Liệu công cuộc “cày view” cho các idol để lên được kỷ lục như hiện nay có bị chùn bước sau khi YouTube đưa ra quyết định này?
Mới đây, YouTube đã chính thức công bố quyết định không công nhận những view thu được nhờ việc mua bán, trao đổi từ quảng cáo trong 24 tiếng đầu ra mắt sản phẩm trên bảng xếp hạng âm nhạc của họ. Đây là động thái được đưa ra sau khi rộ lên thông tin về cuộc điều tra của trang tin Rolling Stone, tiết lộ rằng những kỷ lục view của các MV âm nhạc hầu như đều phụ thuộc vào cách thức “cửa sau” này.
Sự thật nổ ra sau bao năm lấp liếm
“Các công ty âm nhạc đang chi hàng chục nghìn USD để tăng view cho mình…”, trích câu mở đầu của Rolling Stone trong bài viết điều tra sự thật của mình.
Điều đáng nói nằm ở chỗ đây là hành động hoàn toàn hợp pháp và không hề bị ngăn cản bởi YouTube, vì đó là cách dịch vụ quảng cáo mà Google (làm chủ và quản lý YouTube) hoạt động. Số tiền mua view có thể dao động từ 20.000-60.000 USD cho 1 MV để liên tục thu thêm nhiều view từ quảng cáo chủ động, đôi khi chịu chơi lên tới 100.000 USD cho những sản phẩm được đầu tư kỹ lưỡng. Kết quả tối ưu nhất được tính toán có thể giúp họ đạt được thêm 12 triệu view vào thống kê chung – một con số khổng lồ nếu chỉ tính riêng trong 24 tiếng đầu ra mắt.
Tần suất tăng view trong thời gian đầu đăng tải MV thực sự quan trọng.
Cách thức được áp dụng chính là một cơ chế mang tên “quảng cáo TrueView” của Google. TrueView thực ra có không được thiết kế riêng cho các video âm nhạc, nhưng được công khai cho các công ty có nhu cầu cần sử dụng và đăng ký. Nhiều người nhận ra rằng đây thực sự là một cách hoàn toàn an toàn để có thêm rất nhiều view hợp lệ về mặt lý thuyết, không bị cấm đoán bởi chính YouTube và hệ thống của họ.
TrueView hoạt động rất đơn giản và dễ hiểu: Một nghệ sỹ sẽ trả tiền để MV của anh/cô ấy được xuất hiện dưới dạng quảng cáo đi kèm với các video của người khác trên toàn mạng lưới. Khi ấy, trước khi xem một video bất kỳ nào trên YouTube, người dùng sẽ có khả năng cao gặp phải các hình ảnh quảng cáo của MV được trả tiền ngay những giây đầu. Trong một số trường hợp, nếu người dùng đó tương tác với phần quảng cáo (hoặc nán lại xem quảng cáo đủ lâu), 1 view sẽ được thêm vào thống kê cho MV gốc một cách hợp lệ. Cứ như vậy, chẳng cần danh tiếng của mình phải đủ lớn để người khác tự tìm đến, chỉ cần có đủ tiền để chạy quảng cáo là bạn sẽ thu về một con số view đáng kể.
Theo một điều tra gần đây của Bloomberg, rất nhiều nghệ sỹ nổi tiếng từ nhiều tầng lớp trên thế giới đều sử dụng cách thức này đối với sản phẩm của mình, bao gồm cả Taylor Swift, BlackPink… Một nguồn tin giấu tên còn cho biết đó là cách làm phổ biến và quen mặt từ lâu với các hãng lớn.
BlackPink cũng là cái tên được gọi lên trong vấn đề “mua view” này.
TrueView không đơn thuần là kiểu cách tăng view cho vui và khoe mẽ, mà là cả một phần trong chiến lược tinh vi của các công ty giải trí, đóng vai trò như mồi lửa giúp mọi thứ bùng cháy dữ dội, lan tỏa một cách khổng lồ. Chiêu trò này không chỉ giúp tăng thống kê view, mà còn giúp gây ấn tượng với thuật toán tự động của YouTube, giúp cho MV chủ đạo được đề xuất nhiều hơn tới cộng đồng người dùng. Khi đó, tần suất xuất hiện ngẫu nhiên trên các thanh công cụ tìm kiếm, danh sách phát gợi ý sẽ cao hơn đáng kể.
Càng có ấn tượng tốt trong thời gian đầu ra mắt kể từ khi vừa đăng tải, MV càng nhận được nhiều đề xuất hơn. Đó là lý do vì sao giai đoạn 24 tiếng đầu tiên luôn là tâm điểm nóng được nhiều người theo dõi, đã trở thành một xu hướng chung cho khán giả và cả các nhà quản lý đổ hàng chục nghìn USD tiền quảng cáo.
Động thái giải quyết của YouTube
Nhìn chung, việc chạy quảng cáo không có gì sai trái, nhưng chúng không còn là chuyện để đùa khi tính tới những danh hiệu và kỷ lục nghiêm túc tính trên độ nổi tiếng và lượt view của các MV vĩ đại trước đây. Có bao nhiêu phần trăm trong số những dấu mốc đó là view tự nhiên không qua quảng cáo, và sẽ thế nào khi hồi đó các nhà quản lý chưa biết đến cách làm này?
Sau khi những thông tin trên được vạch trần, YouTube cũng vừa nhanh chóng đưa ra một quyết định mạnh mẽ: Chính thức loại bỏ và không công nhận các lượt view dành cho hạng mục video âm nhạc (YouTube Music Charts) đến từ quảng cáo. Mọi thứ từ nay chỉ được tính trên các lượt view tự nhiên, do chính người xem chủ động tìm tới link video hoặc các đường dẫn phù hợp để theo dõi.
Đồng thời, YouTube cũng cho biết họ rất coi trọng và nhấn mạnh sự nghiêm túc trong việc này, nhận thức rõ tầm quan trọng của tính minh bạch trong thành tích view, bởi đó chính là một phần bằng chứng đại diện cho danh tiếng đương đại của các nghệ sỹ. “Quảng cáo là một cách tốt để giúp nhiều người biết đến sản phẩm của mình hơn, nhưng từ nay nó sẽ không được tính là cách tăng view hợp lệ trong thời hạn 24 tiếng đầu,” trích lời YouTube.
Được biết, thông báo trên được đưa ra vào ngày 13/9, và những kỷ lục của các MV ra mắt trước đó sẽ không bị “trừ view” sau khi quyết định này có hiệu lực.
Tham khảo: Rolling Stone, Bloomberg