Trong nhiều năm qua Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn cố gắng vì lợi ích của học sinh, vì nhiệm vụ của ngành cung ứng đầy đủ đồng bộ kịp thời những cuốn sách giáo khoa với giá bán thấp nhất tới học sinh trên mọi vùng miền của tổ quốc, không để học sinh phải bỏ học vì thiếu sách giáo khoa.
Theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo một số vấn đề về việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa giai đoạn 2012 -2017 như sau:
I. Về nội dung và hình thức sách giáo khoa
Khi biên soạn sách giáo khoa để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh tiến hành các thí nghiệm; xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức (tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức, hướng dẫn học sinh tự học, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước trên thế giới.
Khi thay sách giáo khoa từ năm học 2002-2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn giáo viên về việc sử dụng sách giáo khoa để tổ chức hoạt động học của học sinh theo phương pháp dạy học tích cực. Cụ thể là:
– Đối với các bài có thí nghiệm, học sinh cần được tổ chức tiến hành theo nhóm (hiện nay cơ số bộ thí nghiệm thực hành theo Danh mục thiết bị dạy học tối thiếu là 6 bộ thí nghiệm/bài thực hành) và ghi số liệu vào bảng trong Phiếu học tập (lập theo mẫu trong sách giáo khoa) để tính toán, phân tích, rút ra kết luận. Như vậy, học sinh không cần ghi số liệu thí nghiệm vào bảng trong sách giáo khoa.
– Đối với các dạng bài tập trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi, đánh dấu, học sinh phải ghi vào vở phương án trả lời (dự kiến), kèm theo lời giải thích để trình bày, thảo luận trên lớp, không ghi trực tiếp vào sách giáo khoa. Vì sách giáo khoa được sử dụng đang trong quá trình học sinh học tập để thu nhận kiến thức mới nên các bài tập được đưa ra với vai trò là “tình huống” để học sinh “dự đoán”. Dự đoán này của học sinh chưa chắc chắn đúng, thậm chí phần nhiều là chưa đúng, học sinh trong lớp có nhiều phương án lựa chọn khác nhau (nếu như “tình huống” hay) để tạo “mâu thuẫn nhận thức” trong quá trình dạy học.
Vì lí do đó nên trong quá trình dạy học, giáo viên cần sử dụng các dạng bài tập đó làm “tình huống học tập” để hướng dẫn học sinh ghi vào vở “dự kiến phương án trả lời và giải thích lí do lựa chọn” để trình bày, thảo luận, bảo vệ phương án đúng. Như vậy mới thực hiện đúng tinh thần của phương pháp dạy học tích cực mà sách giáo khoa hướng tới. Nếu trong dạy học giáo viên cho học sinh trả lời bằng cách viết, vẽ trực tiếp vào sách giáo khoa rồi đánh giá kết quả là “đúng hay sai” thì hiệu quả hoạt động dạy học không cao, hạn chế trong việc phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Để quán triệt việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực và hạn chế viết vào sách giáo khoa trong quá trình thực hiện các hoạt động học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng sách giáo khoa được lâu bền. Tuy nhiên, việc sử dụng lại sách giáo khoa hiện mới đạt khoảng 35%.
II. Về việc sử dụng sách tham khảo
Sách tham khảo theo chương trình giáo dục phổ thông được nhiều nhà xuất bản tổ chức xuất bản và phát hành trên thị trường. Hiện nay có nhiều nhà xuất bản tham gia xuất bản và phát hành sách tham khảo như: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (có nhiều Công ty trực thuộc tham gia), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh… Vì vậy, mỗi môn học có rất nhiều sách tham khảo theo từng khối, lớp và cách thức tiếp thị, phát hành cũng đa dạng.
Để quản lí việc sử dụng sách tham khảo trong các nhà trường bảo đảm chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 7 năm 2014 Quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thông tư 21 quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên về: Yêu cầu đối với xuất bản phẩm tham khảo; lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo; trách nhiệm của giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục các cấp trong việc lựa chọn, quản lí, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo; trách nhiệm của các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra. Để tránh việc giáo viên cố tình đưa nhiều nội dung từ sách tham khảo vào các bài kiểm tra để bắt ép học sinh mua sách, Thông tư quy định “Giáo viên không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình, sách giáo khoa trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên trong quá trình dạy học.”; “Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào.”.
III. Về việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa
Thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09 tháng 12 năm 2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn sách giáo khoa để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003. Để tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định thành lập đội ngũ tác giả và tổ chức biên soạn sách giáo khoa; Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định sách giáo khoa và tổ chức thẩm định sách giáo khoa các môn học; Giao cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức bản thảo, biên tập, thiết kế-minh họa, đăng kí xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa. Từ đó đến nay, việc in sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn các nhà in có đủ năng lực để bảo đảm chất lượng, tiến độ, giá thành hợp lí.
Do tính chất đặc thù của việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa nên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không được tự quyết định giá bìa sách giáo khoa. Theo quy định hiện hành thì sách giáo khoa là mặt hàng được quản lí giá bởi Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá). Từ năm 2011 đến nay, mặc dù giá cả thị trường có nhiều thay đổi, giá nguyên vật liệu làm sách tăng lên nhiều nhưng giá sách giáo khoa vẫn giữ nguyên. Việc Nhà xuất bản Việt Nam tổ chức đấu thầu để lựa chọn các công ty in, phát hành sách giáo khoa thông qua các công ty cổ phần về thực chất là lựa chọn những công ty đủ mạnh, có khả năng in sách giáo khoa với chất lượng tốt, giá thành hạ, phát hành sách giáo khoa ở các địa phương để giảm chi phí vận chuyển (sách in ở khu vực nào cung cấp cho khu vực đó, không phải “chuyển về nhập kho, sau đó chuyển đến các công ty cổ phần sách và thiết bị tại các miền, rồi mới chuyển về các công ty phát hành sách địa phương” như được phản ánh), bảo đảm không bị lỗ hoặc lỗ ít trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, nhân công tăng theo giá cả thị trường nhưng giá sách giáo khoa không thay đổi (theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong việc in ấn, phát hành sách giáo khoa hiện nay lỗ khoảng 40 tỷ một năm).
Về việc chiết khấu phát hành sách giáo khoa, theo báo cáo của Nhà xuất bản Việt Nam, việc phát hành sách giáo khoa thông qua hệ thống các Công ty Sách-Thiết bị trường học, các đối tác phát hành thuộc các tỉnh, thành trong cả nước. Toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải tự hạch toán, tự cân đối; hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn phải vay vốn ngân hàng để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh này. Bên cạnh đó Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước nên phải đảm bảo nghĩa vụ với Nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn.
Cũng như vậy, toàn bộ các Công ty Sách-Thiết bị trương học, các đối tác phát hành, các đại lí, cửa hàng bán lẻ… trong kênh phân phối sách giao khoa đều hoạt động theo luật doanh nghiệp và chịu tác động của các quy luật của thị trường. Các cấp đại lí (bán hàng) phải tự hạch toán, tự cân đối… không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong việc phát hành sách giáo khoa.
Sách giáo khoa cũng như mọi hàng hóa khác, để tới được tay học sinh trải qua một quá trình lưu thông trên thị trường. Chiết khấu ở đây được hiểu là phần phí phát hành mà các cấp đại lí trong kênh phân phối dùng để chi trả cho các chi phí trong toàn bộ quá trình bán hàng, cụ thể:
– Chiết khấu bán hàng (phí phát hành) dành cho các Công ty Sách-TBTH, các đối tác phát hành là 20% (đối tác Chiến lược) và 18% (đối tác Phát hành). Phần phí này ngoài việc các đối tác dùng để chiết khấu lại cho các đại lí cấp dưới thì còn chi trả cho việc thực hiện các công tác tiếp thị, khuyến mại giảm giá, kho bãi, bao bì, vận chuyển (tới đại lí, nhà trường), bù hao (rách, hỏng do vận chuyển), bảo hiểm hàng hóa; chi phí nhân công, chi phí vốn, chi phí quản lí… thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước và đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp.
– Đối với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, phần phí phát hành này được dùng để chi trả cho chi phí mặt bằng (thuê địa điểm), chi phí vận hành (điện, nước), khấu hao, bao bì, chi phí nhân công (tiền lương bảo hiểm), chi phí vốn, thực hiện các nghĩa vụ thuế và lợi nhuận còn lại.
Để giảm chi phí vận chuyển, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia thị trường phát hành thành 4 khu vực và giao cho các đơn vị Công ty Sách – thiết bị giáo dục miền (Bắc, Trung, Nam, Cửu Long) làm đầu mối tập kết, cung ứng sách giáo khoa đáp ứng nhu cầu tại từng khu vực. Mức chiết khấu bán hàng dành cho các đơn vị này là 5%. Phần phí phát hành để các đơn vị đầu mối này phải thực hiện các phần việc sau:
– Đôn đốc, điều phối nhà in nhập kho đáp ứng tiến độ phát hành; Tổng hợp kế hoạch đặt và cung ứng hàng hóa; KCS kiểm tra hàng nhập kho…
– Chi trả các chi phí thuê và vận hành kho bãi, bảo hiểm hàng hóa, bao bì, vận chuyển sách tới kho của đối tác, hao hụt (rách, hỏng do vận chuyển), chi phí hàng tồn kho, nhân công bốc xếp, chi phí quản lí, chi phí vốn vay ngân hàng, chi phí tập huấn – hội thảo, tiếp thị, tổ chức hội nghị khách hàng, các chiến dịch khuyến mại… thực hiện công tác xã hội (biếu, tặng sách)… thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Mức chiết khấu (phí phát hành) đối với sách giáo khoa hiện nay (18-20%) là ở mức rất thấp so với mặt bằng chiết khấu đối với mặt hàng sách nói chung của các nhà xuất bản (35% – 40%). Hơn nữa, giá sách giáo khoa hiện ở mức thấp, chỉ bằng (30 – 40%) đối với giá của các loại sách khác (có cùng số trang) nên giá trị thu được sau khi phát hành sách giáo khoa càng nhỏ nên các đối tác phát hành không mặn mà với việc phát hành sách giáo khoa do phần hoa hồng thu được không đảm bảo bù đắp đủ các chi phí lưu thông, bán hàng.
Để kìm giữ được giá sách giáo khoa như hiện nay đồng thời giảm bớt việc phải bù đắp khoản lỗ trong việc in và phát hành sách giáo khoa, trong 16 năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Việt Nam đã nỗ lực tìm phương án thuyết phục các công ty Sách thiết bị trường học đồng thuận, cùng chi sẻ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành để giảm dần chiết khấu đối với sách giáo khoa. Cụ thể:
– Trước năm 2008, mức chiết khấu sách giáo khoa được áp dụng từ 21% đến 34% tùy theo địa bàn có khó khăn về điều kiện đường xá (đồng bằng – biên giới, hải đảo), phương tiện vận chuyển (Ôtô – xe thồ, xe ngựa) cũng như mức độ phát triển kinh tế.
– Năm 2008, tại văn bản số 414/CV-NXBGD ngày 06/3/2008, NXBGD ngoài việc đề nghị các nhà in giữ không tăng giá công in SGK đã đề nghị các công ty Sách TBTH chia sẻ với NXBGDVN một phần khó khăn bằng việc điều chỉnh chiếu khấu phát hành SGK xuống từ 20% đến 27%.
– Năm 2010, tại văn bản số 1983/CV-NXBGDVN, trước bối cảnh giá vật tư (giấy in) và công in tăng cao, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã buộc phải đề nghị các công ty Sách TBTH tiếp tục đồng thuận, chia sẻ áp dụng chung mức chiết khấu chung (20%) đối với tất cả các đối tác.
Mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa (18-20%) như hiện nay là một khó khăn rất lớn đối với các Công ty Sách TBTH đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo. Các đối tác phát hành, các Câu lạc bộ Công ty Sách TBTH ở các miền đã nhiều lần kiến nghị hoặc gửi văn bản đề nghị tăng phí phát hành hoặc hỗ trợ chi phí vận chuyển.
Cụ thể tại văn bản kiến nghị của câu lạc bộ công ty Sách TBTH miền núi phía Bắc (Điện Biên, ngày 05/4/2017) đã kiến nghị: “Đề nghị tăng phí phát hành hoặc hỗ trợ vận chuyển từ 2% đến 5% cho các công ty miền núi, tùy theo địa bàn khó khăn của từng tỉnh.” Tuy nhiên do giá sách giáo khao (do Bộ Tài chính quản lí) chưa được điều chỉnh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang phải bù đắp lỗ nên trong nên trong các năm qua chưa đáp ứng được các yêu cầu này và đã bị các công ty Sách TBTH phản ứng: “Kiến nghị của các công ty trong câu lạc bộ miền núi chưa được trả lời rõ ràng, thỏa đáng. Có vấn đề được nhắc lại nhiều lần ở các hội nghị xong đều không có phản hồi – Đó là việc tăng phí phát hành, hỗ trợ vận chuyển”.
Tuy vậy, trong nhiều năm qua Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn cố gắng vì lợi ích của học sinh, vì nhiệm vụ của ngành cung ứng đầy đủ đồng bộ kịp thời những cuốn sách giáo khoa với giá bán thấp nhất tới học sinh trên mọi vùng miền của tổ quốc, không để học sinh phải bỏ học vì thiếu sách giáo khoa.