Bí mật về vở kịch hoàn hảo của Apple khi ra mắt iPhone đầu tiên: Một giây sảy chân là lụn bại cả đời

Nếu màn kịch trước mắt hàng triệu người này gặp sự cố, chắc chắn Apple sẽ vuột mất thời cơ và định mệnh sắp đặt để có được thành công suốt 12 năm tới ngày hôm nay.

Tính đến thế hệ iPhone 11 năm nay, Apple đã hoàn thành dấu mốc 12 năm phát triển dòng smartphone độc tôn của mình. Điều họ làm được quả thực là mơ ước của bất kỳ ai trên thế giới, ngoạn mục như một bản nhạc đang đến hồi cao trào, trên đà thu hút mọi cảm xúc và sự chú ý của người khác. Tất cả xuất phát vào ngày 9/1.2007 định mệnh, khi Steve Jobs chính thức công bố diện mạo chiếc iPhone 2G đầu tiên của Apple.

Thế nhưng, ít ai biết rằng buổi ra mắt iPhone ngày hôm đó thực sự là một màn kịch hoàn hảo của Apple, nói cách khác, họ đã đánh lừa tất cả mọi người trên thế giới đang theo dõi mình khi đó. Nếu sự thật này lộ ra ngay tại thời điểm đó, số phận công ty cũng như thời cơ thăng tiến của Apple có thể lụn bại ngay lập tức.

Bí mật về vở kịch hoàn hảo của Apple khi ra mắt iPhone đầu tiên: Một giây sảy chân là lụn bại cả đời - Ảnh 1.

Steve Jobs khi công bố chiếc iPhone đầu tiên của thế giới.

Vậy màn kịch đó là gì và làm thế nào mà không một ai mảy may nhận ra? Hãy cùng lục lại những lời chia sẻ của Andy Grignon – cựu giám đốc cấp cao tại Apple – khi ông nhận lời chia sẻ với tờ New York Magazine.

Một Apple đầy toan tính và “cáo già”

Andy Grignon lúc bấy giờ là giám đốc phụ trách phát triển công nghệ tín hiệu cho iPhone, quả quyết rằng mình sẽ không thể nào quên được ký ức về cái đêm trước ngày ra mắt iPhone 2G. Với ông, nó như một cơn ác mộng đầy căng thẳng và áp lực: Chỉ 1 ngày trước hôm trọng đại, cố CEO Steve Jobs bất ngờ quyết định muốn tự mình đem một mẫu iPhone lên trình diễn trực tiếp trước mắt mọi khách mời.

Tự đem sản phẩm công ty lên giới thiệu thì có gì là sai nhỉ? Thực ra, iPhone 2G khi đó vẫn chưa hoàn thành khâu thử nghiệm, kiểm định và phát triển toàn diện 100% để có thể tự tin công bố. Theo Grignon, những nguyên mẫu iPhone chứa đầy lỗi vặt, thường tự ngắt tín hiệu, mất kết nối mạng, treo máy và thậm chí là tự sập nguồn khó hiểu.

Cụ thể, iPhone 2G có thể chạy một đoạn bài hát hoặc video ngắn, nhưng nếu dài hơn tí thì dễ “treo” ứng dụng ngay lập tức. Trình duyệt web sẽ hoạt động khá trơn tru nếu như bạn thực hiện công việc gửi email rồi mới lướt web. Nhưng nếu làm ngược lại – lướt web xong rồi gửi email – mọi chuyện có thể sẽ lại rối tung lên vì lỗi. Do đó, tất cả mọi người đã thử nghiệm rất nhiều để quyết định về một chuỗi các hành động nhất quán, sao cho iPhone sẽ không bị lỗi gì cả khi làm theo chính xác trình tự như vậy.

Bí mật về vở kịch hoàn hảo của Apple khi ra mắt iPhone đầu tiên: Một giây sảy chân là lụn bại cả đời - Ảnh 2.

Vì vậy, giải pháp chung cho vấn đề này là lên một kịch bản chi tiết sẵn sàng mọi thứ, tính toán hết mọi rủi ro khi trình diễn công khai. Họ thậm chí có thể tạm thời cài đặt phần mềm trợ giúp riêng vào chiếc iPhone được chọn, từ đó loại bỏ các lỗi ngớ ngẩn. Nhưng Steve Jobs không muốn như vậy, ông yêu cầu được cầm trên tay một chiếc iPhone nguyên bản đúng nghĩa và được coi là chính thức.

Vở diễn hoàn hảo của Steve Jobs

Tính tới thời điểm trước ngày ra mắt, mới chỉ có 100 chiếc iPhone được làm ra và chuẩn bị sẵn. Đen đủi ở chỗ lượng thiết bị dính lỗi gia công hoặc hở cạnh màn hình đối với rìa máy xuất hiện khá nhiều. Phần mềm cũng liên tục gặp sự cố, đến nỗi ê-kíp phải kiểm tra thật kỹ để chọn ra sẵn vài chiếc iPhone hoàn hảo nhất làm phương án dự phòng thay đổi lẫn nhau. Hơn nữa, sau khi bàn bạc và được Steve Jobs chấp thuận, họ đã lập trình màn hình chiếc iPhone mà Jobs mang lên giới thiệu sao cho nó luôn hiện 5 vạch sóng, không cần biết tín hiệu thật khi đó ít hay nhiều. An toàn hơn, Steve Jobs cũng có thể mang theo mình một bộ phát sóng di động nhỏ gắn sát người để kích tín hiệu lớn hơn.

Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. iPhone 2G bấy giờ chỉ có 128MB RAM, lại chưa đủ tối ưu nên rất dễ bị quá tải, phải reset máy bất cứ lúc nào để dùng lại bình thường. Do đó, Jobs cũng đầy tinh ý khi chuẩn bị một mánh nhỏ: Mang theo vài chiếc iPhone dự phòng giấu xung quanh (có thể trên người hoặc các ngăn bàn, tủ trên sân khấu) để có thể luân phiên thay mới khi có sự cố.

Được biết, Steve Jobs đã dành rất nhiều thời gian tập xử lý thành thạo từng màn trình diễn, nhưng tất cả các lần duyệt thử đều gặp sự cố cho tới tận phút gần chót. Đó là lúc phép lạ xảy ra: Toàn bộ 90 phút chính thức đứng trên sân khấu với hàng triệu người theo dõi qua màn ảnh nhỏ, ông đã không gặp phải trở ngại nào. Mọi thứ đều diễn ra trơn tru khiến tất cả phải thở phào nhẹ nhõm.

Bí mật về vở kịch hoàn hảo của Apple khi ra mắt iPhone đầu tiên: Một giây sảy chân là lụn bại cả đời - Ảnh 3.

Hàng trăm người tụ tập tại Apple Store trong ngày mở bán iPhone 2G.

Có lẽ đó là con đường định mệnh được sắp đặt sẵn dành cho Apple, nếu không họ sẽ dính phải vết nhơ rất lớn khi gặp phải “tai nạn” đáng tiếc nào ngay lần debut iPhone đầu tiên của mình. Khi ấy, sẽ chẳng có một Apple sừng sững trên đỉnh vinh quang như hiện tại, trải qua hơn 1 thập kỷ thống trị giới smartphone như ngày hôm nay.