Từ thực tế kiểm tra, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị một số nội dung cụ thể đối với địa phương.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo số 119/BC-BTC ngày 21/7/2023 gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo kết quả thí điểm kiểm tra vấn đề quản lý tiền công đức tại tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023.
Tiếp nhận gần 71 tỷ đồng tiền công đức, tài trợ
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, kết quả kiểm tra cho thấy, tại 450 di tích lịch sử -–văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động tại di tích, cụ thể, có tổng số 468 chủ thể đan xen quản lý.
Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng 04 khu di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử, Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, Khu di tích lịch sử Bạch Đằng và Di tích đền Cửa Ông. Ban quản lý di tích kiêm nhiệm cấp xã quản lý, sử dụng 170 di tích là đình, đền, miếu, cơ sở tương tự khác và 62 di tích là chùa chưa có nhà sư trụ trì. Người đại diện cơ sở tín ngưỡng quản lý, sử dụng 224 di tích là đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác còn lại.
Về thu, chi tiền công đức, tài trợ các di tích, năm 2022, tổng số thu là 70,8 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng). Theo đánh giá của các chủ thể được giao quản lý di tích, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số thu tiền công đức, tài trợ cả năm 2022 chỉ bằng khoảng 40%-60% số thu công đức, tài trợ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tổng chi là 54,4 tỷ đồng.
Riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số thu là 61 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), gần bằng số thu cả năm 2022. Tổng số chi là 29,4 tỷ đồng.
Một số di tích có số thu trong 4 tháng đầu năm 2023 trên 01 tỷ đồng, bao gồm: Di tích đền Cửa Ông – Cặp Tiên là 19,8 tỷ đồng (bằng 32% tính trên tổng số thu tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh); Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử gần 7,2 tỷ đồng; đền Thánh Mẫu ở Trà Cổ, Móng Cái là 5,3 tỷ đồng; Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, Hạ Long là 3,2 tỷ đồng; chùa Hưng Học ở Nam Hòa, Quảng Yên là 2,7 tỷ đồng; Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều trên 1,7 tỷ đồng; …
Bọ Tài chính cho biết số liệu nêu trên được tổng hợp từ báo cáo của 221 chủ thể, bằng 47% trên tổng số chủ thể quản lý di tích. Sau khi loại trừ số di tích không có công đức, còn trên 50 di tích không có số liệu báo cáo.
Về giám sát tiếp nhận, kiểm đếm và quản lý tiền công đức, tài trợ tại 04 di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng đều có điểm chung là: Thực hiện chế độ kế toán hành chính sự nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ; xây dựng và tổ chức thực hiện các quy chế chi tiêu nội bộ, kiểm toán nội bộ, công khai tài chính và quy chế dân chủ cơ sở theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Các khoản thu có sổ sách ghi chép, các khoản chi có hóa đơn, chứng từ; định kỳ thực hiện lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong bối cảnh các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa đang rất cần kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, thì tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là nguồn tài chính rất quan trọng. Nhiều di sản văn hoá, điển hình là các công trình xây dựng, địa điểm gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng đối với tiến trình lịch sử của dân tộc được bảo tồn, phát huy; nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của địa phương được tôn vinh, kế thừa. Nguồn thu công đức, tài trợ ngoài việc sử dụng cho bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, còn được sử dụng cho các hoạt động cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Việc tu bổ, tôn tạo di tích đã tạo sức hấp dẫn đối với du khách, là điều kiện để thực hiện thu phí tham quan theo quy định tại Điều 60 Luật Di sản văn hóa. Hình thức tiếp nhận tiền công đức, tài trợ được triển khai đa dạng; cùng với việc tiếp nhận tiền mặt, tại nhiều di tích đã thực hiện tiếp nhận tiền công đức theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Hoạt động giám sát tiếp nhận, kiểm đếm, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích về cơ bản trên cơ sở ý thức tự giác, tự kiểm của mỗi người, từng tổ chức liên quan, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng.
Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, mặc dù tại các di tích về cơ bản đều có bàn ghi công đức, đặt hòm công đức ở vị trí phù hợp; tuy nhiên, tình trạng du khách đặt tiền trên các ban thờ, trên mâm lễ ở di tích nào cũng có. Tại một số di tích vẫn còn tình trạng rải, rắc, gài tiền lẻ ở gốc cây, tay tượng, giá chuông, khe cửa sổ, mái chùa, giếng nước… gây phản cảm, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo. Tại các di tích có nhà sư trụ trì, đa số di tích có báo cáo thu, chi nhưng chỉ là khoản tiền trong hòm công đức. Thực tế có một số khoản công đức khác dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản không được phản ánh trong báo cáo gửi cho Đoàn kiểm tra; theo đánh giá của du khách thì các khoản này thường cao hơn so với bỏ trong hòm công đức.
Đề xuất kiểm tra tổng thể quản lý tiền công đức trên toàn quốc
Từ thực tế kiểm tra, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị một số nội dung cụ thể đối với địa phương. Trong đó, đề nghị địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Về tu bổ, tôn tạo các di tích, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 328 di tích đưa vào danh mục kiểm kê (bằng 72% trên tổng số di tích), đề nghị địa phương rà soát, đánh giá, nhận diện đầy đủ giá trị của từng di tích trong số 328 di tích nêu trên; trường hợp không đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích thì đưa ra khỏi danh mục kiểm kê; trường hợp đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích thì lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, nhất là những di tích đang bị xuống cấp, hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại.
Về kinh phí, Bộ Tài chính nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Cả hai Chương trình đều có nội dung tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích lịch sử-văn hóa; kinh phí thực hiện từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và vốn huy động hợp pháp khác. Bộ Tài chính đề nghị địa phương sử dụng nguồn hỗ trợ từ NSTW, chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Đối với các di tích có thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng không báo cáo hoặc báo cáo chưa đầy đủ, đề nghị địa phương rà soát, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp đầy đủ.
Cũng theo Bộ Tài chính, thực tế tại tỉnh Quảng Ninh cho thấy, người dân có nhu cầu rất lớn trong việc công đức, tài trợ cho di tích và lễ hội; tuy nhiên, đến nay chưa có báo cáo đánh giá tổng thể về hoạt động này trên phạm vi cả nước mà mới chỉ dừng ở phạm vi di tích, theo cách làm riêng của mỗi địa phương. Do đó, để tổng hợp, đánh giá đầy đủ hơn về hoạt động này, cần thiết tổ chức kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử-văn hóa, đình chùa trên toàn quốc.
Lê Hải – Như Trường
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/bo-tai-chinh-de-xuat-kiem-tra-tong-the-quan-ly-tien-cong-duc-tren-toan-quoc-d196632.html