tìm hiểu về sự mệt mỏi, chúng ta càng có thể thiết kế lại môi trường và thói quen làm việc trở nên an toàn, vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Điều này cũng hữu ích cho các ông sếp: Làm thế nào để họ có thể tạo ra những kịch bản tốt nhất, giúp người lao động của mình cảm thấy tràn đầy sinh lực, năng động và làm việc hiệu quả suốt cả ngày?
Tham khảo Vox