Luật sư cho rằng nếu khoản tiền 2.100 tỷ đồng đã hết, bà Thảo phải chứng minh việc chi tiêu ra sao.
Theo các chuyên gia luật, việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ yêu cầu phân chia khoản tiền hơn 2.100 tỷ đồng gửi tại ngân hàng là đúng luật, dù khoản tài sản này còn hay đã hết.
Ngày 23/3, trao đổi với phóng viên, luật sư của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) cho biết, các ngân hàng đã có công văn trả lời liên quan tới việc xác minh khối tài sản trị giá hơn 2.100 tỷ đồng của vợ chồng ông Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo được gửi tại đây.
Hơn 2.100 tỷ đồng đã bốc hơi khỏi ngân hàng
Kết quả xác minh tại các ngân hàng này thể hiện, toàn bộ tài sản này chỉ còn khoảng hơn 1,3 tỷ đồng được gửi tại Eximbank. Đối với các ngân hàng nước ngoài thì từ chối cung cấp thông tin của khách hàng nên không thể xác định số dư tài khoản.
Trong quá trình xét xử và hồ sơ đơn phản tố, phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng tài sản tích luỹ chung của 2 vợ chồng bao gồm tiền, vàng, ngoại tệ có giá trị hơn 2.100 tỷ đồng do bà Thảo đứng tên tài khoản, được gửi tại các ngân hàng Eximbank, BIDV và Vietcombank (chi nhánh TP HCM).
Quá trình xét xử, phía bà Thảo cho biết khoản tiền trên được xác minh vào năm 2016, sau thời điểm đó thì số tiền hiện nay không còn nữa. “Xác định số tiền để chia thì phải xác định hiện tại chứ không thể chọn thời điểm trong quá khứ”, đại diện pháp luật của bà Thảo nói.
Vợ chồng ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên vẫn chưa thống nhất về việc phân chia khoản tiền hơn 2.100 tỷ đồng và cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên.
“Vào năm 2018 có thông tin xác minh từ 3 ngân hàng Eximbank, BIDV và Vietcombank các khoản tiền, vàng ngoại tệ xác minh là con số rõ ràng và nằm trong tài khoản cá nhân của nguyên đơn, chỉ có nguyên đơn rút chứ không ai khác”, luật sư của ông Vũ nói về khoản tiền 2.102 tỷ đồng tại phiên xử.
Trước đó, chiều 1/3, HĐXX bất ngờ quay lại phần hỏi và yêu cầu phía ông Vũ cung cấp thêm chứng cứ liên quan đến khối tài sản trị giá hơn 2.100 tỷ đồng được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân do bà Thảo đứng tên tại các ngân hàng. Do những chi tiết này chưa được làm rõ, HĐXX quyết định hoãn phiên xử để thu thập thêm chứng cứ.
“Phải chứng minh chi tiêu về việc gì”
Nhận định về vụ việc, luật sư Nguyễn Hữu Nhân (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng việc phân chia tài sản khi ly hôn sẽ chia những tài sản mà họ có. Luật sư cho rằng ông Vũ đủ cơ sở để đòi phân chia khoản tài sản trên, dù phía bà Thảo khẳng định số tiền này không còn.
“Chuyện tiền thực sự còn hay không chỉ có nguyên đơn biết thôi, bởi theo nội dung, diễn biến tại tòa thể hiện bà Thảo là người đứng tên tài khoản ngân hàng nên chỉ có thể là nguyên đơn hoặc ủy quyền hợp pháp của bà này mới có thể rút tài sản. Đường đi của số tiền này đã rõ.
Cái thứ hai, đây là số tiền chung của hai vợ chồng, nếu nói hết rồi thì bà Thảo phải chứng minh được việc chi tiêu vào chuyện gì. Nếu nói không còn tiền chứng minh được việc sử dụng vào việc chung của gia đình, hay các doanh nghiệp của gia đình… thì phía bà Thảo phải chịu trách nhiệm”, luật sư Nhân nói.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói rằng số tiền hơn 2.100 tỷ đồng trong ngân hàng “không còn nữa”.
Tương tự, trước đó luật sư Trần Bá Học cũng cùng quan điểm cho rằng, khoản tài sản hơn 2.100 tỷ đồng là tài sản chung của 2 vợ chồng mà không cần bàn tới việc đã dùng hết hay chưa. Luật sư cho rằng phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ yêu cầu được phân chia là hoàn toàn hợp lý.
“Nếu không thỏa thuận được thì những khối tài sản chung thường được chia đôi, tất nhiên có tính tới hoàn cảnh, góp sức tạo lập và duy trì khối tài sản này như thế nào”, luật sư nói. Quan điểm này cũng giống của đại diện VKSND TP HCM thể hiện tại phiên xử.
Cụ thể, VKS đánh giá, theo quy định tại Luật Hôn nhân gia đình, tài sản chung của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất, nếu không thỏa thuận được thì tài sản chia đôi, có tính đến công sức của vợ chồng trong việc tạo lập khối tài sản chung.
“Người vợ lo lắng việc gia đình không đi làm được vẫn được tính là có đi làm như người bình thường. Tuy nhiên, bên nào có đóng góp nhiều sẽ được chia phần nhiều hơn”, đại diện cơ quan công tố nhận định.
Trao đổi với báo chí, luật sư Trần Thu Nam cũng cho rằng khoản tiền 2.100 là tài sản chung của 2 vợ chồng. Luật sư cũng đồng quan điểm với việc nếu đã sử dụng hết thì phải chứng minh được quá trình sử dụng, dường đi của dòng tiền.
“Nếu như bà Thảo nói đã sử dụng hết thì phải chịu trách nhiệm giải trình đã chi tiêu vào việc gì. Nếu không giải trình được thì đồng nghĩa thừa nhận đang chiếm giữ số tiền này. Khoản tài sản này sẽ được cộng dồn vào tổng giá trị tài sản chung. Điều này đồng nghĩa với việc bà Thảo được coi đã nhận 1 phần tài sản chung từ 2.100 tỷ đồng và sẽ bị khấu trừ khi chia”.
Ngoài việc không thống nhất được về việc phân chia số tiền 2.102 tỷ đồng này, vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn không thống nhất được việc chia cổ phần tại Tập đoàn cà phê Trung Nguyên.
Phía ông Vũ đề nghị chia cổ phần tại các công ty theo tỉ lệ 70-30, nhưng bà Thảo không đồng ý mà đề nghị chia cho mình 51% cổ phần Công ty CP đầu tư Trung Nguyên, ông Vũ 39% vì ở công ty này có 2 nhóm cổ đông. Bà cho rằng phương án phân chia của mình mới đảm bảo công bằng.
Trước đó, ngày 25/2, VKS đề nghị tòa cho vợ chồng ông chủ Trung Nguyên ly hôn, 4 con giao cho bà Thảo nuôi theo thỏa thuận hai bên đã thống nhất. Các bất động sản cũng chia theo sự thỏa thuận của hai bên.
Phần vốn góp chung tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên chia đôi, song phải tính đến các yếu tố công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Với tài sản 2.100 tỷ đồng tại ngân hàng chưa thu thập chứng cứ đầy đủ nên tách ra xử lý riêng.