Bệnh viện Nhân Ái – Nơi nụ cười tái sinh từ cõi chết

Người ta thường gọi Nhân Ái, nơi điều trị cho người nhiễm căn bệnh HIV/AIDS, là “bệnh viện chờ chết”. Nhưng 13 năm qua, nơi ấy đã cứu vớt hàng ngàn cuộc đời tưởng chừng sẽ tắt lịm sự sống.

Bỏ trời Âu về chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS

Sơ Cao Thị Thanh Thúy (47 tuổi) vào Bệnh viện Nhân Ái, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước từ năm 2009. Sống tại nơi núi rừng hoang vắng, bên trong là bệnh nhân còn ở ngoài là rất nhiều trại cai nghiện, người phụ nữ với dáng vóc nhỏ bé và đôi bàn tay gầy guộc ấy đã trải qua 10 mùa xuân một cách nhẹ nhàng.

Năm 2003, Sơ Thúy đi nước ngoài định cư theo sự phân công của nhà dòng. Nhưng phần vì không quen khí hậu, phần vì nghe kể về một bệnh viện cưu mang người nhiễm HIV, lao giai đoạn nặng tại Việt Nam, 3 năm sau bà xin về nước.

Hành trình để đượ chung tay giúp bệnh nhân HIV của vị nữ tu sĩ lắm gian nan. Ngoài chuyện phải làm giấy tình nguyện và chấp nhận mọi rủi ro với nhà dòng, sơ Thúy còn có nhiệm vụ phải thuyết phục được mẹ ruột.

“Gia đình không cản tôi vì giờ mình đã là người được giao nhiệm vụ của Chúa. Chỉ có mẹ là người duy nhất phải hỏi ý kiến. Tôi về Buôn Mê Thuột nói cho bà nghe ý định của mình và mẹ rốt cuộc cũng đồng ý, bởi vì lúc ấy bà không biết bệnh HIV/AIDS là bệnh gì” – sơ Thúy cười, nói.

Bệnh viện Nhân Ái - Nơi nụ cười tái sinh từ cõi chết - Ảnh 1.

Nhiệm vụ của sơ Thúy cùng 6 vị nữ tu sĩ khác là chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ và cả những công việc cơ bản nhất là tắm rửa, đi vệ sinh cho bệnh nhân.

Từ chỗ lạ nước lạ cái, những cuộc đời bất hạnh cứ lướt qua trước mặt vị nữ tu. Có người ra đi trong cô độc, có người chịu đau đớn trước khi trút hơi thở lìa trần nhưng tất cả đều để lại trong lòng sơ Thúy những chiêm nghiệm về lẽ tử sinh.

Sơ Thúy nhớ nhất một cặp nam nữ nọ. Chàng trai cai nghiện ở trại Phú Nghĩa, cô gái lại ở trại Phú Đức. Hai người được đưa vào viện cách nhau vài ngày, khi bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Một ngày nọ khi họ vô tình ngồi cạnh bên, ai cũng bất ngờ vì cả hai giống nhau lạ lùng. Câu chuyện cuộc đời họ tái hiện bằng tiếng thở dài rồi kết thúc bằng cái ôm và những giọt nước mắt. Họ là anh em cùng cha khác mẹ, trong một gia đình sớm dở dang hạnh phúc ở miền Tây.

“Cha các em có đến 4 đời vợ, em trai là con của vợ đầu còn em gái là con bà thứ tư. Đổ vỡ, người anh ở với cha còn em gái theo mẹ, vì thiếu tình thương nên các em sớm đi lang thang lêu lỏng.

Cậu anh nghiện ma túy nặng còn bé gái thì nhiễm HIV trong lúc hành nghề mại dâm. Tôi không ngờ các em lại đi cai nghiện, chữa bệnh rồi nhận nhau, rồi nằm xuống cùng nhau ở chốn này” – sơ Thúy kể.

Bệnh viện Nhân Ái - Nơi nụ cười tái sinh từ cõi chết - Ảnh 2.

Bệnh nhân xâu tràng hạt để cầu nguyện cho gia đình khỏe mạnh. Nhà dòng và bệnh viện Nhân Ái đã đưa rất nhiều bệnh nhân HIV/AIDS từ cõi chết trở về.

Đã chăm sóc cho hàng ngàn bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ giai đoạn nặng, sơ Thúy tâm sự bà không hề run sợ những lúc nguy hiểm chực chờ bên cạnh.

Đó là lúc cắt móng tay vô tình phạm da, lúc tắm và phát hiện vết thương của bệnh nhân chảy máu. Bà không biết lúc nào bệnh nhân đau đớn rồi huơ tay cào cấu người đối diện trong vô thức. Chỉ một vết xước nhỏ thôi thì viễn cảnh phải uống thuốc chống phơi nhiễm hiện ra trước mắt.

“Đã vào đến đây rồi thì còn ngại gì nữa thưa anh. Tôi từng chứng kiến các vị sơ ở Ấn Độ dùng miệng hút mủ cho người bệnh, tự tay chăm sóc cho những người vừa bị nạn dưới cống đen, dơ bẩn nguy hiểm còn hơn vậy. Nếu ai cũng sợ hãi lây bệnh thì số phận họ biết đi về đâu.

Tôi không sợ mình mắc bệnh, chỉ sợ khi phải chứng kiến những cái chết đến vội vã. Khi có đợt bệnh nặng, mỗi ngày lại phải giã từ 3-4 bệnh nhân. Người có gia đình đến mang về thì mừng, ai muốn xin đưa vào nhà thờ thì chúng tôi hỗ trợ, còn không thì sau khi thiêu, tro cốt sẽ giữ lại bệnh viện” – Sơ Thúy tâm sự.

Bệnh viện có 7 vị nữ tu đều đã công tác tại đây hơn 10 năm, người nhỏ nhất đã ngoài 30 tuổi, và người lớn nhất vừa bước sang tuổi 70. Ai cũng mang trong mình một tâm niệm làm tốt đời, đẹp đạo.

Sơ Thúy cho biết, cuộc đời tu hành không thể nói trước được điều gì nhưng ngày nào còn sống, bà vẫn muốn tận hiến tại đây.

Động lực của vị nữ tu là khi thấy bệnh nhân từ đau đớn quằn quại, không thiết sống, đã trở nên yêu đời, yêu người và bắt đầu có ước mơ.

Và điều kỳ diệu của Nhân Ái không chỉ có việc kéo bệnh nhân từ cõi chết trở về, mà còn là nơi ươm tình yêu đẹp của rất nhiều cặp vợ chồng y, bác sĩ.

Những đóa hoa tình yêu nở trong “bệnh viện chờ chết”

14 giờ chiều, căn phòng hội nghị khoa Nội 1 trở nên sôi động bởi sự xuất hiện của những “ca sĩ” đặc biệt.

“Lúa đã lên bông

Mắt già tươi sáng thôi chờ mong

Tiếng hò cô gái bên Cửu Long

Mơ rằng mai lúa lên đầy bông…”

Giọng anh N. (42 tuổi) vừa dứt, khán vòng vọng tiếng vỗ tay vang dội.

Bệnh viện Nhân Ái - Nơi nụ cười tái sinh từ cõi chết - Ảnh 3.

Bệnh nhân và nhân viên y tế Bệnh viện Nhân Ái thi hát karaoke mừng năm mới.

Dẫn tôi đến đây, điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm chia sẻ đây là cuộc thi karaoke hàng tháng mà bệnh viện tổ chức để bệnh nhân và các nhân viên y tế cùng nhau ca hát.

Cũng đã 13 năm chị Tâm công tác xa nhà. Chị Tâm không rõ mình đã tiêm thuốc, chăm sóc cho bao nhiêu bệnh nhân, nhưng có một lần chuyển viện mà cả đời chị sẽ không bao giờ quên được.

“Lần đó có một bệnh nhân bị lao rất nặng phải chuyển lên BV Phạm Ngọc Thạch. Suốt 3 tiếng đồng hồ trên xe cấp cứu từ Bình Phước về Sài Gòn, mình và điều dưỡng Dũng phải cấp cứu cho người bệnh không ngơi tay. Đến khi đưa được bệnh nhân xuống xe và vẫn còn sống, hai đứa mới thở phào”.

4 năm sau chuyến xe định mệnh đã đưa cuộc đời chị Tâm gắn chặt với anh Đỗ Văn Dũng, hiện là điều dưỡng công tác tại khoa Lao. Họ đã có với nhau hai mặt con kháu khỉnh.

Công tác trong lĩnh vực nhạy cảm nên mùa Tết nào, vợ chồng chị Tâm cũng phải túc trực trong viện. Hai đứa bé vì thế không được gần cha mẹ mà phải ở với ông bà.

Bệnh viện Nhân Ái - Nơi nụ cười tái sinh từ cõi chết - Ảnh 4.

Điều dưỡng Tâm chăm sóc bệnh nhân.

Đó cũng là hoàn cảnh của vợ chồng anh Bùi Văn Tiến (34 tuổi, quê Hà Tây), làm việc tại viện ngót chục năm.

“Vừa lấy nhau, tụi mình lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi hai tháng trời không được… động phòng. BV không sẵn chỗ cho vợ chồng mà bên ngoài toàn trại cai nghiện, muốn ra riêng phải ở rất xa. Nhưng rồi cũng xong, cứ nghĩ vì bệnh nhân mà cố gắng thì sẽ vượt qua được thôi” – anh Tiến cười nói.

Đã có với nhau hai bé trai nhưng đến giờ, vợ chồng anh Tiến vẫn phải chưa có nhà riêng. Đứa con lớn 6 tuổi phải về với ông bà ngoại để tiện cho sinh hoạt, học hành còn bé út ở khu công vụ với cha mẹ.

Thậm chí vì nhiệm vụ mà những đêm giao thừa, vợ chồng họ dù ở cùng bệnh viện nhưng hiếm khi gặp nhau.

Bệnh viện Nhân Ái - Nơi nụ cười tái sinh từ cõi chết - Ảnh 5.

Điều dưỡng Tiến chưa có mùa xuân nào về đón Tết với gia đình kể từ khi công tác ở BV Nhân Ái.

Điều dưỡng Tiến tâm sự, về lâu dài chắc họ lại phải xa con bởi ngoài biệt lập với thành phố, không đảm bảo điều kiện học hành, kể cả những sinh hoạt cơ bản hằng ngày của Nhân Ái cũng thiếu thốn.

Nước sạch là cả một vấn đề lớn tại đây vì nguồn nước xung quanh bệnh viện nhiễm phèn nặng.

Bác sĩ Nguyễn Thư Tình, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ chia sẻ, Nhân Ái sử dụng nguồn nước được xử lý từ lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Dù đã qua lắng lọc và trên lý thuyết có thể uống nhưng nước không đảm bảo hoàn toàn. Mỗi năm, bệnh viện tốn hơn 100 triệu đồng cho hệ thống lọc nước này.

Lo sợ nước bẩn sẽ làm ảnh hưởng sức khỏe của bệnh nhân vốn đã suy kiệt, y bác sĩ Nhân Ái buộc phải mua nước bên ngoài dùng làm nước uống.

Bệnh viện Nhân Ái - Nơi nụ cười tái sinh từ cõi chết - Ảnh 6.

Các y bác sĩ luôn tìm cách để bệnh nhân được uống nước sạch.

Cách làm này đem lại sự an tâm, nhưng cái giá phải bỏ ra không chỉ là tiền mà còn là sự bất tiện. Mỗi bệnh nhân và nhân viên y tế có chỉ tiêu chỉ 2 lít nước/24 giờ. “Nhiều đêm đã dùng hết gần 2 lít nước mà lại thèm một bát mì mới thấy vài trăm ml nước lọc khi ấy quý giá đến thế nào!”.

Khi nước từ những bình nhựa lớn cạn dần, họ lại cất công đi tìm nước sạch từ nơi cách chốn hiu quạnh này 7km đường rừng.

Khó khăn là vậy nhưng cả anh Tiến và chị Tâm đều khẳng định chưa từng có ý định chuyển công tác. Và họ tin chắc 29 bác sĩ, 154 điều dưỡng tại đây cũng vậy. Bởi họ biết quả ngọt từ sự tận hiến của mình, là đưa sự sống trở về từ cõi chết.

Và chuyến xe tiếp dòng nước lành, khơi xanh cuộc sống

Một ngày mùa xuân 2019, chuyến xe mang dòng nước mát lành vượt hàng trăm kilomet từ Sài Gòn đến Bệnh viện Nhân Ái, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Những chiếc máy lọc nước Daikiosan được lắp tại khoa Săn sóc đặc biệt, khoa Nội 1 và những nơi người bệnh, nhân viên y tế cần nước nhất. Vượt trên giá trị một dòng nước, đây còn là tấm lòng trong trẻo từ nhóm thực hiện Dự án Ngày Nước Tái Sinh (https://www.facebook.com/ngaynuoctaisinh/) gửi trao đến tập thể nhân viên y tế, những con người ẩn mình lộng lẫy, lựa chọn niềm tin y đức không đếm đong tháng ngày.

Bệnh viện Nhân Ái - Nơi nụ cười tái sinh từ cõi chết - Ảnh 7.

Dòng nước lành khởi đầu cho những điều tốt đẹp sắp đến.

Điều dưỡng Tiến phấn khởi: “Chắc chắn lắp xong, những chiếc máy này sẽ hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm…”. Nỗi ám ảnh chỉ tiêu 2 lít nước mỗi ngày sẽ không còn nữa. Các thành viên thực hiện Ngày Nước Tái Sinh như được tiếp thêm sức mạnh khi biết dòng nước lành mà mình mang đến được người Nhân Ái trân quý như vậy.

Tiếng karaoke tại khoa Nội 1 lại vang lên. Bên ngoài, cái nắng núi rừng Bù Gia Mập vẫn gay gắt, cháy bỏng. Nhưng từ giờ đã có một nguồn sống mát lành len lõi vào đây, như cùng chung tay xoa dịu sự khắc nghiệt ở mảnh đất này.

Một mùa xuân mới lại về với Bệnh viện Nhân Ái.

Ngày Nước Tái Sinh với thông điệp: “Khi nguồn nước được tái tạo là lúc cuộc sống được tái sinh” là chương trình phi lợi nhuận được tài trợ bởi Tập đoàn Đại Việt, máy lọc nước Daikiosan nhằm mang lại nguồn nước sạch, an toàn cho sức khoẻ người dân Việt Nam, đặc biệt là những khu vực, địa phương còn nhiều khó khăn.

Chương trình dự kiến trao 700 máy cho các bệnh viện, bến xe, trường học… trên cả nước trong năm 2019.