Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Tôi sẽ làm bản tự kiểm điểm gửi Thủ tướng vào tháng 12

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đây là lần thứ 2 ông thay mặt Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm trước Thủ tướng về việc chưa hoàn thành xây dựng chính sách đối với cán bộ người dân tộc.

Bộ trưởng Nội vụ xin nhận khuyết điểm

Nêu ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân vào cuối giờ sáng 7/11, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho hay, quyết định số 402 của Thủ tướng ngày 14/3/2016 phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.

Trong đó, Thủ tướng đã xác định tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức tương ứng với tỷ lệ dân số. Nhưng đến nay gần 4 năm Bộ Nội vụ chưa có văn bản, Thông tư để hướng dẫn thực hiện.

Mặt khác, trong Đề án phát triển kinh tế – xã hội, vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020-2021 đến 2030 trình Quốc hội tiếp tục đề xuất chính sách này.

“Vậy đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ tính khả thi của chính sách này?”, bà Lan đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, đây là lần thứ 2 ông thay mặt Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm trước Thủ tướng liên quan đến một quyết định về chính sách đối với cán bộ người dân tộc.

Ông nói, tháng 3/2016, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ 8 nhiệm vụ mà đến nay Bộ còn 4 nhiệm vụ chưa làm.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Tôi sẽ làm bản tự kiểm điểm gửi Thủ tướng vào tháng 12 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.

“Tôi xin báo cáo Thủ tướng, tôi sẽ làm bản tự kiểm điểm gửi Thủ tướng vào tháng 12 để nhận trách nhiệm về vấn đề này. Đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ và trong đó, có trách nhiệm của Bộ trưởng”, Bộ trưởng Tân nói.

Người đứng đầu ngành Nội vụ cũng nhìn nhận, một quyết định của Thủ tướng quy định chế độ, chính sách nhưng đến nay chưa có ban hành chương trình hành động, chưa phối hợp với Bộ Tài chính để lập kinh phí thực hiện, chưa lập kế hoạch hàng năm và đề án xây dựng bồi dưỡng cán bộ người dân tộc cũng chưa có.

“Khuyết điểm này phải được kiểm điểm đến nơi đến chốn”, ông nêu rõ và thông tin, khi sửa đổi các Nghị định đều có lồng các chính sách về người dân tộc, trong đó, Nghị định về tuyển người dân có xem xét miễn thi tin học, ngoại ngữ nhưng không hẳn là chính sách đào tạo người dân tộc.

Ông nêu rõ, ông đã làm việc với Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính để bàn về cơ cấu người dân tộc trong thời gian tới cũng như biên chế đã được giao.

“Dứt khoát tuyển dụng công chức, viên chức của người dân tộc không thể tuyển dụng chung với người Kinh. Sắp tới chúng tôi sẽ xin tham mưu với Thủ tướng tuyển riêng và trong tỷ lệ đó phải tuyển dụng đủ 5 – 10 – 15% tức là tuyển dụng người dân tộc, người Kinh với nhau.

Kể cả cơ cấu cấp ủy, HĐND cũng phải tính tỷ lệ người dân tộc tương ứng còn không thể làm chung một mặt bằng”, Bộ trưởng Tân nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nội vụ cũng hy vọng trong nhiệm kỳ tới đây, nhất là Đại hội các cấp sẽ phải đảm bảo được tỷ lệ người dân tộc. Thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh đều đảm bảo được tỷ lệ người dân tộc trong cơ cấu công chức, viên chức ở cấp tỉnh, thậm chí có những tỉnh đạt tỷ lệ cao.

“Hơn 10 năm làm lãnh đạo nhưng chưa bản tự kiểm nào đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”

Trước đó, trong sáng 7/11, nêu câu hỏi với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đã đặt vấn đề theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

“Nếu như con số này chính xác, đây là một điều rất đáng mừng. Chúng tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết con số 0,63% nêu trên có phản ánh đúng tình hình thực tế thực thi công vụ của công chức hay không?

Và nếu không đúng, nguyên nhân xuất phát từ quy định về đánh giá, phân loại công chức không phù hợp hay đến từ có sự nể nang, dĩ hòa vi quý trong quá trình đánh giá, phân loại công chức?”, đại biểu Thủy hỏi.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Tôi sẽ làm bản tự kiểm điểm gửi Thủ tướng vào tháng 12 - Ảnh 3.

ĐB Nguyễn Thị Thủy.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, hiện nay, Bộ đã có tổng hợp của hơn 40 tỉnh, các Bộ, ngành về đánh giá công chức, viên chức, trong đó, mức độ hoàn thành xuất sắc của công chức hơn 27%, hoàn thành tốt là hơn 67%, hoàn thành nhiệm vụ năng lực hạn chế hơn 6% và không hoàn thành là 0,63%. Với viên chức cũng tương ứng như vậy.

“Nhưng tôi nhận xét, đánh giá này chưa chính xác, bởi, các địa phương chưa xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ công việc được phân công nên chủ yếu là tình cảm, đánh giá một cách chung chung với nhau”, ông Tân nêu.

Bộ trưởng Tân dẫn chứng, Bộ Nội vụ vừa rồi đã ban hành việc kiểm tra công việc hàng tháng, có ghi chép nhiệm vụ Bộ trưởng giao cho chuyên viên, việc gì hoàn thành ngày nào và có bản công khai trong ngày hôm nay, trong tháng này, vụ nào còn nợ bao nhiêu, ai nợ vấn đề gì.

Căn cứ vào đó để đánh giá kết quả cuối năm và sẽ trừ điểm thi đua. Như vậy, mới biết mức độ hoàn thành như thế nào. Tức là giao việc và sau đó kiểm tra, giám sát.

Cùng với đó, thực hiện các quy chế quy định của cơ quan người lãnh đạo cấp vụ phải chấm công, chấm điểm đầy đủ, đàng hoàng, thực trạng thái độ công vụ, công chức của cơ quan trong việc xử lý công việc có chậm trễ hay không? có hoàn thành được nhiệm vụ hay không?

“Rõ ràng, trong thời gian qua việc xây dựng tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức ít có nơi làm nên còn mang tính cảm giác, nể nang. Riêng với các lãnh đạo ít khi nào được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành tốt lắm.

Tôi hơn 10 năm làm lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên nhưng chưa có bản tự kiểm nào, tôi đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả nhưng anh em nói, nếu Chủ tịch, Bí thư, Bộ trưởng mà không hoàn thành thì chúng em làm gì có hoàn thành được. Cái đó tôi nói thật. 

Nên nếu để Thủ trưởng hoàn thành xuất sắc nói thật là áy náy quá vì đơn vị mình có hoàn thành xuất sắc đâu mà mình hoàn thành xuất sắc. Tôi nghĩ đây là tâm trạng chung và rõ ràng là tư tưởng còn nể nang”, Bộ trưởng Tân đánh giá.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho rằng, để khắc phục tình trạng này thì sắp tới phải sửa các Nghị định liên quan để phù hợp với quy định và phải có đánh giá ngang, đánh giá dọc, đánh giá đa chiều, trên đánh giá dưới, đánh giá trên và đánh giá phải bằng những sản phẩm cụ thể để thấy chất lượng công chức.

“Tôi nói nghiêm túc đánh giá cán bộ kiểu gì đến mức không tìm ra được người để tinh giản biên chế, không có đối tượng nào lọt vào giảm biên chế được.

Trong khi đó dư luận xã hội quan tâm và người ta nói chỉ có 30% làm việc thôi mà tại sao không kiếm được người để giảm biên chế.

Tôi nghĩ đây là vấn đề này chúng ta phải thống nhất về quan điểm chủ trương của Đảng của Nhà nước để làm một cách nghiêm túc công khai trong lĩnh vực đánh giá…”, Bộ trưởng Tân nói thêm.

“Tuy là tham nhũng vặt, là lỗ nhỏ thôi nhưng rất nguy hiểm”

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đã nêu về tình trạng tham nhũng vặt, gây khó dễ và sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức còn diễn ra ở nhiều nơi, chậm được khắc phục, gây bức xúc trong cử tri và xã hội.

“Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ chế tài xử lý quy định trong Luật Cán bộ, công chức chưa đủ mạnh, còn rườm rà về thủ tục.

Về việc siết chặt kỷ luật công vụ, mạnh tay xử lý các sai phạm nói trên, xin Bộ trưởng cho biết, trong sửa đổi Luật Cán bộ công chức lần này, Bộ trưởng có đề xuất chi mạnh tay hơn, mới hơn để khắc phục các tình trạng nói trên?”, ông Cầu hỏi.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Tôi sẽ làm bản tự kiểm điểm gửi Thủ tướng vào tháng 12 - Ảnh 4.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo, giao cho Bộ trưởng Nội vụ làm Tổ trưởng kiểm tra công vụ nên làm rất quyết liệt.

“Tuy là tham nhũng vặt, là lỗ nhỏ thôi nhưng rất nguy hiểm”, ông Tân nói.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, vừa qua Chính phủ ban hành Đề án văn hoá công vụ, các địa phương cần xây dựng chương trình hành động triển khai. Thủ tướng cũng đã phát động văn hoá công sở, công chức phải thực sự là công bộc, tinh thần này phải được thổi lên.

Ông nêu thực tế có các đơn vị được giao nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có khi làm 12h đêm không nghỉ.

“Như Bộ Nội vụ có những ngày làm đến đêm đèn vẫn sáng, các cơ quan khác cũng vậy. Nhưng người làm việc tốt như thế không nhiều đâu.

Vì vậy chế độ lương, thưởng và vị trí việc làm cần phải tính lại. Người nỗ lực phải hưởng mức lương tương xứng chứ không cao bằng như hiện nay”, ông Tân nêu rõ.

Người đứng đầu ngành Nội vụ nhắc lại tinh thần xử lý tham thũng vặt là xử lý kiên quyết, thời gian đã xử lý nhiều nhưng con số này cũng chưa phản ánh bức tranh chung của xã hội.