Văn hóa công vụ – then chốt xây dựng nền hành chính phục vụ

Văn hóa công vụ (VHCV) là sự tổng hợp hài hòa của ba yếu tố: Đạo đức công vụ, tri thức công vụ và hành vi công vụ. Xây dựng VHCV của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tỉnh ta xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo tiền đề hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ nhân dân; đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững dải đất biên cương cực Bắc Tổ quốc.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của VHCV, tỉnh ta kịp thời ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xây dựng VHCV. Năm 2022, UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương hành chính tại 5 sở, ngành (Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông – Vận tải, Ban Dân tộc, Ban Quản lý khu kinh tế), 3 huyện (Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ), trực tiếp kiểm tra tại 13 xã và 23 phòng chuyên môn. Kết quả kiểm tra cho thấy: Đa phần CBCCVC, người lao động tại các cơ quan, đơn vị đều chấp hành và thực hiện nghiêm nội dung liên quan đến tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ, công vụ. Tác phong làm việc, giao tiếp và ứng xử của CBCCVC có nhiều tiến bộ. Cụ thể, trong công việc, CBCCVC luôn tận tụy, có tinh thần cầu thị, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ liên quan, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn; có ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan. Đối với nội dung công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, CBCCVC luôn giữ thái độ tôn trọng, lịch sự khi giao tiếp, trao đổi nội dung công việc, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp…

Cùng với kết quả trên, các cơ quan HCNN từ tỉnh đến cơ sở còn ban hành thông báo và niêm yết công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị (PAKN) của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia, bộ phận một cửa, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Trên cơ sở đó, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phản ánh về thái độ làm việc, giao tiếp của CBCCVC; vừa giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng làm việc và mức độ hài lòng của người dân về tinh thần, thái độ làm việc của CBCCVC. Đặc biệt, tháng 4.2022, Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh (Tổng đài 1022) ra đời (thuộc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh) đã hình thành đầu mối thống nhất tiếp nhận, xử lý và trả lời các yêu cầu, thắc mắc hoặc PAKN của người dân, doanh nghiệp liên quan đến quá trình giải quyết TTHC ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Năm 2022, toàn tỉnh tiếp nhận 44 đơn PAKN của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về hành vi hành chính, quy định hành chính. Tất cả các PAKN này đều được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhận được sự hài lòng của nhân dân; trong đó, có 40 PAKN trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 4 PAKN qua Tổng đài 1022…

Từ những cách làm trên đã góp phần xây dựng hình ảnh đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện, tận tình phục vụ nhân dân. Điều này đóng góp quan trọng vào việc thăng hạng các chỉ số đánh giá về cải cách hành chính của tỉnh. Điển hình như trong các tiêu chí đánh giá chỉ số PCI, tỉnh ta xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố về chất lượng đội ngũ cán bộ trực tại bộ phận một cửa (nhiệt tình, thân thiện, am hiểu chuyên môn). Đồng thời, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN (SIPAS).

Thực tế cho thấy, các giá trị của VHCV đã từng bước phát triển, lan tỏa và tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến nhận thức, hành động của đội ngũ CBCCVC trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Phẩm chất, năng lực, tính kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số CBCCVC chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; thái độ làm việc chưa nghiêm túc, chất lượng giải quyết công việc còn hạn chế; vẫn còn tình trạng chậm trễ trong giải quyết TTHC, chưa đáp ứng được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp nhất là ở cấp xã. Hơn nữa, việc chấp hành thời gian, giờ giấc làm việc (đi muộn, về sớm), hút thuốc không đúng nơi quy định vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC tại một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc, còn tình trạng nể nang, mức xếp loại chất lượng chưa phản ánh đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ…

Để nâng cao VHCV, hiện nay, tỉnh ta đặc biệt coi trọng trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đề cao vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện VHCV gắn với kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những CBCCVC có hành vi vi phạm về VHCC, kỷ luật, kỷ cương hành chính; vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, quy tắc ứng xử; có hành vi nhũng nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tiếp tục xây dựng phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CBCCVC; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

 PHƯƠNG THÙY

Nguồn Báo Hà Giang: http://www.baohagiang.vn/chuyen-muc-cai-cach-hanh-chinh/202303/van-hoa-cong-vu-then-chot-xay-dung-nen-hanh-chinh-phuc-vu-de2494e/