Đi chợ phiên vùng cao ngày Tết

Không chỉ mang đậm bản sắc các dân tộc thiểu số, chợ phiên có ý nghĩa quan trọng đối với những xã vùng cao, là nơi tiêu thụ hàng hóa; kích thích kinh tế phát triển theo hướng hàng hóa và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương.

Trang phục các dân tộc được bày bán tại chợ phiên vùng cao.

Trang phục các dân tộc được bày bán tại chợ phiên vùng cao.

Mỗi phiên chợ như đưa Tết về với vùng cao sớm hơn. Càng giáp Tết thì chợ càng đông vui, càng đông vui thì bán được nhiều hàng.

Đi chợ Tết vùng cao giữa Hà Nội

Chào mừng năm mới 2023, nhằm giới thiệu những nét văn hóa đầu xuân mới qua văn hóa ẩm thực đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, những nét văn hóa truyền thống, đặc trưng các dân tộc thiểu số Việt Nam, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động phiên chợ vùng cao ngày Tết.

Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Kháng…

Chương trình giới thiệu không gian chợ vùng cao đậm sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc như Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng…, trong đó, không gian chợ với 50 gian hàng giới thiệu sản vật địa phương, ẩm thực truyền thống của các dân tộc.

Ngoài ra, chương trình còn có không gian trưng bày tranh “Phiên chợ ngày xuân” và một số hoạt động bổ trợ khác sẽ giới thiệu những bức ảnh về vẻ đẹp của vùng đất và con người các địa phương Điện Biên, Bắc Kạn và một số ảnh không gian văn hóa đã tổ chức tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Với đồng bào H’Mông, khèn là biểu tượng văn hóa, nhạc cụ, nhạc khí kết nối với thế giới tâm linh, phương tiện kết nối cộng đồng. Nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc H’Mông gắn liền với chiếc khèn. Diễn tấu khèn là loại hình nghệ thuật độc đáo. Năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghệ thuật múa khèn của dân tộc H’Mông tỉnh Bắc Kạn vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Màn trình diễn dân gian nghệ thuật múa Khèn của dân tộc H’Mông tỉnh Bắc Kạn diễn ra tại không gian chợ vùng cao phía Bắc, Khu các làng dân tộc I với sự tham gia của 12 nghệ nhân đồng bào dân tộc H’Mông tỉnh Bắc Kạn. Các nghệ nhân giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bằng nghệ thuật trình diễn các tiết mục đặc sắc múa khèn đơn, khèn đôi; giúp du khách có thể trải nghiệm, cùng trao đổi với nhau về tiếng khèn của đồng bào dân tộc H’Mông, hòa cùng không khí niềm vui ngày hội non sông thống nhất.

Trò chơi nhảy lửa.

Trò chơi nhảy lửa.

Trong không gian chợ vùng cao phía Bắc, đồng bào dân tộc Kháng tỉnh Điện Biên sẽ tái hiện Lễ hội Pang Phoóng (Lễ tạ ơn). Đây là lễ hội, tập quán xã hội và tín ngưỡng độc đáo, đặc trưng tiêu biểu chỉ có ở dòng họ Lò Khul mà các dòng họ khác của dân tộc Kháng trên địa bàn tỉnh Điện Biên không có. Lễ Pang Phoóng là lễ hội nhằm tạ ơn tổ tiên, thần linh; nhắc nhở, răn dạy con cháu luôn nhớ về tổ tiên, cội nguồn của dân tộc…

Đồng bào dân tộc Dao tỉnh Bắc Kạn sẽ tái hiện Lễ cầu năm mới, cầu mùa. Lễ này thường diễn ra dịp cuối năm hoặc đầu năm mới, vào ngày Thìn hoặc ngày Sửu để mang lại may mắn cho bản làng. Bằng các nghi lễ truyền thống, điệu múa cầu mùa trong nghi thức cũng thể hiện sự tôn kính với thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất. Lễ này thể hiện nét truyền thống, ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong đời sống văn hoá của đồng bào dân tộc Dao.

Đồng bào dân tộc Mường, Thái, Nùng tỉnh Sơn La thi thổi xôi ngũ sắc và mâm cơm mừng năm mới. Các đội thi sẽ chuẩn bị nguyên liệu thô, giã thóc thành gạo, lấy lửa tự nhiên, nấu xôi.

Các nhóm sẽ đồ các chõ xôi màu sắc khác nhau. Xôi màu đỏ được gọi là “khảu đeng”, gạo được ngâm với cây khảu đeng. Xôi màu tím được gọi là “khảu cắm” được ngâm với cây khảu cắm. Xôi màu vàng được gọi là “khẩu lương” thì ngâm gạo với hoa bó phón. Xôi màu xanh còn gọi là “khảu kheo”, gạo được ngâm với lá cơm nếp hoặc lá dứa. Xôi màu trắng được gọi là “khảu đón” để nguyên.

Sau khi xôi chín, các nghệ nhân sẽ trình bày mâm xôi ngũ sắc để giới thiệu đến du khách. Đồng bào sẽ giới thiệu “Mâm cơm đoàn kết” đón chào năm mới với các món ăn đặc trưng của đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái…

Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình còn có giới thiệu, trình diễn nghề thủ công truyền thống của các nhóm đồng bào dân tộc vùng cao; biểu diễn dân ca dân vũ “Chợ phiên ngày Tết” của cộng đồng các dân tộc tại không gian chợ vùng cao phía Bắc…

Qua đó, du khách thêm hiểu những nét văn hóa truyền thống, đặc trưng các dân tộc; góp phần bảo tồn, phát huy, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc nhân dịp đầu năm mới 2023.

Du khách đi chơi chợ, ngoài mua sắm, còn được thưởng thức những món ăn nổi tiếng của các dân tộc. Anh Nguyễn Quốc Trinh, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, đi chợ vùng cao chính là tìm về tuổi thơ. Ở đây người đi chợ không cần phải có quá nhiều tiền, song vẫn cảm thấy mình hạnh phúc. Nếu ở thành phố người ta đi siêu thị, mua bán online, thì đi chợ quê vùng cao mới cảm nhận được không khí Tết đang len lỏi về khắp các bản làng.

Nơi “giao lưu” tổng hợp đậm bản sắc văn hóa vùng cao

Không giống chợ ở trung tâm thành phố, thị trấn, chợ vùng cao họp theo phiên, có khi cả tuần, nửa tháng mới có một phiên. Và không phải xã nào cũng có chợ, nên phiên chợ ở đây rất quý, thu hút đông đảo khách trong vùng, các xã giáp ranh, nhất là dịp gần Tết.

Tại Tuyên Quang, ở huyện vùng cao Lâm Bình, chợ có ở thị trấn Lăng Can, xã Thượng Lâm, xã Phúc Yên, xã Hồng Quang, xã Thổ Bình. Còn ở huyện Na Hang chợ có ở thị trấn Na Hang, xã Đà Vị, xã Yên Hoa.

Không khí Tết vùng cao xuất hiện ở các chợ là sớm nhất. Ngay từ sáng sớm, các con đường dẫn vào chợ vẫn chìm trong mây, chỉ nhận rõ tiếng cười nói, trao đổi hàng hóa nhộn nhịp. Chợ vùng cao thường có hai loại hàng trao đổi hai chiều. Một là các mặt hàng thiết yếu như muối, nước mắm, dầu hỏa và bánh kẹo phục vụ Tết ở dưới xuôi mang lên. Hai là hàng hóa nông sản của bà con mang bán như lợn, gà, lá dong, mộc nhĩ, măng khô. Có người bán trâu, có người mang theo mấy con gà để bán, tiền bán được thì sắm Tết luôn. So với các phiên chợ trong năm, chợ gần Tết bao giờ cũng đông đúc, phong phú mặt hàng.

Không gian văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Không gian văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Với người dân địa phương, chợ vùng cao chính là nơi “giao lưu” tổng hợp. Đi chợ có khi cũng chỉ thèm một bát phở, mấy cái bánh rán. Hay đi chợ cũng loanh quanh để xem người ta bán hàng, thích cái không khí nhộn nhịp, bắt tay, chào hỏi người quen. Ở chợ, có thể gặp nhiều sắc phục dân tộc như Tày, Dao, H’Mông, Pà Thẻn, Nùng, tạo thành một bức tranh rực rỡ, ấm áp.

Gian hàng bán quần áo là điểm nhấn ở chợ bởi tràn ngập sắc màu thổ cẩm của trang phục Dao, H’Mông, Tày… Đi chợ vùng cao ta như thấy hồn cốt dân tộc trong mỗi bộ trang phục truyền thống, cách bà con giao tiếp với nhau, mời nhau mua con cá đồng, con gà, mua vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày như rổ rá, dao, dựa, cày, cuốc…

Hàng hóa vùng cao ấn tượng nhất với du khách dịp Tết vẫn là khu bán hoa đào, lá dong, gà ta, lợn đen, rượu ngô men lá, bánh khảo, vỏ ăn trầu, vải thổ cẩm, gạo nếp, lạc, đỗ, chuối, bưởi, măng khô. Người dân đến họp chợ không chỉ trao đổi hàng hóa mà còn là đi chơi chợ. Có khi người ta kéo nhau vào hàng quán, ăn với nhau miếng quà bánh, uống với nhau chén rượu. Chợ chỉ họp 1 phiên trong tuần nên bà con háo hức lắm.

Khách du lịch, nhất là các nhiếp ảnh gia rất thích thú với chợ phiên vùng cao ngày giáp Tết. Có những nhóm du khách lên kế hoạch đi theo “tour” để tận hưởng không khí Tết ở vùng cao này. Theo họ, cái Tết vừa giản dị, mộc mạc, vừa nồng ấm như chính con người vùng cao vậy.