Bóng đá Việt Nam và giấc mộng xuất khẩu cầu thủ đã thành hiện thực

Đặng Văn Lâm sang Thái Lan, đó chưa phải là phát súng đầu tiên cho một cuộc “di cư” lớn của các ngôi sao ĐT Việt Nam thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019.

Trong hai ngày qua, bóng đá Việt Nam có thể gọi là chấn động với việc thủ môn Đặng Văn Lâm bất ngờ chia tay CLB Hải Phòng để chuyển sang thi đấu tại Thai League trong màu áo đại gia Muangthong United. Mặc dù mọi thứ vẫn chỉ trên giấy tờ nhưng có thể khẳng định tới 99% hợp đồng của thủ môn số 1 của ĐT Việt Nam sẽ thành hiện thực.

Không ít người hâm mộ nước nhà phấn khởi trước thông tin một ngôi sao của Việt Nam được CLB nước ngoài chiêu mộ bằng một hợp đồng chuyển nhượng thực sự chứ không phải theo dạng cho mượn hay quan hệ như những trường hợp trước đây. Điều này hứa hẹn sẽ mở ra một tiền lệ mới cho bóng đá Việt Nam trong tương lai là việc xuất khẩu cầu thủ.

Có thể ai đó sẽ cho rằng đó là một sự lạc quan và mơ mộng nhưng tại sao lại không thể mơ kia chứ khi bóng đá Việt Nam đang ngày một được nhắc tới nhiều hơn trên bình diện quốc tế. Chất lượng của các cầu thủ Việt, rõ ràng nhất là các tuyển thủ quốc gia, đã được nâng tầm, điều đó được thể hiện qua những giải đấu ấn tượng cấp châu lục hay khu vực gần đây.

Sau thành công ở giải U23 châu Á 2018, Asiad 2018 và mới nhất là AFF Cup 2018, các tuyển thủ Việt Nam đang là mục tiêu chú ý và theo đuổi của hàng loạt đội bóng trong nước lẫn quốc tế. Mở đầu cho một cuộc đại “di cư” đầy hứa hẹn của sao ĐTQG là đội trưởng Quế Ngọc Hải, người vừa rời SLNA để chính thức gia nhập đại gia Thể Công.

Đây là một vụ chuyển nhượng đáng mơ ước không chỉ với Ngọc Hải mà còn với rất nhiều cầu thủ xứ Nghệ bởi Thể Công là một đội bóng mạnh về tài chính, có hậu phương vững chắc, đầy truyền thống và bề dày lịch sử. Được thi đấu cho một đội bóng mà cái tên đã thành thương hiệu của bóng đá Việt Nam như thế cũng chẳng kém là bao so với việc được ra nước ngoài.

Bóng đá Việt Nam và giấc mộng xuất khẩu cầu thủ đã thành hiện thực - Ảnh 1.

Văn Lâm trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu tại Thai League, mở ra xu hướng xuất ngoại thi đấu “thực thụ” cho cầu thủ Việt.

Sắp tới nhiều khả năng Thể Công còn đón thêm một tuyển thủ nữa là Nguyễn Trọng Hoàng. Với việc CLB Thanh Hóa gặp vấn đề về tài chính sau khi tập đoàn FLC rút lui, việc một ngôi sao có tiếng như Hoàng “bò” ra đi là điều dễ hiểu và tái hợp với Ngọc Hải, Tiến Dũng ở đội bóng áo lính quả là điều đáng mong.

Và dĩ nhiên cơ hội “lên đời” không chỉ đến với những cái tên nói trên. Chính đội bóng mới của Văn Lâm là Muangthong United đã từng liên hệ với Văn Quyết, Quang Hải trong thời điểm diễn ra ASIAD 2018. Đại gia Thái Lan này khẳng định rất thích phong cách của Văn Quyết và tin rằng anh sẽ thi đấu tốt ở môi trường khắc nghiệt như Thai League.

Một loạt đội bóng khác của Thái Lan, Malaysia cũng đã liên hệ với Văn Đức, Công Phượng và bản thân hai cầu thủ này cũng đã từng khẳng định họ rất nghiêm túc với cơ hội ra nước ngoài thi đấu. Thử sức ở môi trường mới như Thai League là điều rất thú vị để nâng cao hơn nữa trình độ của bản thân.

Bóng đá Việt Nam và giấc mộng xuất khẩu cầu thủ đã thành hiện thực - Ảnh 2.

Văn Đức có thể chọn phương án ra nước ngoài thi đấu trong thời gian tơi nếu được SLNA mở cửa

Văn Đức đang là ngôi sao trẻ tiến bộ nhất của bóng đá Việt Nam trong năm qua và việc anh rời SLNA để chuyển đến một đội bóng mới ổn hơn về tài chính và môi trường thi đấu sẽ là điều không có gì ngạc nhiên. Hợp đồng đào tạo trẻ với đội bóng xứ Nghệ là trở ngại duy nhất ngăn anh thực hiện ước mơ.

Tương tự thế là Công Phượng, sau thời gian dài lấy lại hình ảnh vốn có, anh đã sẵn sàng cho một chuyến xuất ngoại nữa để khẳng định tài năng.

Và rồi khi ra nước ngoài thi đấu trở thành chuyện không còn xa vời, sẽ không bất ngờ khi Quang Hải tung cánh tới Qatar hay Nhật Bản (đã nhận được những lời đề nghị từ các đội bóng ở hai quốc gia này) hay Xuân Trường trở lại Hàn Quốc. Đáng mơ nữa là việc bộ đôi hậu vệ cánh của ĐTQG Văn Hậu, Văn Thanh bay hẳn sang châu Âu thi đấu. Đó sẽ là một giấc mộng tuyệt vời của bóng đá Việt Nam.